Nga ủng hộ Ấn Độ tham gia Hội đồng Bảo an

Chia sẻ Facebook
26/09/2022 20:33:27

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Ấn Độ trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mở rộng.


Phát biểu tại khóa họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Lavrov cho rằng Ấn Độ và Brazil là "những ứng cử viên xứng đáng" cho vị trí ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an .

Theo Ngoại trưởng Nga, Liên Hợp Quốc và Hội đồng bảo an phải phù hợp với thực tế hiện nay. Ông Lavrov cho biết, Moscow nhìn thấy triển vọng làm cho Hội đồng Bảo an trở nên dân chủ hơn, bao trùm hơn thông qua việc mở rộng cơ quan này, thêm một số quốc gia châu Phi, châu Á và châu Mỹ.

Ông Lavrov nói: "Chúng tôi đặc biệt lưu ý Ấn Độ và Brazil là những thành viên quốc tế quan trọng và là ứng cử viên xứng đáng cho tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, hồ sơ của châu Phi cũng cần được nâng cao".


Ông Lavrov nói thêm rằng việc mở rộng Hội đồng Bảo an mà không có sự tham gia của người châu Phi là điều không thể.

Ấn Độ đã đi đầu trong các nỗ lực tại Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy cuộc cải tổ Hội đồng Bảo an một cách cấp bách và được chờ đợi từ lâu, nhấn mạnh rằng nước này hoàn toàn xứng đáng có một vị trí cấp cao trong Liên Hợp Quốc như thành viên thường trực Hội đồng Bảo an.


Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hiện gồm 5 nước ủy viên thường trực và 10 ủy viên không thường trực được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm.


Đại sứ Nga ủng hộ kết nạp Ấn Độ, Brazil làm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, nhưng phản đối trao ghế này cho Nhật Bản và Đức. Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở Bắc Kinh vào ngày 4/7, việc Đức và Nhật Bản trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an có thể làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng tại Hội đồng Bảo an.

Hội đồng Bảo an là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương Liên Hợp Quốc. Quyền hạn của cơ quan này bao gồm thiết lập những hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và chấp nhận hành động quân sự thông qua những nghị quyết, theo Geopolitical Monitor.

Trong khi các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc chỉ có thể đưa ra quyết định mang tính khuyến nghị, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an mang tính ràng buộc, tất cả thành viên Liên Hợp Quốc có trách nhiệm tôn trọng và thi hành. Vì vậy, Hội đồng Bảo an được coi là cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc.

Ngày 8/6, Đại Hội đồng LHQ đã bầu 5 nước ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2019- 2020 là Bỉ, Cộng hòa Dominica, Đức, Indonesia và Nam Phi.

Chia sẻ Facebook