Ngân hàng nào có lợi thế được nới room tín dụng?

Chia sẻ Facebook
25/08/2022 07:03:19

Các ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao, mô hình quản trị rủi ro tốt hoặc ngân hàng nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém có thể sẽ được "nới" room tín dụng.


Vấn đề "room" tín dụng vẫn chưa hết "nóng" khi hàng loạt ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tăng vọt, còn Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố đâu sẽ là nhà băng được cơi nới thêm chỉ tiêu này cho tới cuối năm.

Tăng huy động đầu vào để có vốn cho vay đầu ra


Số liệu từ báo cáo riêng lẻ các ngân hàng cho thấy tín dụng đã tăng vọt trong 2 quý đầu năm 2022, có ngân hàng tăng tính bằng lần, vượt ngưỡng 10% chỉ sau một quý.


Không chỉ ở các ngân hàng thương mại ghi nhận tăng trưởng cho vay mạnh như HDBank, SeABank, MB... mà các ngân hàng có vốn Nhà nước như BIDV, Vietcombank cũng ghi nhận tăng trưởng ở chỉ tiêu này. Bản thân các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank , BIDV, MBBank… đã liên tục đề xuất được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, từ hồi cuối tháng 5.


Tính đến ngày 25/7, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,42% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2021 là 6,64%.


Việc cạn room tín dụng còn khiến nhiều nhà băng phải tăng huy động đầu vào để có nguồn vốn cho vay đầu ra. Điều này được thể hiện rõ ở "cuộc đua" lãi suất tiền gửi của các nhà băng diễn ra trong thời gian qua.


Theo khảo sát của Người Đưa Tin , trong tháng 8, có khoảng 14 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất. Sóng tăng lãi suất được VNDirect nhận xét đã quay trở lại kể từ tháng 5. Song đến tháng 8 vừa rồi là thời điểm mà nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất nhất. Các ngân hàng tăng lãi suất ở tất cả kỳ hạn, phổ biến với biên độ trên 0,2% một năm.

Nhiều nhà băng điều chỉnh mạnh 0,5% một năm như ABBank, ACB, Sacombank... KienlongBank tăng đến 0,6% một năm cho tiền gửi một tháng tại quầy, mức tăng tương tự cũng được Techcombank áp cho kỳ hạn 6 và 9 tháng... Ngân hàng có mức tăng lãi suất tiết kiệm mạnh nhất hiện nay là Sacombank khi cộng thêm 0,65% một năm cho tiền gửi 9 tháng tại quầy và online.

CBBank đang dẫn đầu thị trường khi trả 7,45% cho tiền gửi 12 tháng tại quầy và 7,5% cho khách hàng gửi tiết kiệm online, tăng 0,3% so với trước. Trước đó, SCB là nhà băng dẫn đầu thị trường khi trả lãi 7,3%.


Diễn biến này trùng với số liệu tiền gửi của người dân vào ngân hàng đã tăng mạnh. T heo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tại ngày 30/6/2022, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,46 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 92.400 tỷ đồng so với cuối tháng 5/2022 và tăng hơn 522.500 tỷ so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng là tổ chức kinh tế đạt gần 5,85 triệu tỷ đồng, tăng gần 42.000 tỷ đồng trong tháng 6 và tăng hơn 200.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2022.


Trước đó, dịch Covid-19 khiến môi trường lãi suất thấp, tiền gửi ngân hàng kém cạnh tranh hơn các kênh đầu tư khác khiến người dân rút tiền để rót vào chứng khoán, bất động sản . Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp lại tăng mạnh do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến họ không dám mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tình thế đã thay đổi, mức tăng số dư tiền gửi 6 tháng đầu năm nay của người dân đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 30% so với năm 2020.

Ngân hàng nào được nới "room"?


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc các tổ chức tín dụng phản ánh hết "room" là do đã tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỉ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...

Ngân hàng Nhà nước nói gì trước tình trạng cạn room tín dụng?


Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã từng đề cập tới việc tổ chức tín dụng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh, sẽ được xem xét phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.


Như vậy, có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát "tín hiệu" về khả năng điều chỉnh "room" tín dụng cho một số ngân hàng từ nay cho tới cuối năm. Tuy nhiên, hiện ngân hàng nào sẽ được cơi nới "room" mới là câu chuyện đáng bàn.


Hàng loạt công ty chứng khoán đã chỉ ra các ngân hàng có khả năng được nới "room" từ giờ tới cuối năm.


Chứng khoán SSI, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đều cho rằng Ngân hàng Nhà Nước sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng cho các nhà băng vào cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay, với mức độ nới tùy vào tình hình tài chính từng ngân hàng.

Hàng loạt công ty chứng khoán đã chỉ ra các ngân hàng có khả năng được nới "room" từ giờ tới cuối năm.


Theo VCBS, các tiêu chí xét duyệt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu, năng lực quản trị rủi ro thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III…, mức độ hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội như miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng...


Các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB... sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.


Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng cho rằng các ngân hàng có kế hoạch tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng "0 đồng" có thể có lợi thế về tăng trưởng tín dụng trong năm nay.


MB và Vietcombank từ trước đó đã công bố kế hoạch nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Chứng khoán SSI cùng đánh giá MB và Vietcombank có thể được ưu tiên hơn trong việc nới "room" tín dụng. BVCS nhận định Vietcombank sẽ được giao hạn mức tín dụng khoảng 18% đến 19% cho cả năm, trong khi MB được Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo tăng trưởng tín dụng là 22% cho cả năm.


Cổ đông HDBank mới đây cũng đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Việc này cũng được các công ty chứng khoán đánh giá sẽ giúp HDBank có thêm "room" .

Chia sẻ Facebook