Nga vô ý làm nổ tung đạn dược của chính mình trên chiến trường Ukraine

Chia sẻ Facebook
03/08/2022 18:10:15

Trong khi Ukraine đạt tiến bộ nhanh chóng trước Nga ở Kherson, chiến trường Donbass được ví giống như địa ngục, "không từ ngữ nào có thể diễn tả được".


Các binh sĩ Nga được cho là đã tự làm nổ một số lượng đạn dược của mình trong khi bốc dỡ hàng từ các toa tàu trong màn khói che khuất tầm nhìn nhằm bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công từ các hệ thống HIMARS, trang Newsweek dẫn nguồn tình báo Ukraine cho biết.

Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một báo cáo mới hôm 2/8 rằng vụ nổ diễn ra một ngày trước đó, vào hôm 1/8.

Một đoàn tàu với thiết bị quân sự và đạn dược cho các lực lượng Nga đã đến nhà ga Kalanchak ở vùng Kherson, miền Nam Ukraine hôm 31/7, và các nhân viên của Nga bắt đầu dỡ hàng vào sáng hôm sau (ngày 1/8), báo cáo cho biết. Một vụ nổ được cho là đã xảy ra trong khu vực làm việc vào khoảng 11h 20 sáng theo giờ địa phương.

Ngay sau vụ nổ, đoàn xe lửa bắt đầu di chuyển theo hướng Crimea "mà không có bất kỳ cảnh báo nào", và các nhân viên của Nga "chạy tán loạn trong hoảng loạn", theo báo cáo.

Mặc dù cơ quan tình báo Ukraine nói rằng không thể xác định được bản chất của vụ nổ, nhưng họ cho rằng đó là kết quả của việc xử lý "bất cẩn" đối với đạn dược, hoặc hỏa hoạn "phát sinh do việc sử dụng không hợp lý chất tạo khói".


Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 đã được các quan chức Mỹ và Ukraine ca ngợi vì hiệu quả của chúng trong cuộc phản công do các lực lượng của Kiev tiến hành ở khu vực Kherson. Chính quyền Tổng thống Biden hôm 1/8 thông báo rằng sẽ gửi thêm đạn dược cho HIMARS tới Ukraine như một phần của gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 550 triệu USD.

Thành phố Kherson, miền Nam Ukraine trong những ngày đầu xung đột Nga-Ukraine mới bùng phát, cuối tháng 2/2022. Ảnh: Pipa News

Nga đã và đang tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Kherson mà họ đang kiểm soát, theo đánh giá từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), cơ quan cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về cuộc xung đột ở Ukraine.

ISW lưu ý trong bản cập nhật của mình ngày 1/8 rằng, ông Vadym Skibitsky, đại diện của cục tình báo quân đội Ukraine, gần đây cho biết rằng các lực lượng Nga đã rút các nhóm tác chiến đường không khỏi khu vực Donetsk ở miền Đông và tái triển khai chúng đến Kherson 2 tuần trước đó. Các bình luận từ ông Skibitsky được The Guardian đưa tin hôm 31/7.

Ông Skibitsky cũng cho biết rằng Nga đang chuẩn bị đối phó với cuộc phản công của Ukraine ở miền Nam đất nước, cũng như củng cố các vị trí của họ ở các khu vực họ đang kiểm soát ở miền Nam và gia tăng hoạt động ở "các khu vực liên quan".

"Các thước phim xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy các lực lượng Nga đang di chuyển thiết bị và nhân sự tới cả các vùng Zaporizhia và Kherson trong những tuần gần đây", ISW cho biết. Zaporizhia là một vùng ở Đông Nam Ukraine.

Newsweek không thể xác minh độc lập báo cáo về vụ nổ ở Kalanchak, và tình báo Ukraine không nói rõ họ thu được thông tin như thế nào.

Bộ Quốc phòng Nga và cơ quan tình báo Ukraine đã được liên hệ để yêu cầu bình luận.

Liên quan đến diễn biến trên hướng Kherson, Ukraine tuyên bố đã chiếm lại được 53 khu định cư ở khu vực Kherson, miền Nam Ukraine.

“Tính đến thời điểm hiện tại, 53 khu định cư được xác nhận là đã được giải phóng”, Thống đốc Kherson Dmytro Butriy cho biết trên kênh truyền hình quốc gia Ukraine hôm 2/8.

Con số này nhiều hơn 9 khu định cư so với con số mà ông Butriy đưa ra hôm 1/8, dường như cho thấy bước tiến nhanh chóng của Ukraine trong khu vực.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa bằng hệ thống tên lửa phóng loạt BM21U Verba tại một chiến tuyến ở khu vực Kharkiv, miền Đông Ukraine, ngày 2/8/2022. Ảnh: Malay Mail

Nga cáo buộc Mỹ đóng vai trò trực tiếp trong xung đột ở Ukraine

Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/8 đã cáo buộc Mỹ can dự trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine, Reuters đưa tin.

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã phản hồi bình luận của ông Vadym Skibitsky, Phó cục trưởng Cục tình báo quân sự Ukraine, người nói với tờ báo Anh The Telegraph rằng đã có sự tham vấn giữa các quan chức tình báo Mỹ và Ukraine trước các cuộc tấn công sử dụng hệ thống phóng tên lửa tầm xa HIMARS do Mỹ cung cấp.

Ông Skibitsky lưu ý với The Telegraph rằng Washington hoàn toàn có quyền phủ quyết đối với các mục tiêu đã định, nhưng các quan chức Mỹ không cung cấp thông tin nhắm mục tiêu trực tiếp.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, điều này là “bằng chứng không thể phủ nhận rằng trái với những tuyên bố của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, Mỹ đang liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine, và Washington phải "chịu trách nhiệm trực tiếp cho tất cả các cuộc tấn công bằng tên lửa được Kiev chấp thuận vào các mục tiêu dân sự".

Chưa có phản hồi ngay lập tức từ Nhà Trắng hoặc Lầu Năm Góc về cáo buộc này.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hôm 2/8 đã phủ nhận tuyên bố của Moscow rằng Nga đã phá hủy 6 hệ thống tên lửa tối tân HIMARS mà Washington viện trợ cho Kiev. Nga thường xuyên tuyên bố họ đã đánh trúng các hệ thống HIMARS nhưng vẫn chưa đưa ra bằng chứng, Reuters cho biết.

Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga thực hiện các cuộc tấn công tên lửa tàn khốc vào các mục tiêu dân sự gần như hàng ngày. Nga phủ nhận việc cố tình nhắm vào dân thường trong xung đột ở Ukraine.

Người đi bộ đi ngang qua tòa thị chính ở thành phố Okhtyrka, vùng Sumy, Đông Bắc Ukraine, ngày 1/8/2022. Ảnh: Getty Images

Độ chính xác và tầm xa của các hệ thống tên lửa do phương Tây cung cấp nhằm làm giảm lợi thế pháo binh của Nga, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 2/8 cho biết các lực lượng của Kiev cần thêm vũ khí nếu muốn giành ưu thế trước hỏa lực và nhân lực của Nga.

Ông Zelenskyy đặc biệt cảm ơn Mỹ về việc cung cấp các hệ thống pháo phản lực, nhưng cho biết cần phải có thêm sự hỗ trợ.

"Điều này được cảm nhận rất nhiều trong chiến đấu, đặc biệt là ở Donbass", ông nói trong một bài phát biểu video đêm hôm 2/8. "Chiến trường Donbass giống như địa ngục. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được".


Tàu chở ngũ cốc Ukraine cập cảng Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi đó, một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để nối lại xuất khẩu ngũ cốc Ukraine đã thành công bước đầu. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, con tàu đầu tiên chất đầy ngũ cốc Ukraine khởi hành từ một cảng ở Odessa đã được neo an toàn ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.

Con tàu mang cờ Sierra Leone Razoni đã ở lối vào của eo biển Bosphorus, nơi kết nối Biển Đen với các thị trường thế giới, vào khoảng 18h giờ GMT hôm 2/8, khoảng 36 giờ sau khi rời cảng Odessa, miền Nam Ukraine.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, một phái đoàn từ Trung tâm Điều phối chung (JCC) ở Istanbul, nơi các nhân viên Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ làm việc, dự kiến sẽ kiểm tra con tàu vào lúc 07h giờ GMT hôm 3/8.

Con tàu chở 26.527 tấn ngô. LHQ cho biết có khoảng 27 tàu tại 3 cảng của Ukraine nằm trong thỏa thuận xuất khẩu đã sẵn sàng ra khơi.

Nga gọi việc tàu Razoni cập cảng là tin tức "rất tích cực". Moscow đã phủ nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực, cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm chậm quá trình xuất khẩu lương thực của họ.

Con tàu chở hàng mang cờ Sierra Leone Razoni, chở ngũ cốc Ukraine, được nhìn thấy ở Biển Đen ngoài khơi Kilyos, gần Istanbul, ngày 2/8/2022. Ảnh: The Guardian

Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt giới tinh hoa Nga

Nối dài các lệnh trừng phạt đó, Washington hôm 2/8 đã công bố một vòng trừng phạt mới nhắm vào giới tinh hoa Nga, trong đó có một cựu vận động viên thể dục dụng cụ Olympic bị cáo buộc có quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các biện pháp cho phép thu giữ bất kỳ quỹ hoặc tài sản nào đặt tại Mỹ thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc tổ chức trong danh sách trừng phạt và cấm các công ty có trụ sở tại Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào với họ.

"Bộ Tài chính sẽ sử dụng mọi công cụ của mình để đảm bảo rằng giới tinh hoa Nga và những người hỗ trợ Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm về sự đồng lõa của họ trong một cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của vô số người", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố.


Những người bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt bao gồm tỷ phú Andrey Grigoryevich Guryev, một cộng sự thân cận của ông Putin, người sở hữu bất động sản lớn thứ hai ở London sau Cung điện Buckingham.

Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm vào bà Alina Kabaeva, người được coi là “bạn gái tin đồn” của ông Putin. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, bà Kabaeva đứng đầu Nhóm Truyền thông Quốc gia, gồm các tổ chức truyền hình, phát thanh và báo in ủng hộ Điện Kremlin.

Ông Putin và bà Kabaeva được cho là đã ở bên nhau từ năm 2008. Nhưng cả hai chưa bao giờ thừa nhận quan hệ.

Tỷ phú Viktor Filippovich Rashnikov và hai công ty con thuộc tập đoàn MMK của ông, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, cũng bị trừng phạt. Theo Bộ Tài chính Mỹ, MMK là một trong những công ty đóng thuế lớn nhất của Nga và cung cấp một lượng doanh thu đáng kể cho chính phủ Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và bà Alina Kabaeva, người được coi là “bạn gái tin đồn” của ông từ năm 2008. Ảnh: New York Post

Nga liệt Tiểu đoàn Azov của Ukraine vào danh sách khủng bố

Tòa án tối cao Nga hôm 2/8 đã chỉ định Tiểu đoàn Azov của Ukraine là một nhóm khủng bố. Chỉ định này nghĩa là các thành viên thuộc tiểu đoàn này sẽ phải đối mặt với các cáo buộc phạm tội khủng bố và các án tù kéo dài.

Tiểu đoàn Azov, có nguồn gốc cực hữu và cực đoan, trước đây có trụ sở tại thành phố cảng Mariupol, miền Đông Ukraine. Các thành viên của tiểu đoàn này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nhà máy thép Azovstal ở thành phố, và hàng trăm người trong số họ đã bị bắt khi Mariupol thất thủ vào tháng 5 sau một cuộc bao vây kéo dài nhiều tháng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ca ngợi họ là những anh hùng Ukraine. Nhưng Moscow đã nhiều lần mô tả Tiểu đoàn này như một nhóm Đức Quốc xã, phù hợp với tuyên bố của họ rằng Ukraine do "phát xít" kiểm soát.

Tiểu đoàn Azov khởi nguồn là một đơn vị bán quân sự chiến đấu chống lại phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine từ năm 2014. Sau đó nó được tích hợp vào Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, và Kiev tuyên bố họ đã rời xa nguồn gốc cực hữu của mình.

Trong một tuyên bố, Tiểu đoàn Azov bác bỏ phán quyết, nói rằng Nga chỉ đang cố gắng tìm ra "những lời bào chữa và giải thích mới cho tội ác chiến tranh của mình".

Ước tính có khoảng 1.000 binh sĩ Azov đang bị Nga và các lực lượng đồng minh của Moscow giam giữ ở miền Đông Ukraine. Họ đang phải đối mặt với các vụ án hình sự khi Nga cáo buộc họ giết hại dân thường.


Theo luật chống khủng bố nghiêm ngặt, những người lính Azov bị bắt có thể có ít quyền hơn và thời hạn tù dài hơn, lên đến 20 năm .


Minh Đức (Theo Newsweek, Reuters, DW)

Chia sẻ Facebook