Nga trên đà tiến, nắm quyền chủ động trên chiến trường

Chia sẻ Facebook
21/04/2024 04:54:00

Moscow giành được quyền kiểm soát hơn 400 km2 lãnh thổ vào năm 2024 bao gồm các trung tâm vận tải và hậu cần quan trọng như Avdiivka và Marinka thuộc vùng Donetsk.


Kể từ đầu năm nay, Nga đã báo cáo những tiến bộ đáng kể của các lực lượng vũ trang nước này ở Ukraine, nơi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow đã diễn ra hơn 2 năm qua.


Việc kiểm soát các ngôi làng nhỏ và nỗ lực củng cố vị trí của các lực lượng Nga trên nhiều mặt trận cũng thường xuyên xuất hiện trong các báo cáo tiến độ hàng ngày của Bộ Quốc phòng Nga.


Ở bên kia chiến tuyến, Ukraine đang phải đối mặt với những thách thức trên nhiều mặt, từ tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về đạn dược và nhân lực cho đến việc phải oằn mình hứng chịu các cuộc tấn công tăng cường của Nga.


Binh sĩ Ukraine hiện đang cố gắng hết sức để giữ vững vị trí của họ dọc theo chiến tuyến dài gần 1.000 km trong bối cảnh số phận gói viện trợ quân sự bổ sung từ Mỹ vẫn treo lơ lửng.


Quyền chủ động trên chiến trường


Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ công bố hôm 17/4, ông Igor Korotchenko, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng của Nga, cho rằng hiệu quả chiến trường của Moscow là do một số yếu tố, từ việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hậu cần, đến việc tăng cường khả năng phòng thủ và tăng cường sản xuất vũ khí.


Moscow cũng đã sử dụng vũ khí có độ chính xác cao để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine, làm suy yếu khả năng hậu tuyến của Kiev, ông Korotchenko cho biết.


“Hiện tại, chúng tôi ghi nhận rằng quyền chủ động trên chiến trường nằm trong tay Nga”, vị chuyên gia quân sự, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí thế giới (CAWAT), bổ sung.

Binh sĩ Ukraine tiếp nhận huấn luyện ở vùng Donetsk, trong bối cảnh xung đột quân sự với Nga tiếp diễn, tháng 4/2024. Ảnh: Getty Images


Trong khi Mỹ đang bị phân tâm vì căng thẳng giữa Israel và Iran ở Trung Đông, Moscow vẫn cần kiểm soát một số khu vực chiến lược vốn được Ukraine sử dụng làm căn cứ cho các cuộc tấn công xuyên biên giới, theo đại tá đã về hưu Viktor Litovkin, một nhà báo quân sự kỳ cựu của Nga. Các khu vực này bao gồm Kharkiv, Mykolaiv và Odesa ở Ukraine, ông Litovkin nói với Anadolu.


“Các cuộc tấn công đang được thực hiện từ khu vực Kharkiv vào các vùng lãnh thổ của Nga, gồm khu vực Bryansk, Belgorod, Voronezh, Kursk”, vị chuyên gia chỉ ra. “Để ngăn chặn tất cả các cuộc tấn công này, cần phải di chuyển hệ thống chiến đấu của Ukraine khỏi khu vực Kharkiv ít nhất 300 km”, ông nói và giải thích rằng đây là tầm bắn của loại tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất mà Ukraine đã nhận được từ các đồng minh.


Ông Litovkin cũng liên hệ giữa bước tiến của Nga trên chiến trường và tình hình ở Dải Gaza, đồng thời chỉ ra rằng các bất đồng về việc hỗ trợ thêm cho Ukraine đã bắt đầu ở Mỹ từ lâu trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10 năm ngoái.


“Không ai ngoại trừ Mỹ đang giúp Israel chống lại Hamas, và 50 quốc gia do Mỹ dẫn đầu đang hỗ trợ Ukraine. Nga ở Ukraine đang chiến đấu với toàn bộ phương Tây đang cố gắng làm suy yếu và hủy hoại nước Nga”, nhà báo quân sự kỳ cựu nói.


Phòng không đánh chặn trên bầu trời vùng Belgorod, Nga, tối 18/4/2024. Video đăng trên kênh Telegram Ukraine Watch


Để Ukraine có thể chặn đứng đà tiến của quân Nga, hoặc muốn đánh bại Nga, thì việc viện trợ của phương Tây cho Kiev phải tiếp tục là “điều kiện tiên quyết”, bà Sine Ozkarasahin, một nhà phân tích an ninh và quốc phòng có trụ sở tại Istanbul, nói với Anadolu.


Đề cập đến việc Ukraine vẫn đang thiếu hụt đạn dược, chẳng hạn như đạn pháo 155 mm, bà Ozkarasahin cho biết, các sáng kiến về hỗ trợ đạn pháo cho Ukraine từ các nước châu Âu như Estonia và Cộng hòa Séc có thể tạo ra sự khác biệt lớn. “Tuy nhiên, thời điểm giao hàng cũng rất quan trọng”, nhà phân tích cho biết.


Không có cơ hội chiến thắng


Các nhà chức trách ở Kiev, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã đổ lỗi cho việc viện trợ quân sự chậm trễ khiến nhiều người Ukraine thiệt mạng trong các cuộc không kích gần đây của Nga.


Ông Zelensky, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với chương trình tin tức truyền hình buổi tối PBS NewsHour của Mỹ công bố hôm 15/4, cho biết vì “hết tên lửa” mà các lực lượng của ông đã thất bại trong việc bảo vệ nhà máy nhiệt điện Trypilska, đơn vị cung cấp điện lớn nhất cho vùng Kiev. Nhà máy này đã trúng đòn tấn công của các lực lượng Nga hôm 11/4.


Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nói về sự hỗ trợ của Mỹ và các nước NATO dành cho Israel trong bối cảnh nhà nước Do Thái đương đầu với cuộc tấn công trả đũa của Iran hồi cuối tuần qua, trong khi viện trợ cho Kiev bị “tắc” ở Quốc hội Mỹ.


“Tôi có thể nói thẳng với các vị rằng nếu không có sự hỗ trợ này, chúng tôi sẽ không có cơ hội chiến thắng”, Tổng thống Zelensky thừa nhận, đồng thời cho biết Ukraine đang bị lép vế về hỏa lực so với Nga, với tỉ lệ 1:10. “Để bảo vệ 100% những gì chúng tôi đang kiểm soát, chúng tôi cần tỉ lệ ngang bằng là 10-10”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiểm tra vũ khí và thiết bị ở Kiev, trong bối cảnh xung đột quân sự với Nga vẫn diễn ra gay gắt, tháng 4/2024. Ảnh: The Guardian


Còn ở nước Mỹ, Giám đốc CIA William Burns hôm 18/4 thừa nhận rằng nếu không có hỗ trợ quân sự từ Mỹ, Ukraine có thể gặp phải những thất bại đáng kể trong cuộc chiến với Nga.


Người Ukraine “đang ở thời điểm khó khăn trên chiến trường”, ông Burns nói trong phiên hỏi đáp tại Diễn đàn Lãnh đạo của Trung tâm Bush ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas.


Với sự hỗ trợ bổ sung từ Mỹ, ông Burns cho biết, các lực lượng Ukraine “có thể tự đứng vững trên chiến trường vào năm 2024 và tiếp tục gây thiệt hại bằng các cuộc tấn công sâu hơn ở Crimea… và chống lại hạm đội Biển Đen”.


“Với sự thúc đẩy đến từ hỗ trợ quân sự, cả về mặt thực tế và tâm lý... người Ukraine hoàn toàn có khả năng tự cầm cự cho đến hết năm 2024… Nếu không có sự hỗ trợ bổ sung, bức tranh sẽ trở nên thảm khốc hơn rất nhiều”, người đứng đầu CIA bổ sung .


Minh Đức (Theo Anadolu, PBS, CBS News)

Chia sẻ Facebook