Nga vây bắt tàu ở ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc vây bắt tàu ở ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ do Nga thực hiện đã lan tỏa ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine tới Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thành viên NATO.
Trong ngày Chủ Nhật, nhiều binh sĩ thủy quân lục chiến Nga được trang bị vũ khí đã vây bắt một tàu của Thổ Nhĩ Kỳ, cách bờ biển phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 60km, trên vùng biển quốc tế nhưng vẫn khá gần Istanbul, với lý do thanh tra, trước khi cho phép tàu này tiếp tục tới Ukraine.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên có lực lượng quân sự lớn thứ hai NATO, đã không bình luận về vụ việc này.
Các nhà phân tích cho rằng vụ việc sẽ thách thức quan điểm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về việc giữ quan hệ tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người vừa được Erdogan mời tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng này nhằm thảo luận về khả năng Nga tham gia lại thỏa thuận bảo hộ xuất khẩu ngũ cốc do Liên Hợp Quốc trung gian.
Ông Yoruk Isik, một nhà phân tích địa chính trị làm việc tại văn phòng tư vấn Bosphorus Observer ở Istanbul cho biết: “Những hành vi gây hấn được thực hiện rất gần Istanbul cho thấy sự thiếu kiểm soát và thiếu tôn trọng đối với quyền chung của Thổ Nhĩ Kỳ”.
“Sự im lặng của Ankara khá kỳ lạ, tuy nhiên việc này cho thấy, họ vẫn trông chờ ông Putin sẽ tới thăm và cân nhắc tái tham gia thỏa thuận bảo hộ xuất khẩu ngũ cốc”.
Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận bảo hộ xuất khẩu ngũ cốc vào tháng vừa rồi, cả Nga và Ukraine đều đưa ra cảnh báo về khả năng sẽ tấn công các tàu ngoài khơi bờ biển của mình. Điều này dẫn tới nhiều lo ngại về việc vận chuyển hàng hóa thương mại sẽ bị ảnh hưởng trên toàn vùng biển này.
Mặc dù Ukraine và các nước phương Tây đã gợi ý một số tuyến đường biển thay thế cho các tàu xuất khẩu hàng hóa của Ukraine, nhưng với tư cách là một nước thân Kyiv, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các gợi ý này vì lý do an ninh. Họ muốn các nước phương Tây chấp nhận một số yêu cầu của Nga, và muốn Nga rút lại một số yêu cầu, nhằm tái kích hoạt hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine với sự giám sát của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, hôm thứ Tư cho biết, họ đã liên lạc và yêu cầu các bên trở lại bàn đàm phán, nhưng yêu cầu này sẽ rất khó được thực hiện vì các hoạt động phá hoại cơ sở hạ tầng ngũ cốc gần đây.
Cán cân nhạy cảm
Biển Đen và eo biển Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường biển chính mà Ukraine và Nga - hai quốc gia cung cấp sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới - sử dụng để đưa các mặt hàng xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Kể từ khi thỏa thuận bảo hộ xuất khẩu ngũ cốc sụp đổ, giá hàng hóa quốc tế tăng vọt khiến Liên Hợp Quốc lo ngại về vấn đề nạn đói toàn cầu, Chính phủ Nga và Ukraine đều đã cho biết họ sẽ coi các tàu tới cảng phe địch là các tàu quân sự tiềm năng.
Ông Aydin Sezer, cựu ngoại giao viên Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà phân tích chính sách tại Ankara, cho biết việc Nga khám tàu Sukru Okran mang cờ Palau về lý thuyết được thực hiện tại khu vực chiến sự, bởi cả Moscow và Kyiv đều đã đưa ra cảnh báo về các tàu di chuyển trong khu vực này.
Ông cho rằng vì Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi máy bay không người lái và các vũ khí khác cho Ukraine trong khi tuyên bố giữ lập trường trung lập, nên “sẽ rất khó để Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên tiếng trong vấn đề này”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị tạo điều kiện cho các đối thoại hòa bình giữa Nga và Ukraine. Chính phủ nước này phản đối hành động của Nga nhưng đồng thời cũng phản đối các lệnh cấm của các nước phương Tây áp đặt lên Moscow, và đã gia tăng hợp tác về kinh tế với Nga trong suốt cuộc chiến.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết, Ankara đang điều tra về vụ vây bắt trên Biển Đen nhưng không cung cấp thêm thông tin. Tàu này đã di chuyển vào hải phận của Romania, theo dữ liệu của Refinitiv Eikon.
Chính phủ Nga không bình luận về khả năng ông Putin sẽ viếng thăm các nước, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục gửi yêu cầu, nhất là trong một kêu gọi lãnh đạo các nước được đưa ra vào ngày 2/8.
Chính phủ Nga cho biết, họ sẽ tái tham gia thỏa thuận bảo hộ xuất khẩu ngũ cốc nếu các nước phương Tây chấp hành nghĩa vụ bảo đảm nước này có thể xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của họ một cách trơn tru, bao gồm trên các phương diện chi trả và hậu cần.
Ông Sezer cho biết, hai yêu cầu chính có nội dung cho phép một ngân hàng của Nga tham gia hệ thống chi trả toàn cầu SWIFT và cho phép họ nhập khẩu các mặt hàng liên quan tới nông nghiệp.
“Vì vậy, ông Erdogan nên thương lượng và thuyết phục các nước phương Tây tái thiết lập thỏa thuận bảo hộ chứ không phải ông Putin”, ông Sezer cho biết.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)