Nga sẵn sàng mở đường cho xuất khẩu thực phẩm từ Ukraine để dỡ bỏ một số cấm vận
Ngày 25-5, Hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko cho biết Nga sẵn sàng cung cấp hành lang nhân đạo cho các tàu chở thực phẩm rời Ukraine để đổi lấy việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.
Các cảng ở Biển Đen của Ukraine đã bị phong tỏa kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" hồi cuối tháng 2. Hơn 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các kho chứa ở nước này vì chiến sự.
Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu. Việc thiếu lượng ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng của Ukraine đang khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày một trầm trọng.
Ukraine cũng là một trong những nước xuất khẩu ngô (bắp) và dầu hướng dương lớn nhất thế giới.
Các cường quốc phương Tây đang thảo luận về ý tưởng thiết lập "hành lang an toàn" cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine, đồng thời nói thêm bất kỳ hành lang nào như thế đều cần có sự đồng ý của Nga.
Phát biểu ngày 25-5, ông Rudenko cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện liên quan tới vấn đề trên.
"Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng về điểm này, rằng một giải pháp cho vấn đề lương thực đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu và giao dịch tài chính của Nga", ông Rudenko nói.
Đồng thời "yêu cầu phía Ukraine rà phá bom mìn ở tất cả các cảng nơi tàu neo đậu. Và "Nga sẵn sàng cung cấp hành lang nhân đạo cần thiết".
Theo Hãng tin RIA, ông Rudenko cho biết Nga đang liên hệ với Liên Hiệp Quốc để thảo luận vấn đề này.
Đến nay, cả Nga và Ukraine đều cáo buộc đối phương đặt mìn rải rác khu vực Biển Đen.
Theo Interfax, ông Rudenko cho rằng việc các tàu phương Tây hộ tống tàu chở ngũ cốc của Ukraine sẽ "làm trầm trọng thêm tình hình ở Biển Đen".
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo cảng nước nông Mariupol trên Biển Azov đang hoạt động bình thường sau khi lực lượng Nga hoàn thành việc gỡ mìn ở đó.
Giá lúa mì tăng lên mức kỷ lục trong 2 tháng qua khi các nhà sản xuất lớn như Nga, Kazakhstan và Ấn Độ ngưng xuất khẩu để bảo vệ thị trường nội địa. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng mất an ninh lương thực.