Ngâm hồ sơ mua bán nhà đất, ngành thuế có vô cảm?
Tròn sáu tháng sau khi Bộ Tài chính phát hành công văn 438 – nguồn cơn dẫn đến việc hàng chục ngàn hồ sơ chuyển nhượng nhà đất trên toàn quốc bị ngâm – thì hôm 11-6, Tổng cục Thuế gởi công điện cho các cục thuế yêu cầu không được trả lại hồ sơ chuyển nhượng nhà đất như vừa qua. Điều đáng nói là công điện mang tính sửa sai này chỉ được ban hành sau khi ông Bộ trưởng Bộ Tài chính bị chất vấn tại Quốc hội ba ngày trước đó.
Ngâm hồ sơ mua bán nhà đất, ngành thuế có vô cảm?
Công điện số 08/CĐ-TCT cho cục thuế các tỉnh/thành phố yêu cầu tuân thủ nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”, không được trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển nhượng nhà đất như hiện nay. Cũng trong Công điện số 08 này, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các tỉnh thành rằng đối với trường hợp nghi ngờ hồ sơ có dấu hiệu gian lận thuế thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau, theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế.
Điều đáng nói là không phải Tổng cục Thuế cầu thị tiếp thu phản ánh để sửa chữa. Trong suốt ba, bốn tháng gần đây rất nhiều lần người dân, doanh nghiệp đã lên tiếng phản ánh cũng như đã có hàng trăm bài báo phản biện sự bất hợp lý nhưng tất cả đều rơi vào hư không.
Có thể nói thẳng rằng, công điện “quay xe” của Tổng cục Thuế chỉ được ban hành sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính bị nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn quyết liệt tại nghị trường hôm 8-6.
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội nêu vấn đề ách tắc giải quyết các giao dịch bất động sản do thiếu căn cứ pháp lý, cụ thể là định giá đất, dẫn đến thất thu thuế và có cả dấu hiệu cán bộ thuế lợi dụng sự chưa rõ ràng của quy định để nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Theo phản ánh của đại biểu Quốc hội, cán bộ thuế mỗi nơi đang làm một kiểu để thu được thuế chuyển nhượng bất động sản. Nhiều nơi yêu cầu giá tính thuế cao hơn kê khai từ 1,2 đến 1,5 lần, có nơi yêu cầu cao hơn 2 lần mới giải quyết còn không sẽ bị “ngâm” hồ sơ.
Nguồn cơn của tình trạng ách tắc này bắt đầu từ việc ngày 12-1-2022, Bộ Tài chính gởi công văn số 438/BTC-VP “Về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản” cho Bộ Công an, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh/thành phố. Điều 3 công văn này yêu cầu “Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế địa phương chủ động phối hợp cơ quan Công an, Sở Tư pháp để đấu tranh xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản”. Ngoài công văn này, Bộ Tài chính còn có hai công văn số 14257/BTC-VP (tháng 12-2021) và 3849/BTC-VP (tháng 4-2022) với nội dung liên quan đến chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản.
Dù Điều 2 Công văn 438 ghi rõ là yêu cầu người nộp thuế chuyển nhượng bất động sản “kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán” nhưng tiếp theo lại là Điều 3 nghe “đầy mùi hình sự”.
Thử hỏi, với Công văn 438 này và các công văn liên quan, có nhân viên ngành thuế nào dám xác nhận hồ sơ theo giá kê khai thực tế – kể cả khi đó là giá thực tế mua bán không gian lận – vì thanh gươm Damocles “tội cố ý làm trái” treo lơ lửng đó?
Để bảo vệ an toàn cho bản thân, cán bộ ngành thuế sẽ chọn cách an toàn cho họ nhưng vô cảm với người dân, đó là buộc bên bán kê khai giá cao hơn mới giải quyết.
Hậu quả là hàng chục ngàn trường hợp hồ sơ kê khai theo giá thực tế đã bị trả về trong mấy tháng qua. Có hồ sơ bị cơ quan thuế ngâm đến 4 tháng, có hồ sơ bị trả đến 3 lần vẫn chưa được giải quyết.
Thống kê sơ bộ của ngành thuế cho thấy, tại TPHCM đã có hơn 13.000 hồ sơ, Long An là 500 hồ sơ, Vũng Tàu hơn 12.000 hồ sơ bị trả lại yêu cầu ghi giá bán tăng lên. Hãy thử đặt mình vào vị trí một người dân cần đổi nhà, đã đặt cọc căn nhà định mua và bán căn nhà đang ở. Khi hồ sơ bán nhà bị cơ quan thuế ách lại, người dân này có thể trễ hạn mua căn nhà đã đặt cọc và bị mất luôn tiền cọc. Trong số mấy chục ngàn hồ sơ bị ngâm, bị trả lại có lẽ không quá hiếm những trường hợp như vậy. Tất nhiên, thiệt hại thì chỉ có người dân lãnh đủ, ngành thuế thì vô can!
Điều không sòng phẳng là cơ quan thuế trả hồ sơ với lý do “kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn thị trường” nhưng khi người dân chất vấn “căn cứ vào đâu và khung giá nào để xác định giá giao dịch trên hợp đồng thấp hơn giá trị trường” thì cơ quan thuế không trả lời thoả đáng và tiếp tục ngâm hồ sơ.
Việc ngành thuế chỉ chấp nhận thông qua hồ sơ khi người dân ghi giá bán nhà cao hơn, bất chấp thực tế giá cả thị trường là một điều bất hợp lý. Bởi lẽ, người bán nhà trong một số điều kiện như nợ nần, cắt lỗ tiền vay ngân hàng, chuyển hướng đầu tư… có khi buộc phải bán nhà với giá thấp hơn giá thị trường.
Ngoài ra, việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng giữa người mua và người bán thoả thuận về giá trị chuyển nhượng bằng hợp đồng được cơ quan công chứng chứng nhận là theo quy định của Luật Công chứng và Bộ luật Dân sự. Ngành thuế không thể hành xử vượt trên hai bộ luật này chỉ bằng một số công văn từ Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế như vừa qua.
Trong một nhà nước pháp quyền, bộ máy hành pháp và tư pháp có nghĩa vụ phải chứng minh nếu người dân làm sai. Tuy nhiên, ở trường hợp thuế nhà đất vừa qua, việc chứng minh kê khai sai giá từ chỗ là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước bị chuyển qua buộc người dân phải làm. Chỉ bằng một văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, người dân phải vất vả chứng minh “tôi bán đúng giá” trong khi lẽ ra đó là việc của ngành thuế.
Trong giao dịch với cơ quan thuế, người dân luôn ở thế yếu. Khi bị đẩy vào thế buộc phảỉ chứng minh giá bán nhà đất, người dân chỉ còn cách lựa chọn là khai theo khung giá mà ngành thuế chấp nhận cho yên thân. Cũng không loại trừ khả năng, từ việc “ách” hồ sơ này sẽ có những vụ tiêu cực, chung chi để hồ sơ được thông qua.
Việc yêu cầu người dân phải chứng minh giá bán nhà đất như vậy bất chấp thực tế giá cả thị trường, bất chấp sự thiệt hại của người dân có là một sự vô cảm của ngành thuế?
Song Nghi
TBKTSG