Ngân hàng đồng loạt xin nới room tín dụng, đại diện NHNN nói gì?
Theo Phó Thống đốc, nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Cơ quan quản lý sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế phù hợp với các cân đối vĩ mô.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng diễn ra vào sáng nay 27/5, nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) để triển khai gói hỗ trợ tốt hơn.
Theo ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc BIDV, qua rà soát sơ bộ, ngân hàng thống kê thấy có khoảng 10.000 khách hàng ban đầu đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất và con số này sẽ tiếp tục tăng năm nay và năm tới.
Đại diện BIDV cho biết theo khảo sát trong quý IV/2021, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của khách hàng tốt là ngày càng lớn, trong khi room tín dụng chỉ ở mức hơn 10% gây khó khăn cho ngân hàng. Do đó, ngân hàng rất mong NHNN xem xét nới room tín dụng cho BIDV và các tổ chức tín dụng lớn để có thể triển khai được Nghị quyết 31.
Thông tin tại buổi họp, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Lê Duy Hải cho biết, các đối tượng đáp ứng yêu cầu được hỗ trợ lãi suất chiếm khoảng 30% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng. Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, do vậy lãnh đạo VietinBank kiến nghị NHNN có cơ chế để loại trừ các đối tượng hưởng hỗ trợ lãi suất khi tính toán hạn mức tín dụng, hoặc phương pháp nào đó phù hợp để gỡ vướng vấn đề room tín dụng.
"Room tín dụng hiện nay của các ngân hàng là tương đối eo hẹp. Khi triển khai chủ trương hỗ trợ khách hàng sẽ gây áp lực lớn cho tăng trưởng ngắn hạn và trung, dài hạn của ngân hàng.", lãnh đạo VietinBank nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, hết tháng 4, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng ở mức "đáng kinh ngạc" - trên 9%, tương đương tăng ròng khoảng 100.000 tỷ đồng. Với tổng dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đối tượng khách hàng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất ở mức xấp xỉ 30% tổng dư nợ ngân hàng.
Theo ông Cường, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như cơn khát nước sau trận hạn hán, nên tăng lên rất nhanh. Với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank đề nghị NHNN nới room tín dụng cho các ngân hàng một cách phù hợp để tham gia hỗ trợ khách hàng.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng Giám đốc MB cho rằng, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại là rất lớn. Do vậy, đại diện MB kiến nghị NHNN cho phép các ngân hàng mở rộng room tín dụng để có điều kiện tham gia tốt chương trình hỗ trợ lãi suất.
Tương tự, đại diện ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cho rằng khi chưa gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu tín dụng đã cao rồi, nay có gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu càng cao hơn. Do đó, vị này cũng kiến nghị NHNN nới room tín dụng.
Đồng quan điểm với đại diện các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá: "Nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng room tín dụng của các ngân hàng là rất lớn. Do đó, cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room".
Liên quan đến vấn đề nới room tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay từ khi phân bổ room tín dụng kỳ đầu tiên, NHNN đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát.
"Tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn. Ngược lại, thắt chặt tín dụng thì không thể tăng trưởng kinh tế. Do vậy, room tín dụng phải giải quyết thỏa đáng’’, ông Tú nói.
Theo Phó Thống đốc, lạm phát không còn là nguy cơ, do vậy cần tính toán tăng trưởng tín dụng phù hợp với gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu cao nhất vẫn là kiểm soát lạm phát.
''Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Và cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện.", ông Tú cho hay.