Ngân hàng bất ngờ tăng mạnh giá mua, giảm giá bán USD

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 01:45:51

Hôm nay (8/11), các ngân hàng bất ngờ tăng mạnh giá mua vào USD trong khi giảm nhẹ giá bán (để đáp ứng tỷ giá trần quy định).


Cụ thể, Vietcombank đã tăng giá mua vào USD thêm 88 đồng so với hôm qua lên 24.692 đồng/USD, trong khi giá bán ra USD giảm nhẹ 2 đồng xuống 23.872 đồng/USD.

Như vậy, chênh lệch giá mua vào – bán ra đã được thu hẹp từ 270 đồng/USD xuống còn 180 đồng/USD. Trước đó, Vietcombank đã liên tục duy trì chênh lệch này ở mức 300 đồng/USD suốt 9 tháng đầu năm.

Tương tự, BIDV cũng vừa tăng 78 đồng ở chiều mua vào, niêm yết 24.672 đồng/USD. Đồng thời, BIDV giảm 2 đồng ở chiều bán ra xuống 24.872 đồng/USD.

VietinBank niêm yết 24.630-24.872 đồng/USD, tăng 57 đồng chiều mua và giảm 3 đồng chiều bán so với cuối ngày hôm qua.

Tại ACB, giá mua vào USD bằng tiền mặt vẫn giữ nguyên 24.600 đồng/USD và bằng chuyển khoản 24.700 đồng/USD. Giá bán ra được điều chỉnh giảm 2 đồng xuống 24.872 đồng/USD để đáp ứng tỷ giá trần.

Techcombank cũng không thay đổi nhiều so với phiên trước, hiện niêm yết tỷ giá USD ở mức 24.722-24.870 đồng/USD. Chênh lệch giá mua – bán là 148 đồng/USD.

Giá USD trên thị trường tự do có xu hướng hạ nhiệt thời gian gần đây. Hiện tỷ giá trên thị trường “chợ đen” phổ biến ở mức 25.220-25.300 đồng/USD, giảm khoảng 150-200 đồng/USD so với tuần trước.

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (8/11) là 23.688 đồng/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.503-24.872 đồng/USD.

Theo Chứng khoán SSI, tỷ giá USD vẫn chưa có nhiều sự cải thiện trong tuần qua. Hiện các yếu tố cơ bản trong nước vẫn ghi nhận tích cực, bao gồm dòng vốn FDI và xuất khẩu tích cực trong tháng 10, và dòng vốn FII đến thị trường chứng khoán cũng khá tốt, khi vào ròng lên tới hơn 150 triệu USD trong tháng 10. Tuy nhiên, yếu tố còn lại liên quan đến tâm lý nắm giữ USD trên thị trường và cần thêm thời gian để cải thiện.

Trả lời báo chí mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, áp lực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối không chỉ là áp lực đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới tác động đến kinh tế và thị trường tiền tệ Việt Nam là không thể tránh khỏi. Điều quan trọng là chúng ta phải chủ động tâm thế để ứng phó với các diễn biến đó.

Trên thực tế năm 2022, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng như các bộ ngành đã chủ động, linh hoạt đưa ra các giải pháp để ứng phó, góp phần đạt được ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Hiện nay, thị trường diễn biến ngày càng tích cực và tâm lý thị trường đã ổn định.

Theo Thống đốc, hiện nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó sẽ giúp giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó các giải pháp của Chính phủ về tăng cường xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu, thu hút các dòng vốn… cũng giúp cải thiện cung cầu của thị trường ngoại tệ cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá.

Trên thực tế, trong những năm qua, có thời điểm thị trường ngoại hối biến động, NHNN đã phải can thiệp với số lượng lớn ngoại tệ nhưng sau đó đã quay trở lại mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Mặc dù thị trường chịu áp lực và biến động mạnh nhưng đó là bối cảnh chung của tất cả các nước trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Điều quan trọng là nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn rất tốt. Vừa qua Fitch Ratings cũng đã tiếp tục xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB với triển vọng tích cực.

Chia sẻ Facebook