Ngăn độc quyền, chặn 'chủ nghĩa thân hữu', tạo cơ chế mở để DN dám làm

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 21:12:02

Các đại biểu đề nghị ngăn ngừa độc quyền, ngăn chặn và xử lý tình trạng “chủ nghĩa thân hữu”, móc nối giữa doanh nghiệp và cán bộ, công chức; tạo cơ chế mở để doanh nghiệp dám làm.

Tại hội thảo “nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh - tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương”, nhiều đại biểu đề cập đến cơ chế mở để cán bộ, doanh nghiệp (DN) dám nghĩ, dám làm.


Loại bỏ những quy định chồng chéo

PGS-TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, để phục hồi và phát triển trước hết nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại hiện nay. Trong đó, cần loại bỏ những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, những thủ tục hành chính gây phiền hà, phân biệt đối xử, cản trở đầu tư, kinh doanh…

Nhà nước cũng phải đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đất đai, tài nguyên hiện đang còn lãng phí, thất thoát rất lớn. Cùng với đó là đầu tư vào các chương trình, dự án quan trọng. Đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng số, xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Hội thảo thu hút 76 bài tham luận, trong đó có 21 tham luận của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương.

Đồng thời tăng cường kỷ luật kỷ cương trong tổ chức thực hiện, nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan, từng cán bộ, công chức ở mọi vị trí công tác, xử lý nghiêm minh mọi sai phạm.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng thì nhấn mạnh, tình hình đã thay đổi cần có những chính sách đặc thù. Quan điểm của Chính phủ là nhận khó khăn về mình, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân khôi phục sản xuất kinh doanh.

“Chúng ta từng tuyệt đối hóa nhưng con người không phải máy là làm mà không được sai. Có người làm có thể hôm nay nhận Huân chương lao động hạng Nhất nhưng ngày mai có thể đứng trước vành móng ngựa...”, ông băn khoăn.

Theo ông Kiên, trong nền kinh tế thị trường mà cứ nhìn DN, rồi tác động để có 5 xu, 1 hào, chấm phẩy thì không có một DN nào dám làm cả. Vì vậy, nhà nước cần tạo thuận lợi cho DN làm ăn, chứ nếu cứ "khè nhau" thì không làm được.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhìn nhận thể chế là quan trọng nhất để tháo gỡ và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

“Hiện nay từ các cấp, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là DN nhà nước đều băn khoăn, thậm chí là không dám làm vì sợ thể chế. Mặc dù hiện nay đã có chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đi đầu, dám tiên phong. Tuy nhiên, cơ chế đã có nhưng vẫn chưa đảm bảo để người ta dám nghĩ, dám làm thật sự”, Thứ trưởng nói.


Đầu tư, khai thác nguồn lực con người hiệu quả hơn

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì lưu ý, cần phải giải quyết dứt khoát những tồn tại cũ trong thời gian ngắn nhất.

Chẳng hạn như về chính sách tiền tệ, tín dụng, tài khóa đang có dấu hiệu đến giới hạn cho phép, kể cả khả năng huy động vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu, khả năng vay và trả nợ đã đến giới hạn và khả năng huy động nguồn lực.

“Nên tôi không đồng tình với một số ý kiến cho rằng “chúng ta vẫn còn dư địa tài chính, tài khóa”, ông Hiển nói.

Hay như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng có dấu hiệu nóng lên bất thường, xuất hiện bong bóng tài chính.

“Chỉ số chứng khoán ngày 27/3 là 1.458 điểm, hay giá vàng vừa qua là dấu hiệu không hề bình thường chút nào. Thêm vào đó là tác động cuộc chiến tranh tổng lực giữa Nga – Ukraine, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, rác thải, an ninh phi truyền thống, các xung đột kinh tế bất ổn… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam”, ông Hiển cảnh báo.

Vì vậy, ông đề nghị cần tập trung giải quyết dứt điểm và làm trong sạch, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, các vấn đề tài chính, các tồn tại ở các đại dự án, các ngân hàng yếu kém, các thỏa thuận quốc tế thuộc về trách nhiệm tài chính công. Nếu không giải quyết, càng để lâu sẽ là “ung thư”, tiêu tốn máu của nền kinh tế...

Bên cạnh đó, phải rà soát lại các quỹ tài chính, kiên quyết xóa bỏ quỹ không hiệu quả và sử dụng không mục đích. “Đáng tiếc là luật nào ra đời là có một quỹ như Luật điện ảnh đang bàn, đề xuất có quỹ điện ảnh”, ông Hiển cho biết, hiện cả nước có 80 quỹ nhưng sử dụng không hiệu quả.

Đặc biệt, cần phải sử dụng hiệu quả quỹ vật chất thời gian, đẩy nhanh hoạt động tài chính, giải ngân, làm sao để năm 2022 - 2023 tiêu hóa được 350.000 tỉ đồng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay, trong 2 năm qua người lao động phải lấy nguồn tích lũy để chi tiêu. Trong khi đó, tiền lương tối thiểu 2 năm qua chưa tăng, thu nhập thực tế cho người lao động chưa tăng. Trong 3 năm qua thu nhập người lao động giảm 10%. Chính vì vậy dẫn đến hiện tượng người lao động phải dựa vào tín dụng đen, cầm cố sổ lương, rút bảo hiểm một lần tăng nhanh với khoảng 700.000 người.

“Đây là hiện tượng không lành mạnh nhưng thực tế cuộc sống phải chấp nhận để xảy ra tình trạng này”, ông Khang chia sẻ và đề xuất gói kích cầu, hỗ trợ cho người lao động cần tập trung giải quyết thủ tục để sớm nhận được gói hỗ trợ, ổn định trước mắt cuộc sống người lao động.


Thu Hằng

Chia sẻ Facebook