Ngân hàng Nhà nước nêu giải pháp giải ngân nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%
Sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước, mới có 550 khách hàng được hỗ trợ với số tiền giải ngân hết tháng 8 chỉ ở mức hơn 13 tỷ đồng.
Tại hội thảo chuyên đề thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 sáng 18/9, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có phần lý giải về sự chậm trễ trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Ông Hà khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành chính xác tiền tệ và năm nay đảm mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát và trong bối cảnh diễn biến của kinh tế toàn cầu phức tạp. Vì vậy, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cũng là một trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay.
“Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai nhanh chóng một loạt các cái biện pháp. Thứ nhất là hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành Thông tư 03 ngay cùng ngày với Nghị định 31 để hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai đến các đối tượng vay vốn”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà làm rõ các bước thực hiện từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Cơ quan này cũng đã thu thập thông tin đăng ký từ các ngân hàng thương mại để tiến hành đề xuất cùng với các bộ phân bổ ngân sách 40.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ trong hai năm. Theo đó, năm nay dự kiến phân bổ khoảng 16.000 tỷ đồng, sang năm là 24.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, tiến hành triển khai, hướng dẫn các ngân hàng thương mại, đã ra một bộ với 20 vấn đề cần phải giải đáp cho các ngân hàng thương mại trong quá trình triển khai, như đối tượng, phương thức, cách đăng ký, cách lập dự toán cũng như cách thức quyết toán.
“Các ngân hàng thương mại được yêu cầu phải tập trung mọi nguồn lực để triển khai nhanh các gói hỗ trợ này đến người vay vốn. Công tác truyền thông cũng rất được chú trọng để các đối tượng có thể hiểu rõ được chính sách”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận, dù bắt đầu triển khai trên thực tế nhưng số liệu còn “khiêm tốn”. Qua 3 tháng triển khai, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt trên 4.400 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8 năm nay là trên 13 tỷ đồng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng giải thích rõ, hoạt động cho vay các hệ thống ngân hàng thương mại diễn ra một cách bình thường và mặc dù Nghị định 31 hay là Thông tư 03 ban hành vào tháng 5/2022, nhưng phạm vi hỗ trợ là tính tất cả khoản dư nợ từ ngày 1/1/2022.
Theo đánh giá nhanh trên cơ sở thống kê từ các thương mại, Ngân hàng Nhà nước cho biết tổng số dư nợ có thể thuộc phạm vi của chương trình này khoảng 800.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như là khách hàng, mặc dù là đối tượng, có nhu cầu hỗ trợ hay không lập hồ sơ..., ngân hàng thương mại cũng phải xem xét và phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật .
Các nhóm khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung giải quyết đã được Ngân hàng Nhà nước xác định.
Về xác định đối tượng, ông Hà cho biết có trường hợp khách hàng không phải hoạt động đơn ngành mà đa ngành, nhiều hộ thuộc đối tượng nhưng không được xác định là vay vốn kinh doanh.
Về tâm lý e ngại của khách hàng, ông chỉ ra nguyên nhân đầu tiên do mức giải ngân còn thấp gây ra nghi ngờ về khả năng hỗ trợ và thực tế triển khai. Ngoài ra, nhiều khách hàng cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp, rườm rà. Bên cạnh đó, khách hàng ngại các công tác thanh tra, kiểm toán.
“Chúng tôi đã nhận diện được hai khó khăn trên và cũng đề nghị các bộ liên quan, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước... để cùng thống nhất phương án xử lý”, ông Hà nói.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thời gian tới sẽ triển khai các nhóm, tổ liên ngành khảo sát tình hình thực tế triển khai tại các địa phương, tại các ngân hàng thương mại để nắm bắt và có giải đáp thắc mắc cũng như giải quyết vướng mắc trong thực tế.
Đồng thời tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, người vay vốn... nhằm thu thập thông tin về khó khăn trong quá trình triển khai, từ đó trình Chính phủ và đưa ra các giải pháp để gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai nhanh hơn trong thời gian tới .