Ngân hàng bán bảo hiểm lãi nghìn tỷ đồng, người dân tố bị lừa mua “tiết kiệm đầu tư”

Chia sẻ Facebook
23/02/2023 12:12:52

Hoạt động bán bảo hiểm thông qua hệ thống ngân hàng ở Việt Nam 'ăn nên làm ra' trong những năm gần đây, mang về lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.

Hoạt động bán bảo hiểm thông qua hệ thống ngân hàng ở Việt Nam ‘ăn nên làm ra’ trong những năm gần đây, điều này phản ánh trong lợi nhuận hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của các ngân hàng mỗi năm. Người dân hiện vẫn lầm tưởng ngân hàng là nơi ‘gửi gắm’ tiền an toàn nhất, tuy vậy với sự tư vấn sai lệch của một bộ phận ngân hàng, số tiền gửi vào này trở thành các thương vụ đầu tư ‘mạo hiểm nhất’ với những người gửi tiền.

Từ gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm, trái phiếu,… Gian nan đòi lại số tiền

Hoạt động bán bảo hiểm trở thành nguồn lợi nhuận lớn của các ngân hàng. (Ảnh minh họa: CTV/Trí Thức VN)

Theo đó, trong thời gian qua, những dịch vụ ngân hàng truyền thống như kinh doanh tiền mặt, thanh toán, kinh doanh ngoại hối… trở nên ít được chú ý hơn mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance).

Đây được cho là đang trở thành nguồn thu quan trọng nhất với các nhà băng tại Việt Nam với mức lợi nhuận lên đến hàng trăm thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trên thị trường hiện nay, những nhà băng đang thu nhiều lợi nhuận nhất từ hoạt động bancassurance là: Ngân hàng Quân đội (MBBank), ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng Quốc tế( VIB), Techcombank, TPBank…


Năm 2022, MBBank là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm lớn nhất trong số nhà băng công khai lợi nhuận từ hoạt động này nhờ sở hữu hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch lớn cùng hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life, theo báo Dân Trí .

Doanh thu từ hoạt động dịch vụ của MBBank đạt 14.243 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó 10.184 tỷ đồng, tức khoảng hơn 71%, đến từ hoạt động bán bảo hiểm. Riêng lãi thuần từ hoạt động bán bảo hiểm MBBank tăng tới 22% so với cùng kỳ, đóng góp vào mức tăng chung của doanh thu mảng dịch vụ.

Một thương hiệu khác là ngân hàng VPBank cũng cho thấy mảng bán bảo hiểm đang là nguồn thu quan trọng trong các hoạt động ngoài tín dụng của VPBank. Cụ thể, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của VPBank năm qua đạt 3.353 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021, chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ.

VPBank ghi nhận khoảng 8.000 tỷ đồng doanh thu trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền vừa được tái ký với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam. Thương vụ này đã giúp lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gấp 5 lần so với năm 2021, lên mức 10.583 tỷ đồng.

Còn tại Techcombank, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đạt 1.750 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, không ít ngân hàng sau khi ký kết cũng nhận ngay một khoản lợi nhuận đột biến trong mảng dịch vụ nhờ khoản phí hoa hồng trả ngay từ công ty bảo hiểm.

Có thể kể đến những thương vụ hợp tác lớn giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng như VietinBank với hợp đồng ký kết hợp đồng phân phối bancassurance độc quyền 16 năm với Manulife. Một số thỏa thuận bancassurance khác được ký độc quyền như OCB với Prudential, Sacombank và Dai-ichi Life tái ký hợp năm 2021, Techcombank phân phối cho Manulife, Vietcombank ký với FWD…

Gửi tiết kiệm SCB thành mua bảo hiểm Manulife: Chuyển sang cơ quan điều tra

Cụ bà hơn 70 tuổi bị lừa, có dấu hiệu giả chữ ký


Một giáo viên nghỉ hưu đã 75 tuổi là một trong số những nạn nhân gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng không biết hợp đồng đã bị biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại Manulife với thời hạn lên tới 37 năm, theo báo Việt Nam Net .

Kể lại câu chuyện, bà Ngô Thị Nguyệt (SN 1948), trú tại phường Xuân Tảo, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết ngày 19/6/2021, bà đến ngân hàng SCB chi nhánh Tây Cầu Giấy rút sổ tiết kiệm 185 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng SCB có tên Thuỳ Linh đã thuyết phục bà tiếp tục gửi tiết kiệm với lãi suất cao theo chương trình “Tâm an đầu tư” của ngân hàng.


“Chị Thuỳ Linh nói gửi tiết kiệm thông thường lãi suất chỉ 7%/năm mà mức lãi suất này đã cao hơn so với các ngân hàng khác. Nếu đầu tư với hình thức gửi tiết kiệm, lãi suất 12%, chỉ cần gửi trong vòng 3 năm, sau đó sẽ được thanh toán cả gốc và lãi.


Quá trình tư vấn, nhân viên này không hề nói đây là hợp đồng bảo hiểm, không nói đến các vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm như hàng năm phải đóng phí bao nhiêu tiền, không nói đến quyền lợi và trách nhiệm nếu tôi tham gia”, bà Nguyệt cho biết.

Tin lời nhân viên ngân hàng, sau khi tất toán sổ tiết kiệm cũ, bà Nguyệt được yêu cầu ký vào tờ ủy nhiệm chi số tiền 185 triệu đồng chuyển sang Công ty TNHH Manulife mà không hề biết rằng mình vừa chuyển tiền mua gói bảo hiểm của Manulife. Khoảng 4 ngày sau, nhân viên SCB có tên Thùy Linh trực tiếp đến nhà bà Nguyệt để đưa cho bà hợp đồng, nhưng bất ngờ hẹn ở sảnh chung cư chứ không lên nhà.


“Vì tin vào tư vấn của nhân viên ngân hàng SCB, tin vào uy tín của ngân hàng nên tôi đã nhận và ký vào hợp đồng, chưa đọc rõ các điều khoản và nội dung trong hợp đồng; không biết rõ thực chất hợp đồng là gì”, bà Ngô Thị Nguyệt nói.

Cuối năm 2022, bà Nguyệt bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ Công ty TNHH Manulife Việt Nam yêu cầu bà nộp 85 triệu đồng, là số tiền phải đóng hàng năm cho công ty theo hợp đồng đã ký.

Bàng hoàng, bà lục tìm lại hợp đồng mà nhân viên SCB đã đưa trước đó. Lúc này bà mới nhận ra gói tiết kiệm “Tâm an đầu tư” thực chất là một gói bảo hiểm nhân thọ có thời hạn lên đến… 37 năm, phí bảo hiểm định kỳ mỗi năm là 83.366.000 đồng, kèm theo các phí bổ trợ.

Theo hợp đồng, mỗi năm, bà Nguyệt sẽ phải đóng hơn 80 triệu đồng cho Manulife Việt Nam, cho đến hết năm thứ 37.


Bà Nguyệt gọi đến SCB để thắc mắc, nhân viên ngân hàng nói với bà: “Cô nói với Công ty Manulife là cô không làm việc với họ, chỉ làm việc với Ngân hàng SCB. Ngân hàng sẽ đề nghị để cô chỉ phải nộp khoảng 10 triệu đồng/năm, khoản tiền này được trích từ lãi đầu tư hàng năm.”

Đến thời điểm tháng 2/2023, bà mới được biết nhân viên Thuỳ Linh không còn làm việc tại ngân hàng SCB. Bà Nguyệt cũng không thể liên lạc được với người này qua số điện thoại từng trao đổi trước đó.

Bà Nguyệt nói, vì tin lời nhân viên SCB nên bà không đọc qua hợp đồng. Bản hợp đồng dài 25 trang giấy với rất nhiều điều khoản, nếu có đọc thì thực sự cũng là thách thức đối với một người cao tuổi. Hợp đồng bảo hiểm này thể hiện bên mua là bà Ngô Thị Nguyệt, người được bảo hiểm là ông Vũ Hoài Linh (sinh năm 1972, con trai bà Nguyệt).


“Tôi khẳng định đây không phải là chữ ký của tôi. Đến hôm nay tôi mới được nhìn thấy hợp đồng này”, ông Linh tỏ ra ngỡ ngàng khi biết mình có tên trong hợp đồng này và ngỡ ngàng hơn khi có chữ ký của ông trong hợp đồng.

Một số điểm bất thường khác thể hiện trong hợp đồng bảo hiểm này ví dụ như ghi nhận thu nhập của bà Nguyệt là 80 triệu đồng/tháng, trong khi lương giáo viên nghỉ hưu của bà thực tế chỉ 5,5 triệu đồng/tháng.

Liên hệ với ngân hàng SCB 247 Cầu Giấy, nơi bà Nguyệt từng gửi tiết kiệm và bị biến thành hợp đồng bảo hiểm, phóng viên báo Việt Nam Net đề nghị tìm người trực tiếp tư vấn (tên là Thùy Linh) và người bán bảo hiểm cho bà Nguyệt. Tuy nhiên, người trực điện thoại cho biết nhân viên tên Thuỳ Linh đã nghỉ việc và hiện “không có cách nào liên lạc được”.


Đức Minh

Nhiều người dân tiếp tục tố cáo ngân hàng ép hoặc lừa mua bảo hiểm, trái phiếu

Hàng loạt vụ khiếu nại và tố cáo ngân hàng ép khách vay mua bảo hiểm hay tư vấn sai lệch để khách hàng đến gửi tiền mua các sản phẩm đầu tư tài chính.

Chia sẻ Facebook