Ngăn bẫy đơn hàng ảo
Khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt, nếu khách hàng không nhận được hàng hoặc hàng không đúng như mô tả, tiền trong tài khoản sẽ được giữ lại và hoàn 100% nhanh chóng cho người mua sau khi xác minh.
Thời gian gần đây, nhiều sàn thương mại điện tử đã chủ động mở ví hoặc liên kết với các dịch vụ thanh toán cung cấp giải pháp thanh toán an toàn khi nhận hàng cho người mua. Đây còn được xem là công cụ để ngăn chặn các hiện tượng đơn hàng ảo, bán hàng gian dối của thương mại điện tử.
Công cụ "thanh lọc" mới
Anh Thanh Tùng (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết vẫn còn ám ảnh với trải nghiệm mua "điện thoại 6 triệu nhưng nhận điện thoại dỏm" trên một sàn thương mại điện tử. Do chọn hình thức trả tiền mặt lúc nhận hàng, anh Tùng an tâm để đến 2 ngày sau mới mở hộp hàng.
"Lúc mở, tôi có quay clip để ghi lại cảm giác sung sướng đập hộp món hàng mới, nhưng mọi thứ sụp đổ nhanh chóng khi chiếc điện thoại nhận được là điện thoại cũ, móp méo.
Khiếu kiện lên sàn thì tôi mới phát hiện bị lừa đơn hàng ảo, mã hàng nhận và mã đặt hàng không trùng khớp nhau. Người bán hàng đã cố tình lừa đảo vì tôi thanh toán bằng tiền mặt", anh Tùng kể lại.
Kể từ đó ngoài rút ra một số kinh nghiệm mua hàng online cho bản thân, anh Tùng cũng chỉ chọn mua hàng và thanh toán không tiền mặt, ưu tiên ví điện tử của sàn để các giao dịch được chính xác, an toàn. Trong trường hợp khiếu kiện, tiền vẫn có thể đòi lại được vì có sàn đứng ra làm trung gian giải quyết.
Thời gian gần đây nhiều sàn thương mại điện tử khuyến khích khách thanh toán không tiền mặt lúc mua hàng để bảo vệ người dùng. Đây thậm chí là cách thức duy nhất mà những kẻ lừa đảo không thể qua mặt được sàn lẫn người dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, tổng giám đốc MoMo, cho biết ví điện tử này vừa hợp tác với một sàn thương mại điện tử chuyên kinh doanh đồ cũ để triển khai tính năng "Thanh toán đảm bảo" nhằm tăng cường bảo vệ người mua, người bán trong quá trình giao dịch.
Theo đó khi thực hiện "Thanh toán đảm bảo", số tiền người mua thanh toán sẽ được giữ đảm bảo an toàn cho đến khi xác nhận giao dịch thành công, khách sẽ được hoàn tiền 100% khi không nhận được hàng hoặc hàng không đúng như mô tả.
Các nhà kinh doanh nhìn nhận cung cấp các giải pháp thanh toán an toàn được xem là phương án khơi thông điểm nghẽn về niềm tin trong các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là những ngành có rủi ro cao như hàng điện tử, mỹ phẩm...
Nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng
Ông Vũ Minh Đức, giám đốc vận hành ví điện tử ShopeePay, cho biết để không ngừng nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng, sàn thương mại điện tử Shopee có hệ thống thanh toán không tiền mặt cung cấp cho người dùng nhiều sự lựa chọn như thẻ ATM (thẻ ghi nợ nội địa), thẻ tín dụng và ví ShopeePay.
Tín hiệu tích cực là tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng thanh toán bằng ví ShopeePay khi mua sắm trên sàn đã thay đổi đáng kể thời gian qua. "Chúng tôi ghi nhận từ năm 2019 đến năm 2021, lượng người dùng mua sắm trên Shopee và chọn thanh toán bằng ví ShopeePay tăng gấp 3 lần", ông Minh Đức cho biết.
Nhờ sự tiện lợi, an toàn và nhiều ưu đãi, thanh toán bằng ví điện tử trở thành phương thức giao dịch ngày càng được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử. Riêng trên Shopee, nhiều người dùng đã chuyển sang chọn ShopeePay làm phương thức thanh toán thường xuyên để phục vụ các nhu cầu mua sắm.
Người dùng có thể nạp tiền vào ví ShopeePay thông qua tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ATM (thẻ ghi nợ nội địa) của các ngân hàng đang liên kết với ví để có thể thanh toán cho các giao dịch mua hàng trên Shopee.
Việc tích hợp ví trên Shopee mang đến trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt an toàn và thuận tiện không chỉ cho các khách hàng khi tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử mà còn cho các nhà bán hàng.
Khi người mua thanh toán bằng ví ShopeePay, số tiền từ các giao dịch thành công sẽ được chuyển thẳng vào ví của người bán, nên việc rút tiền sẽ dễ dàng hơn cho người bán.
Trong năm 2021, số lượng người dùng ví ở khu vực lân cận các thành phố lớn tăng gấp 2,5 lần, cho thấy ngày càng có nhiều người ưa chuộng và tận hưởng sự tiện lợi của phương thức thanh toán số.
Nhóm tăng trưởng mạnh nhất là nhóm người dùng trên 45 tuổi, minh chứng cho tính dễ tiếp cận của ShopeePay đối với độ tuổi thường được xem là khó thích ứng với thanh toán kỹ thuật số.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết thanh toán không tiền mặt đang trở nên phổ biến và những người đã từng trải nghiệm các dịch vụ thanh toán không tiền mặt đều không hề muốn quay lại với "tiền mặt", điều đó cho thấy lợi ích của phương thức giao dịch này quá lớn.
"Tuy nhiên để tiếp tục nâng cao nhận thức, thuyết phục được người tiêu dùng, hạ tầng cho các phương thức này cần tiếp tục hoàn thiện, mở rộng và không ngừng nâng cao trải nghiệm, đề cao tính bảo mật để người dùng an tâm", ông Dũng nói.
Theo công an, các ứng dụng "giật" đơn hàng ảo có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, chiếm đoạt tài sản đầu tư, lôi kéo số lượng lớn người tham gia để hưởng hoa hồng giới thiệu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.