Ngấm chuyển đổi số, CIR tiếp tục giảm tại nhiều ngân hàng
Chuyển đổi số chính là một trong những chìa khóa quyết định giúp giảm tỷ lệ CIR của các ngân hàng.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực, với lợi nhuận của phần lớn các thành viên đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, kết quả khả quan trên còn đến từ khả năng kiểm soát, tiết giảm và sử dụng hiệu quả chi phí của các nhà băng. Điều này cũng đã được thể hiện rất rõ qua các con số trong báo cáo 6 tháng đầu năm của các ngân hàng.
Khảo sát tại 26 ngân hàng cho thấy, phần lớn các thành viên (65%) ghi nhận tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) 6 tháng đầu năm nay giảm, với mức giảm dao động từ gần 1 điểm % đến hơn 22 điểm % so với cùng kỳ năm trước. CIR trung bình của nhóm ngân hàng giảm mạnh xuống còn 38,5%, so với mức 40,7% cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của SHB cho thấy, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt gần 9,5 nghìn tỷ đồng, tăng tới 25,3% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất trong 6 tháng đầu năm được tiết giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2021, xuống hơn 1,9 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ việc đổi mới mô hình kinh doanh, đẩy mạnh hệ thống công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm - dịch vụ ngân hàng số.
Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất của ngân hàng chỉ ở mức 20,5%, giảm mạnh so với mức 28,4% cùng kỳ năm 2021. Điều này có nghĩa, để tạo ra 100 đồng thu nhập, SHB chỉ phải chi ra 20,5 đồng chi phí. Với kết quả này, SHB đang là ngân hàng sở hữu CIR thấp nhất trong hệ thống.
Tại VPBank, kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động tăng tới 36,6% so với cùng kỳ, đạt gần 31,6 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ tăng 20,4% so với cùng kỳ giúp CIR được rút ngắn xuống còn 20,6%, giảm khá mạnh so với mức 23,4% cùng kỳ năm trước và tiếp tục nằm trong nhóm có CIR thấp nhất hệ thống.
Theo lãnh đạo VPBank, động lực chính giúp ngân hàng có được hiệu suất hoạt động cao là nhờ chiến lược số hóa mạnh mẽ đã được triển khai trong nhiều năm qua. Công nghệ số cũng giúp ngân hàng quản trị tốt hơn, tiết kiệm nhiều nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, hạn chế tổn thất cho ngân hàng.
Sát ngay sau VPBank là VietinBank với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức 27%, giảm so với mức 28,5% cùng kỳ năm trước. VietinBank cho biết, việc tăng cường đầu tư công nghệ đã giúp ngân hàng tối ưu hóa năng suất lao động, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể, chi phí hoạt động của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng 5,1% trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Một số ngân hàng khác cũng sở hữu CIR ở mức thấp bao gồm BIDV (27,7%), SeABank (30,3%), Techcombank (30,3%), Vietcombank (31,6%), MBB (32,6%),…
Trong số 26 ngân hàng trong nhóm khảo sát, Saigonbank là ngân hàng có sự cải thiện CIR ấn tượng nhất khi ngân hàng này đã thành công đưa tỷ lệ chi phí trên thu nhập từ mức cao 59,6% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống còn 37,4% trong 6 tháng đầu năm nay, tương đương với mức giảm tới 22 điểm %. Nguyên nhân là nhờ tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng tới 36,1% trong khi chi phí hoạt động lại giảm 14,4% so với cùng kỳ.
Tương tự, tại Eximbank, tổng thu nhập hoạt động tăng tới 50% so với cùng kỳ trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 10,7% giúp CIR 6 tháng đầu năm giảm tới 17 điểm % so với cùng kỳ. Tại VietBank, CIR cũng giảm 10 điểm %, LienVietPostBank giảm 9 điểm %, SeABank giảm 8 điểm%,…
Chuyển đổi số là nhân tố quyết định
Về cơ bản, một tỷ lệ CIR càng thấp thì càng cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, do tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.
Thông thường, cơ quan quản lý chỉ cho phép một số lượng nhỏ chi nhánh, phòng giao dịch được mở mới mỗi năm. Tuy nhiên, mô hình điểm AutoBank hay LiveBank hoạt động gần như 1 phòng giao dịch lại không bị giới hạn về tốc độ mở và thời gian phục vụ.
Điều này giúp các nhà băng vượt qua được giới hạn để mở rộng thị trường, đồng thời khắc phục được áp lực chi phí nhân sự thường niên ở chi nhánh truyền thống.
Số liệu của một ngân hàng cho thấy, chi phí bình quân cho 1 giao dịch tại một chi nhánh truyền thống là khoảng 23.000 đồng, nhưng với LiveBank chỉ còn hơn 11.000 đồng/giao dịch, tương ứng giảm 50%. Thậm chí, với eBank chỉ mất 2%, tức là chưa đến 500 đồng/giao dịch.
Tương tự, chi phí vận hành (bao gồm đầu tư và duy trì) của LiveBank chỉ bằng 20% so với một chi nhánh truyền thống.
Ứng dụng công nghệ giúp gia tăng năng suất của AI Chatbot, dẫn đến giảm tải 30% cho lực lượng tổng đài trung tâm (Call Center), hay như công nghệ sinh trắc học nhận diện giọng nói (Voice Biometrics) đã giúp giảm 15% thời gian xử lý cuộc gọi...
Với ý nghĩa trên, chuyển đổi số ngày nay không còn là một khái niệm, mà đã trở thành hành động cụ thể, quyết định sự sống còn, tồn vong của bất kỳ tổ chức nào, đặc biệt là các ngân hàng. Đó cũng là lý do để các ngân hàng chạy đua đầu tư công nghệ để chuyển đổi số.
Bên cạnh chuyển đổi số nhằm cắt giảm chi phí, thì việc đa dạng hoá, sáng tạo các dịch vụ mới, nâng cao trải nghiệm và gia tăng tiện ích đồng thời, tối ưu hoá quy trình nội bộ, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất lao động nhân viên cũng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà băng.
Dù vậy, ở một góc nhìn khác, CIR của ngân hàng ở mức cao đôi khi không hẳn mang tính tiêu cực, như trong trường hợp ngân hàng trong giai đoạn đầu tư thì sẽ khiến CIR gia tăng, còn nhìn về dài hạn, việc đầu tư này sẽ giúp ngân hàng giảm bớt chi phí vận hành, từ đó kéo CIR xuống thấp trong tương lai.