Ngân hàng bắt đầu cho khách rút tiền gửi một phần trước hạn được giữ nguyên lãi suất, nhà băng nào tiên phong?
Thực hiện theo Thông tư 04 của NHNN cho phép khách hàng được rút một phần tiền trước hạn, một số ngân hàng đã thông báo đến khách hàng quy định mới về tiền gửi sẽ được áp dụng từ 1/8 tới đây.
Ngân hàng Việt Á (VietABank) vừa công bố triển khai tính năng rút trước hạn một phần tiền gửi theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cụ thể, kể từ ngày 1/8/2022, áp dụng Thông tư 04 của NHNN, khách hàng gửi tiền tại ngân hàng VietABank sẽ được rút một phần tiền trước hạn với lãi suất không kỳ hạn. Phần số dư còn lại khách hàng sẽ tiếp tục được gửi ở ngân hàng và hưởng mức lãi suất đã cam kết tại thời điểm ban đầu. Đáng chú ý, VietABank không chỉ áp dụng việc rút gốc một phần cho các khoản gửi từ ngày 1/8 mà với các khoản tiền gửi đang gửi tại ngân hàng trước ngày 1/8 cũng được áp dụng theo quy định này.
Như vậy, so với quy định cũ, các khách hàng của Việt Á sẽ được hưởng lợi hơn rất nhiều. Trên thực tế, khá nhiều trường hợp khách hàng vì có việc gấp đành phải rút trước hạn và chỉ được hưởng phần tiền lãi ít ỏi từ lãi suất không kỳ hạn khoảng 0,2%. Đồng thời, cũng không ít các khách hàng buộc phải cầm cố sổ tiết kiệm hoặc vay mượn người khác vì không muốn rút toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm do mất lãi.
Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng cho ra mắt tính năng mới là rút vốn một phần trước hạn. Với tính năng mới này của SCB, khi khách hàng có nhu cầu rút tiền trước hạn, phần vốn rút sẽ được áp dụng mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất do ngân hàng công bố tại thời điểm khách rút tiền. Phần số dư còn lại sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất như cam kết tại thời điểm tham gia và phải đảm bảo không thấp hơn mức quy định tối thiểu khi mở Tài khoản Tiền gửi.
Tuy nhiên đối với các Tài khoản Tiền gửi tham gia trước ngày 1/8, SCB và khách hàng sẽ tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết cho đến ngày hết hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi.
Theo quy định Thông tư mới, nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi (loại tiền gửi có kỳ hạn) thì phần rút trước hạn sẽ chịu lãi suất không kỳ hạn, phần tiền gửi còn lại sẽ được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng. Trong khi trước đây, khách không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm và chịu lãi suất tối đa bằng lãi không kỳ hạn. Còn với trường hợp người gửi tiền rút trước hạn toàn bộ sổ tiết kiệm thì phải chịu mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn rất thấp. Như vậy, so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút trước hạn một phần khoản tiền gửi giúp người gửi tiền có lợi hơn.
Được biết về chính sách lãi suất mới đối với các khoản tiền rút trước hạn, chị Ngọc Mai – khách hàng gửi tiền ở Hà Nội chia sẻ: "Trước đây tôi thường phải tính toán rất kỹ trước khi gửi tiết kiệm kỳ hạn dài. Thường thì tôi sẽ tách ra làm 2 sổ, một sổ gửi kỳ hạn dài, một sổ gửi kỳ hạn ngắn 1-2 tháng để rút ra khi cần mà không lo bị mất lãi. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận từ sổ có kỳ hạn ngắn là không đáng kể. Nay với quy định mới về lãi suất khi rút một phần tiền trước hạn, tôi thấy tự tin hơn khi gửi kỳ hạn dài với các khoản tiền lớn."
Chị M.Hà trong khi đó cũng cho biết, chia sẻ: "Khi gửi tiết kiệm, muốn hưởng lãi suất cao thì phải chọn kỳ hạn dài, ít nhất từ 6 tháng trở lên. Thế nhưng trong thời hạn dài tới nửa năm, rất có thể có lúc gặp việc đột xuất phải dùng đến tiền. Như năm ngoái gia đình tôi có người nằm viện, lúc đó không tất toán được khoản tiền tiết kiệm đã gửi ở ngân hàng nên tôi đành phải đi vay mượn anh chị em, bạn bè để chi trả viện phí". Hiện tại, với Thông tư 04, những khách hàng như chị H sẽ không phải lo lắng khi rút tiền trước hạn sẽ bị mất lãi như trước đây nữa.
Theo đại diện VietABank, Thông tư 04 thực sự đã "cởi trói" cho các ngân hàng cũng như người gửi tiền. Các ngân hàng trên hệ thống sẽ thu hút được nguồn tiền gửi trung và dài hạn, đa dạng hóa các sản phẩm tiền gửi và trên hết, khách hàng được tối đa hóa lợi nhuận có được từ nguồn vốn nhàn rỗi.
Hiện nay các ngân hàng cung cấp cho khách hàng rất nhiều gói sản phẩm gửi tiết kiệm với lãi suất kỳ hạn đa dạng. Mức lãi suất tiền gửi trên thị trường đang tương đối cao, như SCB đang áp dụng mức lãi suất 7,3%/năm cho các kỳ hạn từ 12-36 tháng; VietABank trả lãi suất kỳ hạn 8 tháng và 15 tháng lên tới 7,1% và 7,4%. Một số nhà băng khác cũng đang niêm yết lãi suất huy động ở mức trên 7%/năm như Kienlongbank (7,3%/năm với kỳ hạn 36 tháng), HDBank (7,15%/năm, nhưng áp dụng với số tiền gửi từ 300 tỷ đồng), Techcombank (7,1%/năm), MSB (7%/năm)…
Theo Thảo Linh
Nhịp Sống Kinh tế