Nga tuyên bố mua ngoại tệ để tìm cách hạ nhiệt đồng Ruble

Chia sẻ Facebook
30/06/2022 15:12:17


Theo hãng tin Reuters, Nga có thể mua vào ngoại tệ của một số nước "thân cận" nhằm hạ nhiệt tỷ giá đồng Ruble vốn đang lên cao nhất 7 năm qua. Hiện 1 USD chỉ còn đổi được quanh ngưỡng 52 Ruble, tương đương mức tỷ giá cao nhất cho đồng Ruble kể từ tháng 5/2015. Đây là con số cực kỳ ấn tượng so với tỷ giá 1 USD đổi 139 Ruble vào đầu tháng 3/2022.

Hãng tin Reuters cho biết việc đồng Ruble tăng giá quá cao đang ảnh hưởng đến nguồn thu của Nga trong xuất khẩu và đây là nguyên nhân chính khiến Bộ trưởng tài chính Anton Siluanov tuyên bố sẽ sẵn sàng can thiệp thị trường để bình ổn lại tỷ giá.

Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov

"Thông qua việc mua ngoại tệ từ những nước ‘bạn bè’ cùng các kênh khác, chúng tôi có thể bình ổn tỷ giá đồng USD và Euro với Ruble... Chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này với các chuyên gia kinh tế và phía ngân hàng trung ương cũng đã đồng thuận về việc này", Bộ trưởng Siluanov nói.

Đồng quan điểm, Thống đốc Elvira Nabiullina cũng phát biểu sự đồng thuận trong cuộc phỏng vấn trên, qua đó cho biết ngân hàng trung ương Nga vẫn đang duy trì chính sách tỷ giá linh động và đã sẵn sàng để mua vào ngoại tệ.

Dẫu vậy, phía Nga không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch mua ngoại tệ này.

Sàn giao dịch ngoại tệ Moscow trong tuần này đã bắt đầu nhận đồng Rand của Nam Phi và Dram của Armenia. Tiếp đó họ dự định đưa lên sàn đồng Som của Uzbekistan và Dirham của UAE. Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc thì đã được sàn Moscow giao dịch nhiều năm nay.

Hưởng lợi nhờ giá dầu

Kể từ đầu năm 2022, Nga đã dừng mua ngoại tệ nhằm bảo vệ thị trường khỏi cú sốc tiền tệ, đồng thời kìm hãm đà giảm của đồng Ruble lúc đó đang mất giá mạnh. Những động thái này là nhằm đối phó các lệnh trừng phạt của Phương Tây lên Nga.

Tuy nhiên nhờ chính sách siết chặt kiểm soát dòng vốn tốt cũng như giá dầu tăng mà Nga thu được khá nhiều ngoại tệ, chưa kể đến quy định bán dầu bằng đồng Ruble càng khiến nhu cầu về đồng tiền này tăng lên.

Minh chứng rõ ràng nhất là Nga đã phải nâng lãi suất từ 9,5% cuối tháng 2/2022 lên 20% để giữ giá đồng Ruble khỏi giảm mạnh, sau đó lại phải hạ lãi suất xuống chỉ còn 11% vào cuối tháng 5/2022 vì đồng tiền này lên giá.

Đồng Ruble tăng giá mạnh so với USD sau quãng thời gian giảm

Giá dầu Brent đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái nên dù các nước Phương Tây hạn chế nhập khẩu dầu khí từ Nga thì Điện Kremlin vẫn thu được lợi nhuận khổng lồ.

Số liệu của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch Phần Lan (CRECA) cho thấy trong 100 ngày đầu tiên kể từ khi xung đột Ukraine diễn ra, Nga đã thu được 98 tỷ USD doanh thu nhờ xuất khẩu dầu khí. Hơn 50% trong số này đến từ các khách hàng ở Liên minh Châu Âu (EU).

Báo cáo của Eurostat cho thấy lời tuyên bố giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga của EU sẽ cần rất nhiều năm để thực hiện, nhất là trong bối cảnh lạm phát như hiện nay. Tính đến năm 2020, nền kinh tế EU vẫn nhập khẩu đến 41% khí đốt và 36% dầu mỏ từ Nga.

Bán được dầu với mức giá cao kỷ lục bằng USD hay Euro nhưng lại ít nhập khẩu hay chi tiêu số ngoại tệ này do cấm vận, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đang lên rất cao. Số liệu của ngân hàng trung ương Nga cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai trong khoảng tháng 1-5/2022 đã vượt 110 tỷ USD, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

*Nguồn: Reuters, CNBC


Huyền Băng

Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Chia sẻ Facebook