Nga thông qua luật cấm ‘tuyên truyền LGBT’; Ronaldo lập kỷ lục ghi bàn tại 5 kỳ World Cup
Nga thông qua luật cấm ‘tuyên truyền LGBT’ cho người lớn; Moscow tuyên bố không bán dầu, khí đốt cho các quốc gia áp giá trần; Ukraine có thể “chấm dứt đau khổ cho người dân”, nếu thuận theo Nga: Điện Kremlin nói; Elon Musk: Twitter phải làm rõ việc kiểm duyệt câu chuyện máy tính xách tay Hunter Biden của New York Post; Các nhà lãnh đạo tôn giáo Canada lên tiếng phản đối chính sách trợ tử “suy đồi về mặt đạo đức”; Iran bắt giữ cầu thủ bóng đá vì “tuyên truyền chống chính phủ”; Ronaldo lập kỷ lục, trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại 5 kỳ World Cup … là những tin tức nổi bật trong Bản tin sáng 25/11 của Trí Thức VN.
Hạ viện Nga thông qua luật cấm ‘tuyên truyền LGBT’ cho người lớn
Duma Quốc gia Nga hôm thứ Năm đã bỏ phiếu thông qua dự luật mở rộng về việc cấm “tuyên truyền LGBT” cho người lớn. Trước đây, luật chỉ cấm quảng bá lối sống LGBT nhắm vào trẻ em.
Theo luật mới, vẫn cần sự chấp thuận của Hội đồng Liên bang và Tổng thống Vladimir Putin, bất kỳ hành động hoặc thông tin nào được coi là nỗ lực thúc đẩy “quan hệ tình dục phi truyền thống” – dù ở nơi công cộng, trên internet hay trong phim ảnh, sách hay quảng cáo – đều có thể bị phạt nặng.
Các cá nhân có thể bị phạt tới 400.000 rúp (6.600 USD) và các tổ chức phạt 5 triệu rúp (82.100 USD) nếu tuyên truyền nội dung đồng tính luyến ái. Người nước ngoài có thể phải đối mặt với tạm giữ hành chính 15 ngày và trục xuất sau đó.
Ứng dụng TikTok của Trung Quốc đã bị phạt 3 triệu rúp vào tháng trước vì quảng cáo “video có chủ đề LGBT”. Cơ quan quản lý truyền thông của Nga cũng yêu cầu các nhà xuất bản xem xét việc thu hồi tất cả sách có nội dung “tuyên truyền LGBT”.
Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Nga Putin đã cáo buộc [cánh tả] phương Tây đang “tiến tới chủ nghĩa Satan cởi mở”, lấy ví dụ về việc thúc đẩy đồng tính và chuyển giới ở châu Âu.
Ông Putin nói: “Chúng ta có thực sự muốn những hành vi biến thái dẫn đến sa đọa và tuyệt chủng áp đặt lên con cái chúng ta từ khi còn học tiểu học không? Truyền bá tư tưởng cho chúng rằng ngoài nam và nữ ra thì vẫn còn giới tính khác, đồng thời cung cấp phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho chúng? Chúng ta hy vọng quốc gia của chúng ta và con cái của chúng ta đều như thế này ư?”
Nga tuyên bố không bán dầu, khí đốt cho các quốc gia áp giá trần
Điện Kremlin cho biết Nga không có kế hoạch cung cấp dầu và khí đốt cho các quốc gia ủng hộ áp giá trần đối với dầu của Nga, nhưng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi phân tích tất cả các số liệu.
Trong phỏng vấn hàng ngày với các phóng viên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Hiện tại, chúng tôi ủng hộ quan điểm của Tổng thống (Vladimir) Putin rằng chúng tôi sẽ không cung cấp dầu và khí đốt cho các quốc gia sẽ áp đặt (mức trần) và tham gia mức trần”.
“Châu Âu vẫn có những cuộc thảo luận rất khó hiểu về mức giá trần này. Có cảm giác như họ chỉ đang cố đưa ra quyết định, không phải để có hiệu lực, mà chỉ để thể hiện rằng giới hạn đã được đưa ra”, ông Peskov nói thêm. “Nhưng chúng tôi cần phân tích mọi thứ trước khi đưa ra lập trường của mình.”
Các nước G7 hiện đang cân nhắc mức trần đối với dầu được vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 65 đến 70 USD/thùng.
Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12, theo đó cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ và đồng minh vạch lộ trình cụ thể cho biện pháp áp trần giá dầu Nga.
Ông Dmitry Medvedev khẳng định Nga không cạn vũ khí
Sau 9 tháng chiến sự, các nhà quan sát và truyền thông phương Tây nhiều lần nhận định rằng kho vũ khí Nga, trong đó có tên lửa dẫn đường, sắp cạn kiệt do tần suất sử dụng cao. Moscow mới đây lại bác bỏ các tuyên bố này.
“Đối phương tiếp tục cẩn thận đếm kho dự trữ khí tài của chúng ta. Đáng lẽ họ nên hiểu rằng hy vọng Nga cạn vũ khí là vô nghĩa,” Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết trên Telegram hôm 23/11. Quan chức Nga hồi tháng trước cũng khẳng định Moscow đang tăng cường tốc độ sản xuất vũ khí và sẽ cải thiện đáng kể kho khí tài.
Tổng thống Ukraine Zelensky mới đây nói rằng, Moscow đã sử dụng hơn 4.700 quả tên lửa kể từ khi chiến sự bùng phát hồi tháng 2; riêng trong ngày 23/11, Nga đã phóng khoảng 70 tên lửa sang lãnh thổ Ukraine.
Điện Kremlin: Ukraine có thể “chấm dứt sự đau khổ cho người dân”, nếu thuận theo yêu cầu của Nga
Điện Kremlin hôm thứ Năm đã phủ nhận các cuộc tấn công vào mạng lưới điện của Ukraine là nhằm vào dân thường; đồng thời cho rằng Kyiv có thể “chấm dứt sự đau khổ” của người dân bằng cách đáp ứng các yêu cầu của Nga để ngừng chiến sự.
Các cuộc tấn công tên lửa liên tiếp của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng điện trên khắp Ukraine trong những tuần qua đã buộc hàng triệu người dân Ukraine phải sống trong cảnh thiếu điện, nước và sưởi ấm trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày, trong lúc nhiệt độ ngoài trời giảm xuống dưới mức đóng băng, theo Reuters.
Tuy nhiên người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Nga chỉ nhằm vào các mục tiêu liên quan đến quân sự chứ không phải các mục tiêu xã hội.
“Đối với các mục tiêu có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tiềm lực quân sự, chúng sẽ là đối tượng bị tấn công” , ông Peskov nói.
“Giới lãnh đạo Ukraine có mọi cơ hội để đưa tình hình trở lại bình thường, có mọi cơ hội để giải quyết tình hình theo cách đáp ứng các yêu cầu của phía Nga và theo đó, chấm dứt mọi đau khổ có thể xảy ra đối với dân thường,” Ông Peskov nói thêm, theo hãng TASS.
Trước đây, Nga đã nêu các điều kiện với Ukraine để ngừng chiến sự, gồm: Ukraine phải “phi quân sự hóa” và phi phát xít hóa”, công nhận hai vùng ly khai ở miền đông là Donetsk và Lugansk, từ bỏ yêu cầu lấy lại bán đảo Crimea, cam kết duy trì trạng thái trung lập, không gia nhập các khối chống Nga, cụ thể là NATO.
Twitter phải làm rõ việc kiểm duyệt câu chuyện máy tính xách tay Hunter Biden của New York Post: Elon Musk
Tỷ phú Elon Musk khẳng định rằng, việc tiết lộ đầy đủ quyết định của Twitter về việc kiểm duyệt câu chuyện độc quyền của New York Post về chiếc máy tính xách tay khét tiếng của Hunter Biden là “cần thiết” để khôi phục lòng tin của công chúng đối với gã khổng lồ truyền thông xã hội.
Ông Musk đã thể hiện rõ quan điểm của mình vào cuối ngày thứ Tư (giờ Mỹ), khi trả lời một người dùng Twitter hỏi rằng, liệu thông tin liên lạc nội bộ dẫn đến quyết định kiểm duyệt có nên được công bố hay không?
“Hãy giơ tay nếu bạn nghĩ rằng @ElonMusk nên công khai tất cả các cuộc thảo luận nội bộ về quyết định kiểm duyệt câu chuyện của @NYPost về chiếc laptop của Hunter Biden trước Cuộc bầu cử năm 2020 vì lợi ích của sự minh bạch,” người dùng tweet.
CEO mới của Twitter đã nhanh chóng phản hồi: “Điều này là cần thiết để khôi phục lòng tin của công chúng.”
This is necessary to restore public trust
— Elon Musk (@elonmusk) November 24, 2022
Dòng tweet của Musk đã được tweet lại hơn 13.600 lần và đã nhận được hơn 170.000 lượt thích vào sáng thứ 6 (giờ VN).
Vào tháng 10 năm 2020, Twitter đã khóa tài khoản của New York Post sau khi tờ báo này phanh phui câu chuyện về các email được tìm thấy trên một chiếc laptop được cho là của Hunter, con trai của Tổng thống Joe Biden.
Theo New York Post, những email đó cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa Joe Biden, ứng cử viên tổng thống khi đó với các giao dịch kinh doanh đáng ngờ của con trai ông ở Trung Quốc và Ukraine. Ngay sau khi câu chuyện được xuất bản, Twitter đã cấm người dùng chia sẻ báo cáo này.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo Canada lên tiếng phản đối chính sách trợ tử ‘suy đồi về mặt đạo đức’
Các nhà lãnh đạo tôn giáo trên khắp Canada đang chỉ trích một luật liên bang mới cho phép người Canada bị bệnh tâm thần được chết với tốc độ đáng kinh ngạc — chỉ 90 ngày sau khi bác sĩ chấp thuận yêu cầu trợ tử.
“Tháng 3 tới, trừ khi chính phủ buộc phải thay đổi quyết định, những người chỉ mắc bệnh tâm thần sẽ đủ điều kiện để được trợ tử,” Tổng Giám mục Vancouver J. Michael Miller cho biết trong một bài giảng vào tháng trước.
Giám mục Miller, người đã gọi luật này là “suy đồi về mặt đạo đức”, lập luận rằng Canada đã tiến quá nhanh trong việc mở rộng khả năng tiếp cận MAID trong những năm gần đây.
Canada đã hợp pháp hóa trợ tử, mà họ thích gọi bằng uyển ngữ Hỗ trợ y tế khi hấp hối (MAID), vào năm 2016. Trợ tử ban đầu chỉ giới hạn ở những bệnh nhân trên 18 tuổi mắc bệnh nan y — nhưng các tiêu chuẩn đã được nới lỏng không ngừng qua từng năm.
Ông Milley nói: “Trong sáu năm, Canada đã đi từ chỗ cấm hoàn toàn an tử (cái chết êm dịu) đến một trong những chế độ [cho phép] chết êm dịu dễ dãi nhất trên thế giới.”
Việc hợp pháp hóa trợ tử chủ động đã gây tranh cãi trên khắp thế giới; hiện chỉ có bảy quốc gia cho phép thực hiện, bao gồm: Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Columbia, Canada, Tây Ban Nha và New Zealand.
Foxconn xin lỗi vì tranh chấp tiền lương tại nhà máy Iphone Trịnh Châu
Công ty lắp ráp iPhone của Apple Inc. hôm thứ Năm đã lên tiếng xin lỗi về một “tranh chấp về tiền lương” đã gây ra các cuộc biểu tình của nhân viên tại một nhà máy ở thành phố Trịnh Châu, miền Trung Trung Quốc.
Các nhân viên mới của Foxconn cho rằng họ bị lừa nên biểu tình bảo vệ quyền lợi; hoạt động này đã bị cảnh sát trấn áp, nhiều nhân viên đã bị cảnh sát và những người mặc đồ bảo hộ đánh đổ máu.
Trong loạt video được đăng tải trên Weibo và Twitter, một số công nhân hô lên “trả lương cho chúng tôi” hay phàn nàn rằng họ bị buộc phải ở chung ký túc xá với những đồng nghiệp đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán.
Từ cuối tháng 10, nhà máy Foxconn ráp iPhone lớn nhất thế giới đặt tại Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã xảy ra tình trạng lây nhiễm COVID-19 trên diện rộng. Sau đó một lượng lớn công nhân đã tháo chạy khỏi nhà máy dẫn đến tình trạng thiếu nhân công.
Nhà chức trách tại nhiều hương trấn tỉnh Hà Nam được lãnh đạo tỉnh yêu cầu hỗ trợ Foxconn tuyển dụng lao động, ra chỉ tiêu cụ thể cho các nơi. Những tin đồn cho hay rằng cuối cùng đã tuyển dụng được 100.000 nhân viên mới. Tuy nhiên gần đây, những người mới được tuyển cũng lại chịu cảnh bị phong tỏa vì COVID-19, khiến họ như muốn phát điên.
Xem thêm video: Bạo lực nổ ra tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại Trịnh Châu, Trung Quốc
Iran bắt giữ cầu thủ bóng đá vì “tuyên truyền chống chính phủ”
Cựu tuyển thủ quốc gia Iran Voria Ghafouri đã bị bắt với cáo buộc “xúc phạm đội tuyển bóng đá quốc gia và tuyên truyền chống chính phủ”.
Hậu vệ Ghafouri, 35 tuổi, đã bị lực lượng an ninh Iran bắt ngay sau buổi tập với câu lạc bộ Foolad Khuzestan. Ghafouri có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia Iran dự World Cup 2018 ở Nga, nhưng không xuất hiện trong đội hình thi đấu tại World Cup 2022.
Ghafouri đã thẳng thắn chỉ trích chính quyền Iran trong suốt sự nghiệp của mình, phản đối lệnh cấm đối với khán giả nữ tại các trận đấu bóng đá nam, cũng như chính sách đối ngoại đối đầu của Tê-hê-ran với phương Tây.
Gần đây hơn, Ghafouri đã bày tỏ ủng hộ với các cuộc biểu tình lan rộng ở Iran, sau cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi. Cô Amini đã chết sau thời gian bị cảnh sát Iran giam giữ vì mang khăn trùm hijab không phù hợp luật Hồi giáo.
Tại Qatar, các thành viên của đội tuyển Iran đã từ chối hát quốc ca trước trận đấu mở màn với tuyển Anh để bày tỏ ủng hộ với sự phản kháng trong nước.
Ronaldo lập kỷ lục, trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại 5 kỳ World Cup
Cristiano Ronaldo đã trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại 5 kỳ World Cup khác nhau, với pha lập công vào lưới Ghana sáng 25-11 từ chấm phạt đền ở phút 65.
Tại 4 kỳ World Cup trước đó, Ronaldo đều ghi bàn.
Anh có 1 bàn vào lưới Iran năm 2006, 1 bàn vào lưới Triều Tiên năm 2010, 1 bàn vào lưới Ghana năm 2014. Tại kỳ World Cup 2018 ở Nga, Ronaldo đã ghi 3 bàn vào lưới Tây Ban Nha và 1 bàn vào lưới Morocco.
Sau trận thắng sát nút 3-2 của Bồ Đào Nha trước Ghana, Ronaldo cũng được trao danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu”.
Thiện Chính