Ngâm chân giúp chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh hiệu quả
Một số nghiên cứu y học đã chứng minh rằng ngâm chân tốt cho sức khỏe, có hiệu quả với chứng trầm cảm, hội chứng mãn kinh, đau đớn...
Ngày nay, ngâm chân trong nước
đã trở thành một liệu pháp để giảm mệt mỏi. Từ xa xưa, ngâm chân đã được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc Đông y để giữ gìn sức khỏe và chữa bệnh. Một số nghiên cứu y học đã chứng minh rằng ngâm chân có hiệu quả đối với chứng trầm cảm, hội chứng mãn kinh, đau đớn và các bệnh khác.
Trung y coi trọng tác dụng nâng cao sức khỏe và trị bệnh của liệu pháp ngâm chân
Tác dụng chăm sóc sức khỏe từ bàn chân đã được nền y học cổ truyền Trung Quốc chú trọng, được sử dụng phổ biến từ hàng nghìn năm nay. Phương pháp ngâm chân có ưu điểm là đơn giản, dễ dàng và hiệu quả.
Đại y học gia Hoa Đà nổi tiếng thời cuối Đông Hán đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc, đã nhấn mạnh trong cuốn sách “Túc tâm đạo” về tầm quan trọng của bàn chân đối với cơ thể con người. Ông nói: “Cây khô rễ kiệt trước, người lão chân suy trước.” Ông so sánh chân người với rễ cây, khi cây héo, phần gốc sẽ bị khô kiệt trước. Khi con người già đi, bàn chân sẽ yếu đi trước.
“ngâm chân vào mùa xuân có thể giúp giải cảm nắng, ngâm chân vào mùa hè có thể giải nhiệt và làm ẩm, ngâm chân vào mùa thu có thể làm ẩm phổi và ruột, ngâm chân vào mùa đông giúp bàn chân ấm áp.”
Việc ngâm chân có lợi ích ngay cả trong mùa hè nóng nực. Vào mùa hè nắng nóng và ẩm ướt rất nghiêm trọng, ăn không ngon, dễ uể oải, mệt mỏi, bứt rứt, ngâm chân có tác dụng giải nhiệt, giúp tinh thần phấn chấn, tăng cảm giác thèm ăn, dễ ngủ.
Đại thi hào Tô Đông Pha nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại rất chú trọng đến việc ngâm chân. Ông tin rằng kiên trì với liệu pháp ngâm chân sẽ có hiệu quả hơn so với uống thuốc bắc. Ông nói rằng tác dụng của việc ngâm chân trong nước ấm ban đầu không biểu hiện kết quả rõ rệt, nhưng sau hơn trăm ngày thì hiệu quả lớn phi thường, so với việc uống thuốc thì ngâm chân có tác dụng gấp trăm lần.
Hoàng đế Càn Long, vị hoàng đế sống lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc, cũng là người rất thích ngâm chân, ông đã đúc kết việc giữ gìn sức khỏe là buổi sáng đi ba trăm bước, buổi tối ngâm chân trong nước ấm.
Nguyên lý bấm huyệt của khoa học hiện đại cũng đã khẳng định rằng trên bàn chân con người có các vùng phản xạ tương ứng với lục phủ ngũ tạng và các cơ quan khác nhau. Khi ngâm chân với nước ấm, có thể kích thích các vùng phản xạ này, thúc đẩy tuần hoàn máu của con người, cải thiện chức năng của các cơ quan trong cơ thể, điều hòa hệ thống nội tiết, không chỉ có tác dụng phòng chống bệnh tật mà còn có tác dụng bổ trợ rất tốt cho việc điều trị bệnh.
Ngâm chân cũng là một phương pháp chữa bệnh bên ngoài thường được áp dụng trong Trung y. Thêm các loại thuốc bắc khác nhau vào nước nóng có thể làm giảm các cơn đau bao gồm thắt lưng, chân, vai và cổ, đồng thời điều trị các bệnh khác như hệ thần kinh và phụ khoa.
Y học Hàn Quốc công nhận tác dụng của liệu pháp ngâm chân
Y học cổ truyền Hàn Quốc (Hàn y) cũng cho rằng ngâm chân có tác dụng giảm huyết áp cao, phù nề, trầm cảm, đau nhức và hội chứng mãn kinh ở nữ.
Vào tháng 1/2021, tạp chí của Hiệp hội Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em Hàn Quốc đã công bố một nghiên cứu tại Đại học Y khoa Hàn Quốc về việc cải thiện chứng trầm cảm và đau thể chất bằng cách ngâm chân. Nghiên cứu bao gồm 23 phụ nữ ngâm chân 1 lần/ngày trong vòng 4 ngày. Kết quả cho thấy điểm trầm cảm trung bình của những người trước khi ngâm chân là 9,39 điểm, giảm xuống 5,87 điểm sau khi ngâm chân 2 ngày. Sau 4 ngày, giảm xuống còn 5,35 điểm. Điểm số đau trung bình của cơ thể cũng giảm lần lượt từ 5,39 xuống 4,43 và 3,96.
Vào tháng 9/2020, tạp chí của Hiệp hội Chữa bệnh tự nhiên Hàn Quốc đã công bố một nghiên cứu về việc ngâm chân giúp giảm hội chứng mãn kinh. Nhóm nghiên cứu đã lấy 10 phụ nữ ở độ tuổi 50 mắc hội chứng mãn kinh, trước khi tiến hành ngâm chân họ có điểm số (MRS) của 10 hội chứng mãn kinh như đỏ bừng mặt, khó chịu ở tim, khó ngủ, lo lắng, mệt mỏi về thể chất và tinh thần, v.v. dao động từ 3,1 đến 3,9 (trung bình 3,53), sau khi trải qua liệu pháp ngâm chân 3 lần/tuần trong 12 tuần. Kết quả cho thấy điểm số giảm xuống 1,4 đến 2,0 điểm (trung bình 1,54 điểm).
Tạp chí nghiên cứu Điều dưỡng Lâm sàng Hàn Quốc cũng tin rằng ngâm chân có thể cải thiện tình trạng phù nề ở chân, căng thẳng và mệt mỏi. Nghiên cứu thực hiện trên 50 y tá làm việc trong phòng phẫu thuật của một bệnh viện đại học, những người thực hiện ngâm chân 12 lần trong thời gian 3 tuần. Kết quả cho thấy điểm trung bình của phù chân giảm từ 21,17 xuống 20,96, điểm trung bình của căng thẳng giảm từ 28,32 xuống 24,64, và điểm trung bình của mệt mỏi giảm từ 28,44 xuống 23,04.
Ngâm chân ở nhiêt độ 38℃ ~ 43℃ trong 30 phút
Ngâm chân rất đơn giản, có thể dùng nước ấm có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể, thường là 38℃ ~ 43℃ để ngâm chân. Mực nước ngâm từ mắt cá chân đến phần giữa bắp chân. Thời gian ngâm từ 20 đến 30 phút. Đặc biệt, cần lưu ý việc ngâm chân cần kiên trì, bền bỉ thì mới đạt được hiệu quả giữ gìn sức khỏe và chữa bệnh.
Tốt nhất nên ngâm chân sau bữa ăn 1 tiếng để mồ hôi ra nhẹ. Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt, bệnh nhân tiểu đường nên cẩn thận và cân nhắc khi ngâm chân, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không nên ngâm chân.
Ngoài ra, có thể thêm vào nước ấm một lượng thích hợp giấm trắng để thúc đẩy tuần hoàn máu, gừng có thể trị cảm lạnh, hoặc muối có thể giúp ngủ ngon và chống lão hóa.
Trúc Nhi/ Theo Epoch Times