Ngấm lệnh trừng phạt, người Nga mua xe hơi cũ vì giá xe mới cao ngất ngưỡng

Chia sẻ Facebook
23/02/2023 02:15:08

Hứng chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, ngành công nghiệp xe hơi của Nga bị ảnh hưởng nặng khi chi tiêu cho xe hơi mới giảm hơn một nửa vì giá cả leo thang, phụ tùng đắt đỏ. Sản xuất xe hơi của Nga cũng lao dốc và người Nga phải chuyển sang mua các mẫu xe nhập khẩu đã qua sử dụng với giá mềm hơn.

Thị trường xe xe hơi nhập khẩu đã qua sử dụng được người Nga ưu tiên vì giá cả mềm. (Ảnh minh họa: Andrey Sayfutdinov/Shutterstock)

Cụ thể, chi tiêu cho xe hơi mới đã giảm 52%, xuống còn 1.500 tỷ rúp (khoảng 20,4 tỷ USD) vào năm 2022, trong khi số lượng xe hơi mới được bán ra giảm 58,8%. Sản xuất xe hơi ở Nga cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, khi các nhà sản xuất xe hơi phương Tây tạm dừng sản xuất và bán các nhà máy ở Nga, theo Reuters.

Tổng chi tiêu cho xe hơi du lịch mới và đã qua sử dụng đã giảm hơn 15% vào năm 2022, do lạm phát đẩy giá cả lên cao và đẩy mức sống của người dân Nga xuống, dữ liệu từ cơ quan phân tích Autostat cho thấy.

Tuy vậy, chi tiêu cho xe hơi đã qua sử dụng tăng 14%. Điều đó khiến xe hơi đã qua sử dụng chiếm gần ba phần tư tổng số xe được bán ra, tăng từ 55% so với năm 2021, dữ liệu phân tích cho thấy.


“Tiền chảy vào thị trường xe hơi đã qua sử dụng khi giá xe cũ được giữ nguyên, đồng thời cấu trúc của thị trường xe hơi mới thay đổi đáng kể” , Giám đốc điều hành Autostat Sergei Udalov nói với Reuters.

Trong khi các nhà phân tích tiếp tục tranh luận về hiệu quả tổng thể của các biện pháp hạn chế kinh tế đối với Nga, không còn nghi ngờ gì nữa, Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề trong ngành công nghiệp xe hơi, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà sản xuất nước ngoài và các bộ phận nhập khẩu.

Lạm phát hàng năm ở mức 11,9% vào năm ngoái đã góp phần làm giảm ước tính 1% thu nhập khả dụng thực sự của người Nga, theo cơ quan thống kê Rosstat.

Anton, một nhân viên tại một công ty lớn của Nga, người từ chối cho biết họ của mình, đã mua một chiếc Skoda đã qua sử dụng vào tháng 12. Anh Anton thích một chiếc xe do phương Tây sản xuất hơn là một chiếc xe lắp ráp trong nước hoặc do Trung Quốc sản xuất.

Với giá 2,5 triệu rúp, chiếc Skoda của anh ấy đắt hơn khoảng 1 triệu rúp so với một năm trước đó, nhưng vẫn rẻ hơn 1 triệu rúp so với phiên bản hoàn toàn mới.

Anton cho biết anh cảm thấy may mắn khi đã mua được một chiếc xe sản xuất tại nước ngoài đã qua sử dụng với số dặm đã đi thấp, vì lượng xe như vậy đang cạn kiệt.


“Một chiếc xe mới bây giờ chỉ là một đặc quyền cho những người giàu có, trừ khi đó là một chiếc Lada hoặc một chiếc xe Trung Quốc”, anh Anton nói.

Theo Autostat, giá trung bình của những chiếc xe mới được bán ra trong năm 2022 đã tăng 17% lên 2,33 triệu rúp, và những chiếc đã qua sử dụng tăng 32% lên 890.000 rúp.

Nhà sản xuất xe hơi Séc Skoda Auto, một đơn vị của Volkswagen (VOWG_p.DE), cho biết việc giao hàng đến Nga đã giảm 80% vào năm 2022. Volkswagen đã đóng cửa các nhà máy ở Nga và ngừng nhập khẩu, nhưng vẫn chưa đồng ý bán như một số công ty cùng ngành.

Renault của Pháp (RENA. PA) đã bán phần lớn cổ phần của mình trong Avtovaz của Nga cho nhà nước Nga với giá được cho là chỉ một rúp, nhưng với tùy chọn 6 năm để mua lại. Người mua thuộc nhà nước Nga tương tự sau đó đã thâu tóm tài sản của Nissan (7201.T) với giá một euro.

Nhập khẩu xe hơi đã qua sử dụng đã tăng vọt vào năm ngoái, dẫn đầu với những chiếc từ Nhật Bản. Quốc gia này đã hạn chế xuất khẩu xe hơi có giá trị cao sang Nga, nhưng xe hơi đã qua sử dụng do các cá nhân nhập khẩu nằm ngoài các hạn chế và trừng phạt.

Cuộc “di cư” của các thương hiệu phương Tây đã cho phép Trung Quốc ngấu nghiến thị phần của Nga. Trong một trường hợp siêu lợi nhuận, các bộ phận động cơ từ JAC của Trung Quốc đang được sử dụng để hồi sinh thương hiệu Moskvich thời Liên Xô.

Các nhà phân tích thị trường dự đoán doanh số bán xe hơi mới sẽ tăng lên khoảng 800.000 chiếc trong năm nay, từ 687.370 chiếc vào năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với hơn 1,6 triệu chiếc được bán ra vào năm 2021.


Tuấn Minh, theo Reuters

Thâm hụt ngân sách Nga tăng lên gần 25 tỷ USD trong tháng 1

Theo một cách tính, điều này tương đương nền kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin bị thụt lùi tới 25 năm do cuộc xâm lược Ukraine của ông.

Chia sẻ Facebook