Ngân hàng Nhà nước quản lý vay qua App như thế nào?

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 01:16:54

Chiều 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực ngân hàng, với phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề, hiện nay, người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang Web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng này vì thời gian vừa qua Công an TP. Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. (Ảnh: Quốc hội)

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, sự phát triển của công nghệ đã xuất hiện nhiều hoạt động cho vay và việc cho vay qua App, qua Web đã có ở một số nước trên thế giới, gần đây lan sang các nước châu Á và Việt Nam.

Việc cho vay này dựa trên kết nối công nghệ giữa người vay và cho vay nhưng thực tế xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền của người cho vay và của người đi vay. Có thể người lập ra sàn kết nối lại là người đi vay hoặc cho vay, gây mất an toàn trật tự xã hội.

"Trung Quốc đã có biện pháp siết các hoạt động này. Tại Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và giao Ngân hàng Nhà nước khảo sát, đánh giá có các tổ chức xuất hiện loại hình cho vay này và đang xây dựng hành lang pháp lý. Điều này đảm bảo được hoạt động này phải lành mạnh, an toàn hiệu quả và trên cơ sở kinh nghiệm của các nước thì sẽ rút kinh nghiệm để hạn chế những rủi ro có thể phát sinh", bà Hồng nói.

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cũng có câu hỏi về xử lý ngân hàng 0 đồng vẫn "dậm chân tại chỗ": "Vì sao lại chậm trễ như vậy, giải pháp gì để đẩy nhanh quá trình này?". Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xử lý cơ cấu ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường là khó, do nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Tại báo cáo gửi Quốc hội trước đó, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á. Các biện pháp được đưa ra gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... Trong đó, hai trên ba ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) đã có phương án xử lý, báo cáo cho biết.

Phát biểu trước khi nhận câu hỏi chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, với vai trò là Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, theo đó tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô của đất nước, đồng thời hệ thống ngân hàng là huyết mạch chu chuyển vốn và cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế.

"Hoạt động ngân hàng luôn gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp và người dân với vai trò quản lý Nhà nước về tiền tệ. Những năm qua, ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả nhất định đóng góp vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới", bà Hồng nói./.


Thiên Bình

Chia sẻ Facebook