Nga nói vàng không phải là mặt hàng xuất khẩu sinh lợi thứ 2

Chia sẻ Facebook
29/06/2022 21:06:07

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi cấm vận vàng của Nga vì đây là mặt hàng xuất khẩu sinh lợi thứ hai của Matxcơva. Tuy nhiên, phía Nga nói thông tin này không chính xác.

Mỹ, Anh, Canada và Nhật Bản nhất trí với lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga - Ảnh: SPUTNIK


Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 tại Munich (Đức), ngày 26-6, 4 quốc gia Mỹ, Anh, Canada và Nhật Bản nhất trí với lệnh cấm nhập khẩu vàng của Nga.


Nói với Đài CNN , N goại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng lệnh cấm vận đối với xuất khẩu vàng của Nga sẽ tước đi khoảng 19 tỉ USD doanh thu hằng năm của Matxcơva. Mỹ cũng dự đoán tác động của lệnh cấm này đối với nền kinh tế Nga sẽ được thấy rõ trong năm 2023.

Theo ông Blinken, vàng là mặt hàng xuất khẩu sinh lợi thứ hai mà Nga có sau năng lượng, và phần lớn lượng xuất khẩu này đến các nước G7.

Trong khi đó, theo Đài truyền hình nhà nước Nga Russia Today (RT), tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken không chính xác. Trên thực tế, mặt hàng xuất khẩu có giá trị thứ hai của Nga là thực phẩm.

Phía Nga cho biết doanh thu từ việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của nước này đạt hơn 37 tỉ USD vào năm 2021.

RT nhận định ngay cả khi bị các nước G7 cấm vận, Nga vẫn có lựa chọn bán vàng của mình cho các nhà tinh chế hoặc tìm kiếm những người mua mới ở Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Trung Đông, như đã từng làm với nhiên liệu hóa thạch.

Vẫn chưa rõ liệu các quốc gia G7 còn lại có ký vào lệnh cấm vận vàng của Nga hay không.

Hôm 26-6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết Liên minh châu Âu (EU) trước tiên cần xác định xem liệu động thái "nhắm mục tiêu vào vàng có thực sự ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga không, chứ không phải lại tác dụng ngược vào chính chúng ta".

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói lệnh cấm vàng sẽ áp đặt "những chi phí chưa từng có đối với Tổng thống Nga Putin". Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tuyên bố rằng lệnh cấm này sẽ "tấn công” vào nền kinh tế Nga, nơi đổ tiền vào chiến sự ở Ukraine.


Tuy nhiên, bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga lại báo cáo lợi nhuận kỷ lục từ việc bán dầu và khí đốt. Đồng thời, đồng rúp của Nga hiện đang ở mức cao nhất trong 7 năm so với đồng USD và đồng euro, t rong khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm ở EU và Mỹ. Người dân ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang phải trả giá nhiên liệu cao kỷ lục.

Mặc dù đã đồng ý về lệnh cấm vận dầu của Nga vào tháng 5, EU đã nhập khẩu nhiều dầu thô của Nga hơn bất kỳ thời điểm nào trong 2 tháng qua, theo RT.

Vương quốc Anh cho biết 4 thành viên của nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga.

Chia sẻ Facebook