Nga trục xuất 40 nhà ngoại giao châu Âu, lý do 'có đi có lại'

Chia sẻ Facebook
20/04/2022 00:38:16

Bộ Ngoại giao Nga giải thích việc trục xuất các nhà ngoại giao Bỉ, Áo và Hà Lan là hành động có đi có lại, đáp trả việc các nước này trục xuất các nhà ngoại giao Nga trước đó.

Bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Matxcơva - Ảnh: AFP


Trong thông báo ngày 19-4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết 21 nhà ngoại giao Bỉ, 15 nhà ngoại giao Hà Lan và 4 người Áo là những "người không được hoan nghênh" (persona non grata). Phía Nga yêu cầu những người này phải thu xếp rời khỏi Nga trong vòng 2 tuần.

Thuật ngữ "persona non grata" chỉ việc một nước không muốn sự hiện diện của một hay nhiều người được nước khác phái cử. Cá nhân bị tuyên bố là "persona non grata" thường phải rời khỏi quốc gia sở tại, đồng nghĩa với một lệnh trục xuất.

Hồi tháng trước, Hà Lan đã yêu cầu 18 nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước này để thể hiện sự đoàn kết với Kiev sau khi Nga tấn công Ukraine.

Theo Hãng tin Reuters, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 300 nhà ngoại giao Nga bị các nước châu Âu trục xuất tính từ ngày 24-2, thời điểm Nga đưa quân vào Ukraine. Một số nước giải thích những người bị trục xuất là gián điệp - một cáo buộc Nga luôn phủ nhận.

Matxcơva đã phản ứng mạnh với các động thái của phương Tây và cảnh báo sẽ trả đũa. Tuần trước, Nga đã trục xuất các nhà ngoại giao Cộng hòa Czech, Bulgaria và Liên minh châu Âu.

Theo Hãng thông tấn AFP, Nga cũng đã triệu tập đại diện ngoại giao của Luxembourg tại nước này để cánh báo về sự trả đũa có thể có. Luxembourg trước đó đã trục xuất đại sứ Nga.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang căng thẳng trên nhiều mặt sau khi nước này đưa quân vào Ukraine.

Trong khi phần lớn dư luận các nước này đều phản đối hành động của Nga, cũng có một số cuộc tuần hành hoặc các hành động đơn lẻ thể hiện sự ủng hộ Matxcơva.

Trong nỗ lực ngăn chặn những hành vi như vậy, ngày 19-4, Quốc hội Lithuania đã thông qua luật cấm sử dụng hay hiển thị công khai các biểu tượng liên quan đến quân đội Nga.

Những biểu tượng này gồm ký tự Z thường được nhìn thấy trên các xe quân sự của Nga, dải ruy băng Thánh George với 3 sọc đen và 2 sọc cam. Người vi phạm có thể bị phạt tới 900 euro, theo Reuters.

Trước Lithuania, Latvia và Moldova đã đưa ra các lệnh cấm tương tự, trong khi Đức đang cân nhắc nối gót các nước.

Ngày 5-4, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã trục xuất thêm hàng chục nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Nga, trong một động thái liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Chia sẻ Facebook