Ngân hàng nước ngoài bị liên lụy bởi khủng hoảng bất động sản Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc còn dẫn đến khó khăn cho các ngân hàng toàn cầu như HSBC và Standard Chartered Bank.
Cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản của Trung Quốc lan rộng, niềm tin thị trường sụp đổ, chính quyền Bắc Kinh phải vật lộn để kiềm chế tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng, các ngân hàng Trung Quốc có thể phải đối mặt với khoản lỗ cho vay mua nhà lên tới 2.400 tỷ nhân dân tệ. Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc còn dẫn đến khó khăn cho các ngân hàng toàn cầu như HSBC và Standard Chartered Bank.
Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc ở Trung Quốc đã làm suy giảm niềm tin của hàng trăm ngàn người mua nhà và khiến tâm lý chờ đợi ngày càng gia tăng. Cơn bão nhà ở chưa hoàn thiện đang tiếp tục lan rộng, tính đến thời điểm hiện tại, hơn 90 thành phố và 300 chủ sở hữu bất động sản đã phản đối bằng cách “ đình chỉ cho vay ” (ngừng trả tiền vay thế chấp mua nhà), và đã có những cảnh báo về rủi ro hệ thống rộng hơn.
S&P Global ước tính rằng 2.400 tỷ nhân dân tệ (khoảng 356 tỷ USD), tương đương 6,4% tổng số các khoản thế chấp, sẽ gặp rủi ro trong trường hợp xấu nhất. Deutsche Bank cảnh báo rằng ít nhất 7% các khoản vay mua nhà có rủi ro.
Ngược lại, các khoản vay thế chấp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự gián đoạn nguồn cung mà các ngân hàng niêm yết của Trung Quốc báo cáo cho đến nay chỉ là 2,1 tỷ nhân dân tệ.
Ông Trần Chí Vũ (Zhiwu Chen), giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Hồng Kông, cho biết các ngân hàng đã bị mắc kẹt ở giữa, và nếu họ không hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản hoàn thành việc xây dựng, họ sẽ mất nhiều hơn được. Nếu họ hành động dưới áp lực, họ sẽ gây được thiện cảm với chính quyền Bắc Kinh, nhưng đồng thời gia tăng khả năng bị chậm trễ trong các dự án bất động sản.
Áp lực đối với ngành ngân hàng Trung Quốc không dừng lại ở đó. Trong khi Bắc Kinh đang bị ảnh hưởng do kinh tế tăng trưởng chậm và dịch bệnh, và cả vấn đề tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục ở thanh niên, vào tuần trước chính quyền đã công bố kế hoạch thành lập quỹ bất động sản có quy mô 200 – 300 tỷ nhân dân tệ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng yêu cầu các ngân hàng cung cấp khoản vay 1.000 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ các công ty nhà ở hoàn thiện “các tòa nhà chưa hoàn thành” và cung cấp cho chủ sở hữu thời gian gia hạn hoàn trả khoản vay.
Rủi ro trong lĩnh vực bất động sản của ngành ngân hàng Trung Quốc cao hơn nhiều so với bất cứ lĩnh vực nào khác.
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương), tính đến cuối tháng Ba, có 39.000 tỷ nhân dân tệ trong khoản vay mua nhà và 13.000 tỷ nhân dân tệ trong các nhà phát triển bất động sản. Cùng với việc chính quyền Bắc Kinh áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro, những người cho vay có mức độ rủi ro cao có thể phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn.
S&P dự đoán, doanh số bán nhà ở Trung Quốc có thể giảm tới 33% trong năm nay do việc ngừng thế chấp gây ra bởi các bất động sản dang dở, S&P dự đoán điều này càng làm siết chặt thanh khoản đối với các công ty nhà ở đang gặp khó khăn và dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ hơn.
Theo công ty tư vấn Teneo, trong năm qua khoảng 28 trong số 100 công ty bất động sản hàng đầu của Trung Quốc đã vỡ nợ hoặc đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để gia hạn nợ.
Trong tháng Bảy, doanh số của 100 công ty bất động sản hàng đầu đã giảm hơn nữa. Theo dữ liệu do tổ chức nghiên cứu bên thứ ba của Trung Quốc CRIC công bố vào ngày 31/7 cho thấy, trong tháng Bảy, doanh số của 100 công ty bất động sản hàng đầu đã giảm 28,6% so với tháng trước, và mức sụt giảm doanh số hàng năm vẫn ở mức mức cao gần 40%. Khu vực giao dịch của 30 thành phố trọng điểm giảm 16% theo so với tháng trước và giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã làm gián đoạn thị trường tín dụng châu Á, làm tê liệt không chỉ các ngân hàng Trung Quốc mà cả các ngân hàng toàn cầu bao gồm HSBC và Standard Chartered cũng bị ảnh hưởng.
Theo Liberty Times tại Đài Loan đưa tin, HSBC tại Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro bất động sản thương mại của Trung Quốc lên tới hơn 12 tỷ USD, 1/3 trong số các bất động sản đó là không đạt tiêu chuẩn hoặc bị hư hỏng, và HSBC sẽ đệ đơn cáo buộc lên chính quyền Trung Quốc.
Ngày 1/8, giám đốc Tài chính HSBC Holdings, ông Ewen Stevenson cho biết, họ đang theo dõi chặt chẽ các sổ sách nước ngoài về hoạt động kinh doanh bất động sản thương mại của họ ở Trung Quốc và vẫn còn một chặng đường dài để có thể bước qua được thời kỳ tồi tệ nhất.
HSBC đã gánh khoản lỗ tín dụng dự kiến lên tới 142 triệu USD liên quan đến bất động sản thương mại Trung Quốc trong quý II năm nay.
Reuters đưa tin vào tháng Chín năm ngoái, rằng các nhà phân tích của JPMorgan đã cảnh báo rằng lợi nhuận và bảng cân đối kế toán của HSBC và Standard Chartered có thể phải đối mặt với thiệt hại lan tỏa từ cuộc khủng hoảng nợ Evergrande, mặc dù họ nói rằng họ không tiếp xúc trực tiếp với rủi ro bất động sản của Evergrande.
Phần lớn lợi nhuận của 2 ngân hàng này là từ Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông, là những ngân hàng nước ngoài đã tham gia bảo lãnh cho vay vốn nhiều nhất của các nhà phát triển trong nước, có nghĩa là họ có thể phải đối mặt với tác động thứ cấp trực tiếp nhất.
Trong số các ngân hàng nước ngoài, HSBC và Standard Chartered có mức cho vay trực tiếp lớn nhất đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, HSBC có 17 tỷ USD, tương đương 1,5% tài sản của tập đoàn; Standard Chartered có 1,3 tỷ USD, chiếm 0,5% các khoản cho vay của tập đoàn.
Hiểu Vũ, Vision Times
Mời xem thêm các bài khác về bất động sản Trung Quốc tại đây .
Dự án hoang phế của Trung Quốc lan đến nước Anh Tình trạng xây dựng bỏ hoang cùng làn sóng đình chỉ trả tiền vay thế chấp mua nhà ở Trung Quốc có thể đã lây lan đến cả Anh quốc.