Nga nói không quốc hữu hóa doanh nghiệp nước ngoài
Bộ trưởng Thương mại và công nghiệp Denis Manturov tuyên bố Matxcơva không quan tâm đến việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Nga, một động thái nhằm trấn an các lo ngại mấy tháng qua.
"Chúng tôi không quan tâm tới việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp hay loại bỏ họ. Chúa cấm điều đó", Bộ trưởng Manturov nêu vấn đề tại Duma quốc gia (Hạ viện Nga ) ngày 15-7.
Nhiều công ty phương Tây và các công ty nước ngoài khác đã quyết định rời khỏi Nga sau khi nước này đưa quân vào Ukraine hồi cuối tháng 2-2022.
Tuyên bố không quốc hữu hóa có thể nhằm trấn an những doanh nghiệp nước ngoài còn đang hoạt động ở Nga, Hãng tin Reuters nhận định.
Bộ trưởng Manturov nhấn mạnh điều mà chính quyền Nga muốn với các công ty nước ngoài là mối quan hệ hai bên đều thấy thoải mái và cùng có lợi.
Hồi tháng 5 rồi, Duma quốc gia Nga đã thông qua một dự luật cho phép nhà nước kiểm soát một doanh nghiệp nếu đối tác nước ngoài "rút khỏi Nga đột ngột". Các nhà lập pháp Nga khi đó lập luận đây là hành động cần thiết để bảo vệ việc làm của người Nga và đảm bảo quyền lợi của họ, trong đó có việc tiếp tục được trả lương khi làm việc.
Tuy nhiên kể từ đó cho đến nay, dự luật vẫn chưa có bước tiến triển nào khác hay có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Vladimir Putin sắp sửa ký ban hành nó.
Bản thân Tổng thống Putin cũng đã có một số động thái với các doanh nghiệp nước ngoài.
Chẳng hạn ngày 30-6, ông ký sắc lệnh để nhà nước kiểm soát hoàn toàn dự án dầu khí Sakhalin-2, một động thái bất lợi cho các tập đoàn Shell, Mitsui 8301 và Mitsubishi của Nhật Bản.
Các công ty quyết định rời khỏi Nga đã phải chật vật trước bài toán làm thế nào để hạn chế tác động tài chính, bảo vệ việc làm của nhân viên Nga và trong một số trường hợp là chừa đường quay trở lại Nga.
Trong bối cảnh đó, các tập đoàn phương Tây gồm Nike và Cisco đã tăng tốc việc chuẩn bị rời khỏi Nga do lo ngại dự luật "quốc hữu hóa" sắp được thông qua.
"Chúng tôi luôn cố gắng tìm kiếm sự cân bằng lợi ích. Cho đến nay, chưa có trường hợp nào đóng sầm cửa rồi bỏ đi", ông Manturov nói với các nhà lập pháp.
Ngày 14-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi áp dụng mức giá trần cho dầu của Nga, lập luận rằng điều này sẽ giúp giảm lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua.