Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt có thể được vay “đặc biệt” với lãi suất 0%

Chia sẻ Facebook
19/04/2023 16:13:17

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất các biện pháp ứng phó việc người dân rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng, đơn cử như sự cố xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong năm vừa qua. Theo đó, các ngân hàng ở tình huống tương tự có thể được vay “đặc biệt” với lãi suất 0%, được phép giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, v.v…

Người dân nhiều nơi đến ngân hàng SCB đòi tiền, tố lừa đảo mua trái phiếu

Dự thảo đưa ra các biện pháp hỗ trợ thanh khoản đặc biệt cho ngân hàng bị người dân rút tiền hàng loạt. (Ảnh: sbv.gov.vn)


Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã ký tờ trình gửi Quốc hội dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Dự thảo lần này có điểm khác là bổ sung quy định tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ, theo báo Tuổi Trẻ .

Cụ thể, tổ chức tín dụng sẽ không bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm thiếu dự trữ bắt buộc và không tuân thủ tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định trong giai đoạn bị rút tiền hàng loạt.

Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng được vay đặc biệt với Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức tín dụng khác theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản riêng với nhóm này.


Với khoản vay đặc biệt để tổ chức tín dụng giải quyết, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt, dự thảo quy định lãi suất cho vay là 0%/năm, với thời hạn như cho vay đặc biệt khác, báo Đầu Tư đưa tin.

Ngân hàng được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc; không phải thực hiện tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh…

Ngoài ra, đối với các ngân hàng có bất ổn tài chính, dự thảo luật đưa ra biện pháp tăng thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước. Gồm các quyền như: hạn chế hoặc đình chỉ quyền quyết định kinh doanh của người quản lý ngân hàng nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy mức độ.

Dự thảo của Ngân hàng Nhà nước bổ sung một số trường hợp kiểm soát đặc biệt, các phương án xử lý như chuyển giao bắt buộc, có phương án để phá sản.

Dự kiến cuối tháng 4/2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, trong đó có đề xuất hỗ trợ thanh khoản nói trên.

Giảm tỷ lệ cho vay, sở hữu chéo của ngân hàng

Đối với các vấn đề như siết sở hữu chéo, sân sau và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông của ngân hàng, dự thảo đưa ra quy định. Cụ thể, một cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng (hiện nay là 5%).

Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện là 15%).

Cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% (giảm 5% so với quy định hiện nay) vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một ngân hàng và người có liên quan được sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ của ngân hàng khác.

Dư nợ cấp tín dụng tối đa với một khách hàng cũng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tối đa 15% vốn tự có (giảm so với quy định là 25%).


Đức Minh

Ngân hàng SCB thay loạt lãnh đạo mới sau khi bị "kiểm soát đặc biệt"

Sau 1 tuần xảy ra việc người dân ồ ạt rút tiền, ngân hàng SCB vừa thay thế loạt lãnh đạo mới theo quyết định "kiểm soát đặc biệt" của NHNN.

Chia sẻ Facebook