Nga nỗ lực nội địa hóa ngành hàng không
Hơn nửa năm qua ngành hàng không Nga đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
Một phần lớn của phi đội hơn một nghìn máy bay của các hãng hàng không Nga là các máy bay từ các nhà sản xuất phương Tây như Boeing và Airbus. Một trong những câu chuyện được báo chí Nga quan tâm lúc này là sự nỗ lực của ngành hàng không Nga trên hành trình "thay thế nhập khẩu".
Sẽ không còn Boeing và Airbus, ngành công nghiệp hàng không Nga đang thể hiện quyết tâm thay đổi triệt để phi đội máy bay thương mại nước ngoài.
Một thương vụ kỷ lục giữa Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất, công ty con của Tập đoàn công nghệ Nga Rostec và Hãng hàng không Aeroflot vừa được ký kết. Theo đó, Aeroflot sẽ được chuyển giao trên cơ sở thuê lại 339 máy bay do Tập đoàn này sản xuất từ năm 2023 đến năm 2030.
Ông Sergey Chemezov - Giám đốc điều hành Rostec cho biết, MS-21, SSJ-New và Tu-214 là những máy bay được sản xuất trong nước sẽ thay thế các máy bay Boeing và Airbus của nước ngoài. Tất cả các máy bay sẽ được cung cấp dưới dạng thay thế nhập khẩu với các hệ thống và tổ hợp do Nga sản xuất.
Theo Bộ Giao thông Vận tải Liên bang Nga, đội máy bay của các hãng hàng không Nga vận chuyển thương mại vào thời điểm tháng 4/2022 có 1.287 chiếc, trong đó 1.101 chiếc chở khách. Tỷ trọng máy bay do nước ngoài sản xuất là hơn 67%. Ngành hàng không Nga đang được giao nhiệm vụ tăng thị phần của máy bay nội địa từ 33% hiện nay lên 81%.
Theo Chương trình toàn diện phát triển ngành vận tải hàng không đến năm 2030, các hãng hàng không Nga sẽ nhận hơn 1.000 máy bay sản xuất trong nước, hơn 760 máy bay trực thăng và khoảng 5.000 động cơ cho máy bay và trực thăng. Tổng ngân sách dành cho chương trình này lên tới 770 tỷ Ruble (hơn 12,8 tỷ USD).
Nỗ lực nội địa hóa ngành hàng không Nga được đẩy mạnh trước làn sóng trừng phạt từ phương Tây. Việc sản xuất đầy đủ các bộ phận trong nước, đảm bảo những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng lúc này đang là nhiệm vụ của ngành công nghiệp hàng không Nga.