Ngân hàng Nhà nước giảm giá bán USD lần thứ 3 trong tháng
Cơ quan này cũng liên tục giảm tỷ giá trung tâm trong thời gian gần đây.
Sáng nay (25/11), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm giá bán USD, từ 24.850 đồng xuống 24.840 đồng. Đây là lần thứ 3 NHNN thực hiện giảm tỷ giá bán USD trong tháng này, 2 lần trước đều giảm 10 đồng mỗi đợt.
Động thái điều chỉnh giảm tỷ giá USD của Ngân hàng Nhà nước diễn ra sau khi cơ quan này thực hiện 2 đợt tăng mạnh lãi suất điều hành ngày 23/9 và 25/10, mỗi đợt tăng 1%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng được điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn bám sát trần quy định của NHNN. Với tỷ giá trung tâm 23.699 đồng/USD và biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần cho ngày 25/11 là 22.485-24.852 đồng/USD.
Theo đó, Vietcombank và BIDV hiện niêm yết tỷ giá USD ở mức 24.652-24.852 đồng/USD (mua vào - bán ra). ACB mua vào với giá 24.650 đồng/USD (hình thức chuyển khoản) và bán ra 24.850 đồng/USD. Techcombank thì giao dịch USD với giá 24.652-24.850 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giá USD biến động khá mạnh. Sau khi giảm hơn 100 đồng ngày hôm qua (24/11), giá USD “chợ đen” lại bật tăng trở lại khoảng 50 đồng, hiện phổ biến ở mức 24.920-24.980 đồng/USD (mua vào – bán ra). So với mức đỉnh gần 25.500 đồng/USD đạt được vào cuối tháng 10, giá USD “chợ đen” đã giảm mạnh tới khoảng 500 đồng.
Tỷ giá USD trong nước hạ nhiệt thời gian gần đây, một phần do đồng USD quay đầu giảm trên thị trường quốc tế. Hiện chỉ số US Dollar Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh đứng ở mức 105,91 điểm, giảm khoảng 5% trong tháng 11, đánh dấu tháng giảm tồi tệ nhất của đồng tiền này trong 12 năm.
Theo biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới được công bố, phần lớn các nhà hoạch định chính sách đã nhất trí rằng có khả năng sẽ sớm làm chậm tốc độ tăng lãi suất. Theo đó, đồng USD, vốn tăng mạnh trong năm nay nhờ chính sách tăng mạnh lãi suất của Fed, đã quay đầu giảm so với rổ tiền tệ chính.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, vẫn có sự tranh luận giữa các quan chức của Fed về những rủi ro có thể tác động đến nền kinh tế khi giảm thắt chặt chính sách tiền tệ. Do đó, xu hướng tăng giá của đồng USD tưởng như đã kết thúc nhưng có thể sẽ đặt nền móng cho việc tăng trở lại vào năm tới.