Ngân hàng ASEAN kỳ vọng lợi nhuận gia tăng sau đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed
Các ngân hàng trong khu vực Đông Nam Á đang kỳ vọng lợi nhuận cao hơn từ mảng cho vay trong môi trường lãi suất tăng cao như hiện nay, đặc biệt là khi lạm phát tăng mạnh buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) siết chặt kiểm soát tiền tệ.
Ngân hàng ASEAN kỳ vọng lợi nhuận gia tăng sau đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed
Tuần rồi, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng thứ hai liên tiếp khi nền kinh tế lớn nhất thế giới vật lộn với đợt tăng giá lớn nhất trong 40 năm qua. Các ngân hàng lớn ở Đông Nam Á nhận tín hiệu từ Fed và điều chỉnh khung lãi suất cho vay riêng, hoặc thích ứng với các biện pháp siết chặt kiểm soát tiền tệ ở đất nước mình. Hai yếu tố này đã tạo tiền đề cho thu nhập cao hơn từ mảng cho vay.
Tuy nhiên, lạm phát và nguy cơ suy thoái do hậu quả của chiến tranh Nga – Ukraine trong sáu tháng qua cũng đang gây các đợt sóng lớn, làm chao đảo tình hình kinh doanh và triển vọng thu nhập của các ngân hàng ASEAN.
Singapore dẫn đầu ASEAN về lợi nhuận ròng
DBS Group Holdings của Singapore, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, hôm 5-8 đã báo cáo lợi nhuận ròng 1,82 tỉ đô la Singapore (1,32 tỉ đô la) trong quí kết thúc tháng 6 vừa rồi, tăng 7% so với cùng quí năm ngoái. Thu nhập lãi thuần trong quí, hoặc doanh thu tạo ra từ các khoản lãi cho vay trừ đi lãi trả cho người gửi, đã tăng 17% so với năm trước lên 2,45 tỉ đô la Singapore.
“Nếu lạm phát cao hơn, tôi nghĩ các ngân hàng trung ương sẽ phải mở rộng hơn biên độ lãi suất. Các đợt tăng lãi suất đã nhanh hơn và nhiều hơn mức chúng tôi dự báo. Quyết định của Fed đã nhanh hơn. Hai lần tăng 75 điểm phần trăm là bất ngờ lớn”, CEO Piyush Gupta của DBS cho biết.
Trước đó, đối thủ của DBS là ngân hàng OCBC (Oversea-Chinese Banking Corp.) đã báo cáo mức lợi nhuận ròng trong quí hơn là 1,48 tỉ đô la Singapore, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng có mức thu nhập lãi thuần là 1,7 tỉ đô la Singapore, tăng 16% so với năm trước. “Trong ngắn hạn, hoạt động ngân hàng sẽ được gặp thuận lợi lớn hơn. Trong chu kỳ lãi suất thấp vừa qua, chúng tôi tiếp tục phát triển danh mục cho vay và cả lượng tiền gửi. Điều này đã nền tảng để đón bắt sự gia tăng của lãi suất”, CEO Helen Wong của OCBC phát biểu trong buổi báo cáo về lợi nhuận cuối quí hôm 4-8.
Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo vào tháng trước rằng các ngân hàng Singapore đang sẵn sàng hưởng lợi từ việc tăng lãi suất toàn cầu, trong khi rủi ro về chất lượng tài sản vẫn được kiểm soát. “Bởi hồi phục kinh tế vẫn tiếp diễn ở các thị trường cốt lõi của các nhà băng tại Singapore. Chúng tôi tin rằng Singapore là một trong những thị trường châu Á – Thái Bình Dương chịu tác động lớn nhất do chính sách lãi suất gia tăng ở Mỹ ảnh hưởng đến lợi suất cho vay ở địa phương. Điều này sẽ tạo cú hích cho lợi nhuận của các ngân hàng”, báo cáo của Fitch viết.
Thái Lan kỳ vọng tiếp tục lãi lớn trong nửa cuối năm
Các ngân hàng lớn của Thái Lan cũng kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù trong nửa đầu năm nay, phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN thời hậu dịch. Các ngân hàng thương mại địa phương đã nhanh chóng tăng lãi suất cho vay sau các tín hiệu điều chỉnh lãi suất chính sách của Ngân hàng Trung ương Thái Lan ( BOT ).
Ngân hàng lớn thứ hai Thái Lan là Kasikorn Bank đã có lãi ròng cao nhất trong các ngân hàng nước này trong sáu tháng đầu năm, với 22 tỉ baht (597 triệu đô la), tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. SCB X, công ty mẹ của ngân hàng lâu đời nhất Thái Lan là Siam Commercial Bank, đã đạt lợi nhuận ròng tăng 6,3% trong cùng kỳ, lên mức 20,1 tỉ baht. Ngân hàng Ayudhya đạt lợi nhuận ròng 15,3 tỉ baht, tăng 18,6%.
Trong khi đó, ngân hàng lớn nhất Thái Lan, là Bangkok Bank có lợi nhuận ròng thấp nhất ở mức 14,1 tỉ baht, tăng 6%.
“Các ngân hàng hoạt động tốt trong nửa đầu năm, với sự gia tăng đáng kể trong thu nhập từ lãi vay. Việc ngân hàng trung ương kỳ vọng sẽ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong nửa cuối năm cũng là một triển vọng tích cực để các ngân hàng có lãi tốt trở lại trong nửa cuối năm”, theo một nhà phân tích tại ttb Analytics – công ty liên kết với Ngân hàng TMB Thanachart.
Nhưng không phải ai cũng lạc quan như vậy. Một số nhà phân tích tin rằng lập trường của BOT về việc tăng lãi suất sẽ chỉ hỗ trợ một cách khá hạn chế cho thu nhập của các ngân hàng.
“Lạm phát là mấu chốt, nhưng tôi nghĩ BOT cũng sẽ quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương, những người chưa sẵn sàng đối phó với chi phí tài chính gia tăng do lãi suất tăng, đặc biệt là vào thời điểm nền kinh tế Thái Lan chưa phục hồi hoàn toàn”, một nhà phân tích thuộc hãng môi giới Asia Plus Securities của Thái Lan nhận định.
Kỳ vọng về thu nhập lãi suất tăng tại các ngân hàng Thái Lan, cùng với việc tăng lãi suất chính sách dự kiến của BOT , đã đẩy giá cổ phiếu của một số ngân hàng lên. Giá cổ phiếu của Bangkok Bank đã tăng 8% từ đầu năm đến nay, trong khi giá cổ phiếu của Kasikorn Bank tăng 2%, phần lớn là do hoạt động mua đầu cơ.
Cảnh báo chu kỳ giảm tăng trưởng
Tuy nhiên, hồi tháng trước, các nhà phân tích từ ngân hàng Malayan Banking của Malaysia cảnh báo nguy cơ suy thoái gia tăng có thể đẩy các ngân hàng ASEAN “chu kỳ giảm tăng trưởng”. Báo cáo đã đánh dấu sự biến động thu nhập tiềm năng đối với các ngân hàng ở Thái Lan, Philippines, Việt Nam và Indonesia.
“Rủi ro suy thoái ngày càng gia tăng có thể làm gia tăng sự biến động lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, đặc biệt là đối với các ngân hàng ở các thị trường tăng trưởng cao hơn. Điều này đã khiến các ngân hàng trở thành một lĩnh vực hoạt động kém hơn so với các chỉ số nhà đất tại hầu hết các thị trường Đông Nam Á”, báo cáo của Malayan Banking viết.
Tuy nhiên, các ngân hàng như United Overseas Bank (UOB) của Singapore vẫn lạc quan. Ngân hàng lớn thứ ba ở Singapore tuần trước đã công bố lợi nhuận ròng tăng 11% đạt 1,1 tỉ đô la Singapore trong quí tính đến ngày 30-6 vừa rồi. Thu nhập lãi ròng của UOB tăng 18% so với cùng kỳ năm trước lên 1,86 tỉ đô la Singapore trong quí.
“Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng cho vay ở mức trung bình một con số. Trong 12 – 18 tháng tới, chúng tôi sẽ được hưởng lợi từ việc lãi suất tăng thông qua thu nhập lãi ròng tăng cao. Chúng tôi không mong đợi một cuộc suy thoái tại các thị trường chủ chốt của UOB “, CEO Wee Ee Cheong của UOB phát biểu.
Ricky Hồ
TBKTSG