Ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thực sự rủi ro?
Với những ngân hàng có chất lượng tài sản, sức mạnh thanh khoản và quản trị rủi ro tốt, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ là một trong các hoạt động cấp tín dụng bình thường, không ảnh hưởng đến độ an toàn hay hiệu quả hoạt động chung của ngân hàng.
Thị trường căng thẳng, nhiều ngân hàng vẫn giữ “sức khỏe” ổn định
Thanh khoản hệ thống ngân hàng là một vấn đề khá “nóng” gần đây. Có thể nhận thấy, lãi suất trên cả thị trường 1 và thị trường 2 đã tăng đáng kể trong tháng 9, tháng 10. Trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng, nhóm chuyên gia của VNDirect cũng cho biết, thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng thời gian qua, tuy nhiên, rủi ro là không lớn.
Niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng đã được củng cố cũng như thói quen tích trữ tiền mặt đã giảm xuống rõ rệt những năm qua. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô ổn định và sức khỏe hệ thống ngân hàng được cải thiện rất nhiều là yếu tố hỗ trợ cho thanh khoản. Hiện đã có gần 20 ngân hàng được công nhận đạt chuẩn Basel II, trong đó có 6 ngân hàng hoàn thành cả 3 trụ cột.
Đáng chú ý, một số ngân hàng cũng đã tiên phong trong việc áp dụng Basel III với bộ tiêu chuẩn khắt khe hơn, đặc biệt củng cố thêm chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản. VNDirect chỉ ra một số cái tên nổi bật như TPBank, Vietcombank, HDBank, VIB, OCB.
Việc triển khai Basel III từ sớm dù cơ quan quản lý chưa có lộ trình bắt buộc cho các NHTM cũng cho thấy tầm nhìn phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế của các ngân hàng. Basel III càng có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay vì phiên bản này đã khắc phục nhiều hạn chế của Basel II, giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro hoạt động, nâng cao năng lực quản trị và sức chống chịu trước những biến cố có thể xảy ra.
Điển hình tại TPBank, từ cuối năm 2021, nhà băng này đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III, trở thành ngân hàng đầu tiên áp dụng thành công bộ tiêu chuẩn này tại thị trường Việt Nam. Đồng thời, TPBank cũng đưa vào áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS).
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo TPBank khi đó, ngân hàng phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn, nhưng đổi lại đảm bảo thanh khoản, có đủ đệm vốn dự trữ chống chịu với các biến động bất thường của thị trường. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm từ quá khứ, TPBank đã chọn tiên phong áp dụng các chuẩn mực cao về quản trị rủi ro để hướng tới phát triển bền vững hơn là lợi nhuận.
Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của TPBank cũng cho thấy, các chỉ số về an toàn vốn và thanh khoản đang được quản lý rất chặt chẽ. Tỷ lệ an toàn vốn theo Basel III (CAR) tại thời điểm 30/6/2022 đạt 12,25% và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi của khách hàng (LDR) tính đến hết tháng 9 đạt 60,91%.
Trong khi đó, theo yêu cầu của Thông tư 41, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng chỉ cần đạt trên 8%. Về tỷ lệ LDR, theo thông tư 36 quy định, yêu cầu với các ngân hàng thương mại cổ phần là dưới 85%.
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không “đáng sợ”
Một vấn đề khác cũng là điểm “nóng” trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng là chất lượng tài sản khi Thông tư 14 về cơ cấu nợ hết hiệu lực. Ngoài ra, rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cũng nhận được sự chú ý khi thị trường này gặp nhiều khó khăn thời gian qua. Trên thực tế, nhà đầu tư có những lo ngại này cũng là điều dễ hiểu, bởi ngân hàng có vai trò khá lớn trên thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, tại nhiều ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng đi đầu về quản trị rủi ro thì việc rót tiền vào trái phiếu doanh nghiệp cũng được xem xét và quản lý chặt chẽ, tương tự như cho vay khách hàng. Chia sẻ mới đây, đại diện của TPBank cho biết, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được thẩm định kỹ càng, đảm bảo phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả và có đủ tài sản đảm bảo như các khoản cho vay. Mức đầu tư TPDN chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, trên dưới 10% tại TPBank, trong đó gồm khá nhiều dự án về năng lượng xanh và sản xuất. Đến nay, tất cả các khoản TPDN không phát sinh chậm trả hay nợ xấu. Do đó, việc đầu tư TPDN chỉ là một trong các hoạt động cấp tín dụng bình thường của ngân hàng, không ảnh hưởng đến độ an toàn hay hiệu quả hoạt động của TPBank.
Xét rộng hơn trên toàn hệ thống, rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến ngành ngân hàng theo đánh giá là ở mức rất thấp. Theo nghiên cứu của FiinRatings, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng cuối tháng 9/2022 là khoảng 908 nghìn tỷ đồng và các nhà phát hành bất động sản đóng góp 455 nghìn tỷ đồng. Con số này chỉ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thực tế, chất lượng tín dụng ngành BĐS có sự phân hóa cao và vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng trong dài hạn. Những động thái siết chặt quản lý cũng như xử lý các sai phạm sẽ giúp trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, minh bạch trong thời gian tới, đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia thị trường.
Mặc dù thị trường có nhiều khó khăn và thách thức trong ngắn hạn, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm và khá lạc quan cho mục tiêu cả năm 2022. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hạn chế, các nhà băng đã có biện pháp thúc đẩy doanh thu phi tín dụng nhờ chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tại TPBank, thu nhập từ dịch vụ đạt tăng trưởng tới 78% trong 9 tháng đầu năm, mang lại nguồn thu 1.876 tỷ đồng cho nhân ngân hàng nhờ thu từ phí dịch vụ và hoạt động thanh toán tăng nhanh. Điều này đã góp phần giúp lợi nhuận trước thuế 9 tháng của TPBank đạt 5.926 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 72% kế hoạch kinh doanh cả năm.