Ngắm nhìn loạt khách sạn 5-6 sao của người Hoa trên đất Việt: Toàn những công trình giá trị khủng, sang trọng bậc nhất, lọt BXH thế giới

Chia sẻ Facebook
14/04/2022 13:44:11

Nhiều người Hoa đã làm nên tên tuổi của mình tại Việt Nam nhờ việc sở hữu những khách sạn xa hoa, dịch vụ đẳng cấp bậc nhất trải dài từ Bắc xuống Nam.

Sheraton Saigon và Caravelle Saigon - Keck Seng Investment

Keck Seng Investments là Tập đoàn của Hong Kong, chuyên đầu tư và phát triển các dự án bất động sản. Keck Seng hiện đang sở hữu 64,12% tại khách sạn Sheraton Saigon và có 24,99% lợi ích trong khách sạn Caravelle. Ngoài ra, tập đoàn này còn đầu tư tại nhiều nơi khác như Macau, Trung Quốc, Canada, Singapore, Hong Kong.

Sở hữu cổ phần tại 2 khách sạn này biến Việt Nam đang trở thành điểm đầu tư có lợi nhuận cao nhất đối với Tập đoàn này.

Vị trí đắc địa của khách sạn Sheraton Saigon. Ảnh: @nv.thuongg.

Khách sạn Sheraton Saigon được thành lập vào tháng 5/2003, tính đến nay đã trải qua 14 năm hoạt động. Sheraton Saigon nằm ngay trung tâm quận 1, trên con đường đắc địa Đồng Khởi, gần các trung tâm mua sắm và địa điểm du lịch hấp dẫn.

Theo báo cáo từ công ty, khách sạn Sheraton Saigon lãi hơn 500 tỷ đồng năm 2019 dù tỷ lệ lấp đầy phòng giảm năm thứ 2 liên tiếp do Covid19. Thậm chí, tập đoàn này còn dự kiến sẽ mở thêm 4 khách sạn mới tại Việt Nam trong một vài năm tới.

Sheraton Saigon có 497 phòng, các phòng khách của Sheraton đều có hướng nhìn ra sông Sài Gòn, hướng hồ bơi hoặc hướng nhìn toàn cảnh thành phố. Ảnh: @sheratonsaigon.

Các không gian trong khách sạn 5 sao này luôn được chăm chút tỉ mỉ để hướng đến trải nghiệm đẳng cấp nhất cho khách lưu trú. Ảnh: @sheratonsaigon.

Caravelle là khách sạn 5 sao nổi bật của TPHCM từ năm 1959.

Caravelle tọa lạc ngay tại trung tâm thương mại, mua sắm và giải trí sầm uất tại Quận 1 của thành phố và chỉ cách sân bây Tân Sơn Nhất 8km. Ảnh: Caravelle Saigon.

Không gian thượng lưu bên trong khách sạn 5 sao của Tập đoàn Hongkong này. Ảnh: Caravelle Saigon.

Hồi tháng 5/2016, trong dịp cựu Tổng thống Obama đến TPHCM, có 7 khách sạn dự kiến có trong danh sách được đoàn của ông Obama chọn làm chỗ ở, trong đó có cả Sheraton và Caravelle. Theo khảo sát lúc bấy giờ, cả 2 khách sạn 5 sao này đều không không còn một chỗ trống trong suốt thời gian ông Obama có mặt ở TPHCM.

Eastin Grand Saigon (trước đây là Movenpick Saigon) - Tung Shing Group

Một trong những thương vụ "chuyển nhượng" đình đám nửa đầu năm 2014 là việc một tập đoàn đến từ Hồng Kông, Tung Shing group đã chi hơn 16 triệu USD để sở hữu 53% cổ phần tại khách sạn 5 sao Movenpick Saigon. Kể từ tháng 4 năm 2015, Khách sạn Movenpick SaiGon chính thức đổi tên thành Eastin Grand Hotel Saigon.

Ảnh: @eastingrandhotelsaigon.

Movenpick SaiGon chính là một trong các khoản đầu tư của VinaLand, quỹ đầu tư bất động sản thuộc VinaCapital. Nhờ thương vụ này mà khách sạn này đã đổi sang chủ sở hữu là Tung Shing Group, tập đoàn Hong Kong đang sở hữu nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam như: Golden Westlake Hồ Tây, Tòa nhà Tung Shing Square (Số 2 Ngô Quyền), khách sạn Hà Nội (Giảng Võ), khách sạn Hanoi Lakeside (23 Ngọc Khánh) và khách sạn Halong Pearl (Quảng Ninh).

Ảnh: @eastingrandhotelsaigon.

Tung Shing cũng đang là đối tác của Vinaland tại dự án khu phức hợp Aqua City (Đồng Nai) có tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Mặc dù xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 90, bắt đầu trong lĩnh vực dệt may, nhưng đến nay Tung Shing đang hoạt động như một tập đoàn đa ngành với nhiều lĩnh vực khác như: giáo dục, công nghệ thông tin& viễn thông, giải pháp tòa nhà, bất động sản, khách sạn…

Nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, với vị trí trung tâm có giao thông thuận lợi, vô cùng đa dạng các dịch vụ, Eastin Grand Saigon còn sở hữu những tiện ích 5 sao, nhiều loại phòng ngủ, với cách bài trí gọn gàng và sang trọng. Ảnh: @eastingrandhotelsaigon.


The Reverie Saigon - Vạn Thịnh Phát


Tọa lạc tại 2 con đường đắt đỏ nhất TP. HCM là Nguyễn Huệ và Đồng Khởi, quận 1, khách sạn The Reverie Saigon chỉ nằm cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 8,2km và ga Sài Gòn khoảng 4,2km giúp khách lưu trú và người hay công tác có thể đi lại dễ dàng.


Hợp tác với Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam, tập đoàn Vạn Thịnh Phát chính là chủ sở hữu của tòa nhà Times Square trị giá 2,6 nghìn tỷ chứa khách sạn này. Gia tộc họ Trương cũng là một trong những gia tộc giàu có và bí ẩn bậc nhất Việt Nam. Bà Trương Mỹ Lan (nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa) sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn này chính là cô ruột của Trương Huệ Vân, người vợ của nhạc sĩ Thanh Bùi.

Ảnh: @thereviersaigon

Khách sạn 6 sao The Reverie Saigon từng được tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới Condé Nast Traveler vinh danh ở vị trí thứ 4 trong danh sách 50 khách sạn tốt nhất thế giới. Khách sạn có 286 phòng, nội thất được thiết kế theo phong cách quý tộc Italy, giá thấp nhất từ 240 USD , cao nhất 17.300 USD một đêm.

Bà Trương Mỹ Lan (nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa) - Nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.


Là một trong những đại gia kín tiếng với truyền thông, gia tộc bà Trương Mỹ Lan luôn khiến nhiều người tò mò về mức độ giàu có với nhiều dự án trị hàng hàng tỷ USD như Sherwood Residence, An Đông plaza, Times Square, Nexxus, dự án 6 tỷ USD khu công viên, nhà ở Mũi Đèn Đỏ Quận 7, TP.HCM…

Phong cách Ý vương giả trong khách sạn 6 sao đầu tiên tại Sài Gòn. Ảnh: @susu_1504.

The Reverie Saigon thiết kế đẳng cấp với nội thất xa xỉ, đồng hồ khảm đá, nền nhà bóng loáng bằng đá khổng tước quý hiếm. Ảnh: @thereviersaigon.

Intercontinental Hanoi Westlake Hà Nội và Sheraton Hà Nội - Tập đoàn Berjaya


Sở hữu tới hai khách sạn nằm ở vị trí đất "vàng" tại Hồ Tây là Sheraton Hà Nội và Intercontinental Hanoi Westlake Hà Nội, nhưng trái ngược lại tình hình kinh doanh đầy triển vọng của những khách sạn trên, tỷ phú người người Malaysia gốc Hoa Vincent Tan chịu thua lỗ triền miên và âm vốn chủ sở hữu nặng nề.

Tỷ phú gốc Hoa - Tan Sri Dato’ Seri Vincent Tan Chee Yioun.

Ảnh: @d0rotka.

Đến năm 2019, Tập đoàn Berjaya của Malaysia đã quyết định ký hợp đồng bán 75% cổ phần của T.P.C Nghi Tam Village - công ty sở hữu InterContinental Hanoi Westlake cho Công ty TNHH Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội do ông Trần Trung Tuân là người đại diện pháp luật. Đầu năm 2021, ông Vincent Tan cũng đã ra quyết định nhượng lại quyền điều hành công ty cho người ngoài sau hơn 40 năm.

Vị trí đất "vàng" tại Hồ Tây của khách sạn 5 sao này tại Hà Nội.

Intercontinental Hanoi Westlake vẫn luôn được coi là một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất Hà Nội.

Trước đó, khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa công ty T.P.C Development Ltd (hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Berjaya của ông Vincent Tan) và Thăng Long GTC - công ty con thuộc Tập đoàn BRG. Ngoài bất động sản, Berjaya đang cùng Công ty xổ số Vietlott tại Việt Nam theo hình thức hợp tác kinh doanh.


Thu Ngân

Theo Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook