Ngân hàng Nhà nước vẫn ‘kiểm soát đặc biệt’ ngân hàng SCB
Sau hơn 2 tháng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay vẫn sẽ kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Hiện lãi suất huy động của ngân hàng này cao bất thường do thực trạng rất nhiều người dân cáo buộc ngân hàng SCB lừa đảo, biểu tình trước các trụ sở, chi nhánh SCB để đòi lại tiền mua trái phiếu.
Ngày 17/12, tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023, ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng hoạt động yếu kém phải xử lý theo hướng chuyển giao bắt buộc.
Do tác động của những sai phạm và liên quan trực tiếp với SCB đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người gửi tiền ở ngân hàng này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải kiểm soát đặc biệt đối với SCB từ hôm 15/10.
Hiện ngân hàng SCB đẩy lãi suất huy động khá cao do có một lượng lớn khách hàng ồ ạt rút tiền vì lo sợ hoạt động của ngân hàng gặp bất ổn.
Theo đó, ở kỳ hạn 6 tháng – 11 tháng, người gửi tiền có thể nhận mức lãi tới 9,9%/năm của SCB theo hình thức gửi Online.
Với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, mức lãi là 9,95%/năm. Tuy vậy, các ngân hàng thông thường vẫn dùng các lợi ích tăng thêm để thực tế khách hàng nhận lãi cao hơn mức niêm yết chính thức.
Đến nay, sau sự kiện bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu tại Công ty An Đông (thành viên của Vạn Thịnh Phát), nhiều người dân cáo buộc phía ngân hàng SCB tư vấn sai lệch để bán trái phiếu.
Nhận hàng loạt khiếu nại, SCB mở địa điểm giải quyết vấn đề trái phiếu DN
Theo Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh , ngân hàng SCB có nhiều lỗi trong việc đóng vai người bán trái phiếu, không đơn thuần là “giới thiệu” như phía SCB nhìn nhận. Cụ thể:
– Nhân viên SCB dùng uy tín của ngân hàng để chủ động mời chào trái phiếu cho khách hàng tức là “solicit”.
– Nhân viên SCB trình bày sai cho khách hàng khi dùng từ tiết kiệm linh hoạt để nói về trái phiếu; không nói về rủi ro, thậm chí có nhân viên còn đảm bảo an toàn, không rủi ro.
– Nhân viên SCB không hướng dẫn khách hàng đọc kỹ hợp đồng.
– Nhân viên SCB bán trái phiếu mà không có giấy phép hành nghề chứng khoán.
– SCB vi phạm luật chứng khoán khi bán trái phiếu phát hàng riêng lẻ cho công chúng.
– SCB bán trái phiếu lừa đảo và trái phiếu ma, trái phiếu rác.
– SCB không nhận trách nhiệm về việc mình đã làm.
Đứng về lý, khách hàng đã ký hợp đồng thì phải chịu thiệt hại cuối cùng. Ngân hàng SCB không thể trả thay cho người lừa đảo. Nhưng SCB là một nhân tố quan trọng trong “quy trình” đưa trái phiếu lừa đảo, trái phiếu ma, trái phiếu rác đến người dân, thì SCB không thể chối bỏ trách nhiệm liên quan của mình mà SCB phải có trách nhiệm với khách hàng của mình có trách nhiệm trong hành trình đòi lại tiền của khách hàng, theo ông Chánh.
Hôm 27/11, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, “Tất cả trái phiếu hiện nay đang có vấn đề là do phát hành không được kiểm soát. Cơ quan phải chịu trách nhiệm này là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước”, Tạp chí Đầu tư Tài chính dẫn lời.
Tuy vậy, đến nay người dân vẫn đến biểu tình tại các chi nhánh ngân hàng SCB, trụ sở Bộ Tài chính,… vì các cơ quan trên vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể nào để tháo gỡ khúc mắc của người dân về việc lấy lại tiền mua trái phiếu.
Tuấn Minh
Người dân lo lắng rút tiền ồ ạt; SCB tuyên bố không có mối liên hệ với bà Trương Mỹ Lan
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa trải qua một ngày biến động khi lượng người đến rút tiền gửi ồ ạt tại hàng loạt chi nhánh.