Nga tổ chức trưng cầu dân ý, Ukraine tái chiếm thêm lãnh thổ ở Donetsk

Chia sẻ Facebook
24/09/2022 16:58:47

Ukraine tuyên bố tình hình “khó khăn nhưng trong tầm kiểm soát”, trong khi Nga đang tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý.

Quân đội Ukraine tuyên bố đã tái chiếm một khu định cư khác ở khu vực Donetsk theo sau nỗ lực tiếp tục tấn công ở khu vực nơi các vùng Donetsk, Kharkiv và Luhansk gặp nhau.

Theo ông Oleksii Hromov, Phó cục trưởng Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, sau các hành động tấn công quân sự, ngôi làng Yatskivka ở vùng Donetsk đã về tay người Ukraine.

Làng Yatskivka ở phía Đông của sông Oskil. Các khu vực rộng lớn ở phía Tây con sông, bao gồm cả thành phố Izyum, trước đó đã nằm dưới quyền kiểm soát của quân Ukraine theo sau một cuộc phản công bất ngờ và chớp nhoáng hồi đầu tháng.

Xa hơn về phía nam xung quanh Bakhmut, tình hình được đánh giá là “khó khăn nhưng trong tầm kiểm soát”, ông Hromov thông tin trong một cuộc họp ở Kiev hôm 23/9, cho biết thêm rằng Nga tiếp tục các hành động tấn công nhằm đánh bật các đơn vị của Ukraine khỏi các vị trí xung quanh Bakhmut và những nơi khác dọc theo chiến tuyến ở Donetsk.

Binh sĩ Ukraine trong một nhiệm vụ ở mặt trận Kherson, ngày 21/9/2022. Ảnh: NYT

Quân đội Ukraine đã củng cố các vị trí của họ xung quanh Bakhmut, nơi đã bị bao vây trong vài tháng, ông Hromov cho biết.

“Nhờ sự tập hợp kịp thời của các đơn vị thuộc một trong các lữ đoàn cơ giới hóa và sự tổ chức chiến đấu chất lượng cao, chúng tôi đã khôi phục được vị trí đã mất trước đó và đảm bảo quyền kiểm soát các vị trí ở phía nam tới Bakhmut”, vị quan chức quân đội Ukraine thông tin thêm.

Ở những nơi khác thuộc tỉnh Donetsk ở miền Đông, gần Avdiivka và Novopavlivka, các lực lượng Nga đang tiến hành các hành động tấn công với mục tiêu chiếm các khu định cư Nevirske và Novomykhailivka, ông Hromov lưu ý.


Moscow “không đe dọa bất kỳ ai bằng vũ khí hạt nhân”

Đó là tuyên bố hôm 23/9 của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định rằng bất kỳ cuộc đối đầu nào với NATO và Mỹ đều không nằm trong lợi ích của Điện Kremlin.

“Các tiêu chí sử dụng chúng (vũ khí hạt nhân) đều được nêu trong học thuyết quân sự của Nga”, ông Ryabkov bổ sung.

Trước đó, các quan chức Nga, bao gồm cả cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, cho biết một khi các vùng lãnh thổ được sáp nhập vào Nga, bất kỳ cuộc tấn công nào của lực lượng Ukraine vào các khu vực này sẽ được coi là một cuộc tấn công nhằm vào Nga.

Theo học thuyết hạt nhân của Nga, vũ khí hạt nhân sẽ được phép sử dụng nếu Moscow cảm thấy sự tồn tại của đất nước bị đe dọa.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ryabkov khẳng định Nga không tìm kiếm “cuộc đối đầu công khai” với Mỹ hay liên minh quân sự NATO và không muốn tình hình leo thang hơn nữa.

“Chúng tôi hy vọng chính quyền Tổng thống Biden cũng nhận thức được nguy cơ leo thang không kiểm soát được của cuộc xung đột ở Ukraine”, ông Ryabkov nói.

Trong các bình luận có liên quan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với CNN hôm 23/9 rằng Nga biết sẽ có “hậu quả nghiêm trọng” nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng ở Ukraine.

“Họ biết rằng sẽ có những hậu quả nặng nề. Tôi sẽ không nói rõ chính xác chúng ta sẽ phản ứng như thế nào, điều đó phụ thuộc vào loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà họ có thể sử dụng”, ông Stoltenberg nói.

Trước đó, trong một bài phát biểu hôm 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã một lần nữa nói về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

Một người Nga được gọi tham gia quân dịch hôn tạm biệt bạn gái trước khi lên xe buýt để đến Quân khu miền Đông, ở Yakutsk, Nga. Ảnh: The Guardian


Các cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức trở thành tâm điểm

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố thế giới sẽ lên án “các cuộc trưng cầu dân ý giả” được tổ chức tại các khu vực của Ukraine do Nga kiểm soát.

“Thế giới sẽ phản ứng hoàn toàn chính đáng với các cuộc trưng cầu dân ý giả - chúng sẽ bị lên án một cách dứt khoát”, ông Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 23/9.

Ông cũng yêu cầu những người Ukraine sống trong các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát hãy trốn lệnh điều động của Nga. Trong trường hợp họ phải đầu quân cho quân đội Nga, Tổng thống Zelenskyy kêu gọi họ thực hiện các hành động phá hoại ngay trong hàng ngũ của đối phương và góp sức giải phóng Ukraine.

Hôm 23/9, các nhà lãnh đạo G7 đã ra tuyên bố lên án các cuộc trưng cầu dân ý trên.

Theo tuyên bố của G7, Nga đang cố tạo ra một cái cớ giả để thay đổi tình trạng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine, và họ "sẽ không bao giờ công nhận" kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý như vậy.

Tuyên bố cũng cho biết, G7 sẵn sàng áp đặt thêm các trừng phạt đối với Nga, cũng như đối với các cá nhân và thực thể cung cấp hỗ trợ chính trị hoặc kinh tế cho các nỗ lực của Nga nhằm thay đổi hiện trạng lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Nga sẽ phải trả giá “nhanh chóng và nghiêm trọng” nếu Moscow sử dụng các cuộc trưng cầu dân ý “giả tạo” để sáp nhập thêm lãnh thổ của Ukraine.

“Các cuộc trưng cầu dân ý của Nga là một sự giả tạo - một cái cớ giả để cố gắng thôn tính các phần của Ukraine bằng vũ lực, vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế”, ông Biden cho biết trong một tuyên bố hôm 23/9. “Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để áp đặt thêm trừng phạt kinh tế nhanh chóng và nghiêm khắc đối với Nga”.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, Mỹ đã sẵn sàng để áp dụng các hình phạt kinh tế bổ sung đối với Nga, trong bước đi phối hợp với các đồng minh, nếu Moscow cố gắng sáp nhập thêm lãnh thổ Ukraine.

Ukraine và phương Tây đã mô tả cuộc bỏ phiếu do Nga tổ chức là một “trò giả tạo”. Các cuộc trưng cầu dân ý đó diễn ra ở các vùng Luhansk, Kherson, Zaporizhzhia và Donetsk trong 5 ngày, từ ngày 23/9 đến 27/9, trong bối cảnh chiến sự vẫn nóng bỏng.

Các cuộc thăm dò sẽ mở từ 8h đến 16h giờ địa phương (12h đến 20h giờ Hà Nội) ở Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson, trong khi thời gian kết thúc sẽ là 20h (0h giờ Hà Nội) ở Donetsk.

Công nhân xây dựng xếp hàng bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý tại một điểm bỏ phiếu di động ở Mariupol, ngày 23/9/2022. Ảnh: TRT World

Người dân thành phố Luhansk, miền Đông Ukraine, bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý do chính quyền thân Nga tổ chức, ngày 23/9/2022. Ảnh: Shutterstock

Vì lý do an ninh, các cuộc bỏ phiếu trực tiếp sẽ chỉ diễn ra vào ngày cuối cùng, ngày 27/9, trong khi những ngày trước đó, các cuộc bỏ phiếu được tổ chức tại các cộng đồng và được tiến hành từ nhà này sang nhà khác, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.

Trong một video được đăng trên kênh Telegram của mình hôm 23/9, thủ lĩnh phe ly khai thân Nga ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Denis Pushilin, gọi các cuộc bỏ phiếu là “mang tính quyết định” và là một “bước đột phá thành một thực tế mới”.

Các hãng thông tấn Nga đưa tin rằng, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong ngày đầu tiên dao động từ 15% đến 24% tùy thuộc vào khu vực: 15% ở Kherson, 20% ở Zaporizhzhia, 22% ở Luhansk và 24% ở Donetsk.

Các cuộc trưng cầu dân ý trên được tổ chức theo sau sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tổng động viên quân sự một phần, có thể bổ sung thêm 300.000 lính nghĩa vụ Nga tham gia vào chiến dịch của Moscow ở Ukraine.


Nga nêu các trường hợp được miễn trừ quân dịch

Một số chuyên gia công nghệ Nga, chủ ngân hàng và nhà báo tại các cơ quan truyền thông nhà nước sẽ không được điều động đến Ukraine phục vụ trong kế hoạch tổng động viên một phần của Nga, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 23/9.


Trước đó, hôm 21/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, Nga sẽ điều động thêm khoảng 300.000 quân cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng, phần nội dung của sắc lệnh chính thức thông báo về việc tổng động viên một phần, bao gồm số lượng người được điều động, đã được giữ bí mật và không được công bố.

Một người dân địa phương niêm phong hòm phiếu tại một điểm bỏ phiếu di động ở Donetsk. Ảnh: DW

Ukraine tuyên bố bắn hạ 8 UAV do Iran sản xuất trên chiến trường

Ukraine hôm 23/9 cho biết họ sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, cáo buộc Tehran cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho các lực lượng Nga, một động thái mà Tổng thống Volodymyr Zelenskyy gọi là “sự hợp tác với cái ác”.

Ông Zelenskyy cho biết, tổng cộng 8 UAV do Iran sản xuất đã bị bắn hạ cho đến nay trong cuộc xung đột.

Ukraine và Mỹ cáo buộc Iran cung cấp UAV tấn công cảm tử cho Nga, một cáo buộc mà Tehran đã phủ nhận.


“Hôm nay quân đội Nga đã sử dụng UAV của Iran cho các cuộc tấn công của họ... Thế giới sẽ biết về mọi trường hợp hợp tác với cái ác và nó sẽ nhận được hậu quả tương ứng”, ông Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 23/9.

Các nhà chức trách quân sự ở miền Nam Ukraine cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã bắn rơi 4 UAV Shahed-136 “kamikaze” trên vùng biển gần cảng Odessa hôm 23/9.

Trong một diễn biến khác, Không quân Ukraine cho biết lần đầu tiên họ đã hạ được Mohajer-6, một UAV lớn hơn của Iran, Tờ Ukrainska Pravda đưa tin.

Bộ Ngoại giao Ukraine trước đó cho biết việc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga đã giáng một đòn mạnh vào quan hệ song phương giữa Kiev và Tehran.


“Trước một hành động thiếu thân thiện như vậy, phía Ukraine đã quyết định tước quyền công nhận của Đại sứ Iran và cũng cắt giảm đáng kể số lượng nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Iran tại Kiev”, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết trên trang web của mình .


Minh Đức (Theo Reuters, CNN, Anadolu Agency, DW)

Chia sẻ Facebook