“Ngài thị trường” đang sai?

Chia sẻ Facebook
12/12/2022 09:20:04

Thị trường chứng khoán đã điều chỉnh gần 30-40% so với vùng đỉnh 1,530 điểm vào tháng 04/2022 khi nhà đầu tư lo lắng về một số rủi ro của doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp lại cho thấy nhà đầu tư đang phản ứng thái quá và giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn với những vị thế đầu tư dài hạn.

“Ngài thị trường” đang sai?

Bi quan quá mức?


Thị trường chứng khoán cho thấy một xu hướng điều chỉnh mạnh trong giai đoạn vừa qua khi chỉ số VN-Index liên tục giảm dưới một số ngưỡng tâm lý quan trọng như 1,000 điểm và 900 điểm. Tâm lý nhà đầu tư đang khá bi quan khi số phiên điều chỉnh trên 2% diễn ra khá thường xuyên.


Xu hướng này phản ánh phần nào kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng không tốt của doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX . Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại cho thấy một câu chuyện khác. Các doanh nghiệp niêm yết trên HNX và HOSE đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 với sự tăng trưởng gần 30% về doanh thu và 13% về lợi nhuận so với năm trước, tính chung 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp tăng trưởng 22% về doanh thu và 15% lợi nhuận. Không chỉ vậy, có 8/12 nhóm ngành có sự tăng trưởng trong quý 3 và 7/12 nhóm tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm.

Thông thường, lợi nhuận sẽ là yếu tố dẫn dắt giá cổ phiếu, nếu lợi nhuận tốt thì giá cổ phiếu sẽ phản ánh thông tin này và tạo ra sự tăng trưởng tương ứng trong giá. Việc lợi nhuận vẫn tăng trong khi giá cổ phiếu đi xuống là điều bất hợp lý dựa trên các lý thuyết truyền thống.


Có hai cách hiểu về sự bất hợp lý này. Thứ nhất, giá cổ phiếu đang phản ánh đẩy đủ các thông tin về triển vọng trong tương lai. Theo đó, lợi nhuận doanh nghiệp có thể sụt giảm mạnh trong thời gian tới cụ thể là quý 4/2022 và năm 2023. Cách hiểu thứ hai đi theo hướng thị trường chứng khoán đang phản ứng quá mức trước những thông tin tiêu cực trong ngắn hạn. Doanh nghiệp có thể gặp khó khăn ở hiện tại, nhưng mức điều chỉnh 30-40% từ vùng đỉnh tháng 04 của chỉ số VN-Index là một phản ứng “thái quá”.


Một số yếu tố ngắn hạn và dài hạn có thể đang xấu và thị trường chứng khoán đang phản ánh những thông tin này. Tuy nhiên, không phải toàn bộ mọi thứ đang xấu. Kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng 8.83% trong 9 tháng đầu năm và dự kiến tăng trưởng 6.9% năm 2022 theo HSBC . Sang năm 2023, tốc độ tăng trưởng đề ra vào khoảng 6.5% - theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua, ngoài ra một số tổ chức lớn như Fitch Ratings, Standard Chartered, và Citigroup dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 6%. Như vậy bất chấp một số rủi ro hiện hữu bức tranh tổng thể của nền kinh tế vẫn đang tốt, điều đó có nghĩa thị trường chứng khoán đang phản ứng thái quá ở thời điểm này.

Định giá đang hấp dẫn

Nếu nhìn vào chỉ số PE forward (được tính bằng giá hiện tại chia cho thu nhập dự kiến của 4 quý sắp tới) để đánh giá mức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, thì thị trường chứng khoán đang ở một mức giá hấp dẫn khi PE forward chỉ ở ngưỡng 9x-10x thấp hơn mức PE vào giai đoạn tháng 04/2020 khi dịch COVID-19 bùng phát. Với mức PE này thì thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá thấp nhất nếu so với các thị trường trong khu vực khi PE forward của Thái Lan là 15x, Malaysia là 14x, Indonesia là 10x và Singapore là 12x.

Mức định giá hấp dẫn đang kích hoạt một số dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Khối này đã giải ngân mạnh trong tháng 11/2022 khi thị trường điều chỉnh mạnh dưới ngưỡng 900 điểm. Khối này đã mua ròng gần 17,000 tỷ đồng trong tháng 11 trong khi bán ròng 3,500 tỷ đồng trong tháng 9 và 1,300 tỷ đồng trong tháng 10, trong những ngày đầu tháng 12 khối này cũng mua ròng hơn 5,500 tỷ đồng.

Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chiếm hơn 90% giao dịch của khối ngoại. Nhóm này được đánh giá có nhiều nguồn lực về mặt tài chính và hiểu biết hơn so với nhà đầu tư cá nhân. Với các chiến lược đầu tư thường tập trung vào các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và hướng đến các mục tiêu trong dài hạn. Do đó, sự tăng cường giải ngân trong thời gian qua có thể là tín hiệu quan trọng về tiềm năng của thị trường Việt Nam trong dài hạn.

Nhà đầu tư có nên mua cổ phiếu?

Sự điều chỉnh ở thời điềm hiện tại chủ yếu xuất phát từ các yếu tố ngắn hạn, những yếu tố này tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư. Đặc biệt, hơn 80% giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Mà quyết định đầu tư của nhóm này lại chịu tác động từ yếu tố tâm lý rất nhiều. Vì thế, trong ngắn hạn thị trường có thể tiếp tục bị dẫn dắt bởi tâm lý bi quan của nhà đầu tư.

Issac Newton từng nói về tâm lý trong đầu tư chứng khoán: “Tôi có thể tính toán được sự chuyển động của các hành tinh, nhưng không thể tính toán được sự điên rồ của con người”. Nên việc đảo ngược sự bi quan trong ngắn hạn là điều không dễ, đôi khi sự bi quan có thể tồn tại lâu hơn mức nhà đầu tư có thể hình dung. Vì thế, mở những vị thế đầu tư với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn gần như là điều rất khó.

Tuy nhiên, trong dài hạn xu hướng thị trường sẽ phải chịu sự chi phối bởi các yếu tố cơ bản như vĩ mô nền kinh tế hoặc nội tại doanh nghiệp. Những yếu tố này đều đang được cải thiện sau dịch COVID-19, thể hiện một bức tranh tươi sáng. Do đó, những khoản đầu tư với các mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trong dài hạn có thể đạt được thành công nhiều hơn. Thị trường luôn tưởng thưởng xứng đáng cho những nhà đầu tư khôn khoan và kiên nhẫn.


Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam

Chia sẻ Facebook