Ngân hàng nào có khả năng chống chịu tốt trước áp lực NIM thu hẹp?
Dù còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng giới phân tích nhận định nhóm “cổ phiếu vua” đang ở vùng giá thấp lịch sử, tạo ra cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn.
Ngân hàng nào có khả năng chống chịu tốt trước áp lực NIM thu hẹp?
Triển vọng lạc quan cho cổ phiếu ngân hàng năm 2023
Có thể nói 2022 là năm không mấy tươi sáng đối với thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng khi hầu hết thị giá cổ phiếu ngân hàng đều giảm mạnh từ 9-59%.
Tuy nhiên, trong những tuần giao dịch đầu năm 2023, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực với thanh khoản toàn ngành cải thiện. Hỗ trợ tin tức khả quan về kết quả kinh doanh năm 2022 đã giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng sôi động trở lại.
Dù nhiều thách thức vẫn còn hiện hữu nhưng giới phân tích vẫn kỳ vọng tích cực vào nhóm cổ phiếu này trong năm 2023 nhờ tăng trưởng nội tại từ các ngân hàng.
VDSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại trong năm 2023 và đạt 10-11% so với cùng kỳ, so với mức 32% trong năm 2022. Nhưng sang nửa cuối năm 2023, tình hình sẽ trở nên khả quan hơn khi rủi ro lãi suất và căng thẳng tỷ giá được dịu bớt. Bên cạnh đó, vấn đề căng thẳng thanh khoản cũng được giải quyết phần nào nhờ các địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Do đó, khó khăn phía trước sẽ mang lại cơ hội lựa chọn, tích lũy cổ phiếu ngân hàng và nắm giữ dài hạn cho hành trình phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2024.
Chứng khoán BSC cũng giữ quan điểm khả quan với triển vọng ngành ngân hàng do cho rằng, các cổ phiếu trong ngành đang được định giá ở mức tương đối sâu so với các giai đoạn trước, trong khi đó sức khỏe tài chính của các ngân hàng hiện nay vẫn tương đối tốt.
VNDirect cho rằng định giá ở mức thấp lịch sử (1.1 lần P/B năm 2023) đang mở ra cơ hội đầu tư hết sức hấp dẫn. Với bối cảnh hiện tại, VNDirect ưu tiên các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và cho vay bất động sản hạn chế). VNDirect ưu tiên những ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc và có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn trong danh mục tín dụng.
NIM suy giảm với mức độ khác nhau giữa các ngân hàng
Trước những yếu tố còn ảnh hưởng từ 2022, chi phí vốn của các ngân hàng trong năm 2023 tăng nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới. Trong nửa đầu năm 2023, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm, có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.
Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng TMCP bởi nhiệm vụ “hỗ trợ nền kinh tế”. Kỳ vọng dự thảo sửa đổi Thông tư 22, trong đó cho phép được tính một phần tiền gửi kho bạc vào cấu phần tiền gửi trong cách tính LDR sẽ sớm được thông qua. Trong trường hợp này, các ngân hàng quốc doanh có thể tối ưu được lượng tiền gửi kho bạc Nhà nước, bù đắp một phần cho sự chia sẻ gánh nặng chi phí lãi vay với nền kinh tế.
VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành vào khoảng 11-12% năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15.5-16% năm 2022 do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm và quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành. Theo uớc tính tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau, đối với những ngân hàng có một trong những yếu tố sau: (1) Hỗ trợ ngân hàng 0 đồng; (2) Hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay; (3) Có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro; (4) Chất lượng thanh khoản của các NHTM sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn các ngân hàng cùng ngành. Theo đó, VCB , MBB , VPB , HDB có thể là những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng cao so với bình quân ngành.
Ngân hàng nào có khả năng chống chịu tốt nhất với áp lực NIM thu hẹp?
Khi chi phí vốn tăng mạnh, NIM của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp. Lợi suất tài sản khó có thể tăng đủ mạnh để bù đắp rủi ro do lãi suất cho vay khó tăng mạnh khi Chính phủ đang kêu gọi giảm lãi suất để chia sẻ gánh nặng cho khách hàng.
Trước tình hình đó, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM thu hẹp.
Hiện tại, VIB , ACB , HDB là nhóm ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất lần lượt ở mức 87%, 64% và 55%. CTG , VPB , TPB và MBB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm 2022. LPB , HDB và MBB đã cải thiện NIM mạnh mẽ
Song song đó, tăng trưởng tín dụng vượt trội so với tăng trưởng tiền gửi ở MBB và HDB đã giúp 2 ngân hàng cải thiện NIM. Riêng HDB , sự phục hồi mạnh mẽ của HD SAISON cũng đóng góp vào việc mở rộng NIM của ngân hàng này.
Chứng khoán VNDirect kỳ vọng HDB sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao trong năm 2023 nhờ tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp thấp, hệ số CAR ở mức cao, và đặc biệt là ngân hàng sẽ được ưu tiên khi tham gia vào chương trình tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém.
Sức khỏe nội tại của các ngân hàng đã được cải thiện nhiều hơn so với trước đây và ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trường kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Khi triển vọng kinh tế tươi sáng hơn, những ngân hàng có định giá hấp dẫn, bộ đệm vốn vững chắc và có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn trong danh mục tín dụng sẽ là những gương mặt được ưu tiên hơn. Mặc dù trong giai đoạn nhiều biến động như hiện tại, nhà đầu tư sẽ có phần “dè chừng” đối với những cổ phiếu này.
Hàn Đông