Ngân hàng đua nhau trưng biển lãi suất cao, mức quanh 9% đang dần trở thành "bình thường mới"
Không chỉ các ngân hàng nhỏ, ngay cả các ngân hàng lớn cũng đã tăng tốc trên đường đua lãi suất, lãi suất 8,5% đến hơn 9%/năm không còn quá hiếm.
Theo khảo sát mới nhất của chúng tôi, hiện có ít nhất 5 ngân hàng niêm yết lãi suất từ 9%/năm trở lên. Cụ thể SCB (9,7%/năm); SeABank, (9,4%/năm); GPBank, ABBank và Techcombank đồng loạt công bố mức lãi suất cao nhất là 9%/năm. Bên cạnh đó, các nhà băng này còn có các chương trình ưu đãi, khuyến mãi như cộng lãi suất, tặng quà tùy theo lượng tiền mà khách hàng gửi tiết kiệm.
Mức lãi suất từ 9% trở lên như trên chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên), đi cùng với đó là một số điều khoản và điều kiện và số tiền gửi. Chẳng hạn như Techcombank, mức lãi suất 9%/năm được dành cho các khách hàng gửi tiền từ 3 tỷ trở lên theo hình thức Tiết kiệm Phát lộc, kỳ hạn 12-36 tháng. Hay như SeABank, mức lãi suất từ 9% trở lên được áp dụng cho cán bộ công nhân viên ngân hàng hoặc gửi tiết kiệm qua kênh online.
Số ngân hàng công bố lãi suất cao nhất áp sát mức 9% cũng ngày một nhiều. Cụ thể, tại mức lãi suất 8,9%/năm, có ít nhất 3 nhà băng đang niêm yết mức lãi suất này đó là VPBank, CBBank, VietCapitalBank.
NHTMCP Bắc Á cũng đã cập nhật biểu lãi suất mới. Trong đó, mức lãi suất cao nhất hiện đang là 8,85%/năm, tăng 25 điểm phần trăm so với cuối tháng 10. Tiếp đến là OCB khi trong chưa đầy 1 tháng, lãi suất cao nhất của ngân hàng đã tăng từ 7,85% lên 8,8%/năm, tăng 95 điểm phần trăm. MB hiện niêm yết lãi suất cao nhất là 8,7%/năm; TPBank là 8,4%/năm, tăng 100 điểm phần trăm so với thời điểm khảo sát cuối tháng trước.
Một số ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất áp sát mức 8%/năm có thể kể đến như HDBank 7,95%, NamABank 7,9%/năm.
Đối với các ngân hàng thuộc nhóm Big 4, mức lãi suất cao nhất theo hình thức tiết kiệm thường tại quầy đang được Agribank và Vietcombank niêm yết là 7,4%/năm, còn BIDV 7,6%/năm, VietinBank 7,6%/năm.
Ở kênh online, lãi suất cao nhất tại VietinBank là 8,2%/năm (kỳ hạn 12 - 24 tháng), AgriBank là 7,9%/năm (kỳ hạn 13,18 và 24 tháng), BIDV là 7,9%/năm (kỳ hạn 12-36 tháng), Vietcombank 7,4%/năm (kỳ hạn 12-24 tháng).
Theo công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. Đà tăng của lãi suất huy động sẽ có thể tiếp diễn, và mặt bằng có thể tăng 250-300 điểm trong cả năm 2022.
Ở góc nhìn của công ty chứng khoán VietinBank (CTS), để chuẩn bị cho room tín dụng năm sau, nhiều khả năng các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động trên cả thị trường 1 (thị trường tiền gửi của cư dân và doanh nghiệp) và thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) để chuẩn bị vốn cho giải ngân tín dụng năm 2023. Đồng thời, NHNN sẽ rất thận trọng nới room tín dụng trong năm 2023, nhằm tránh cuộc đua lãi suất huy động trên thị trường 1 nếu tình hình tỷ giá vẫn còn căng thẳng dưới áp lực từ Fed tăng lãi suất. Lãi suất huy động trên thị trường 1 và lãi suất phát hành chứng chỉ tiền gửi sẽ chứng kiến đà tăng mạnh trong Quý IV/2022.