Nga nêu 4 trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 15:37:15

Ông Medvedev nêu 4 khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, trong đó có kịch bản nước này không bị tấn công trước bằng vũ khí hạt nhân.

Ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga đã nhắc lại học thuyết hạt nhân của nước này gồm 4 trường hợp cho phép quân đội sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Gần đây, lực lượng chiến lược của đất nước đã được chuyển sang chế độ đặc biệt. Điều này nhằm đảm bảo những nước muốn can thiệp vào công việc của đất nước chúng ta hiểu rõ họ sẽ đối diện những rủi ro gì", ông nói khi trả lời câu hỏi từ phóng viên về thông điệp "nước Nga có đủ sức mạnh để đặt đối thủ về đúng vị trí của họ" mà ông đưa ra trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Dmitry Medvedev trong cuộc phỏng vấn ngày 26/3. Ảnh: RIA.

Theo ông Medvedev, cơ sở thứ nhất để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là đất nước bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trong trường hợp thứ hai, Nga sẽ đáp trả nếu có bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng gây tổn hại đến Nga và đồng minh.

"Trường hợp thứ ba là khi Nga bị tấn công nhắm vào hạ tầng trọng yếu làm tê liệt năng lực răn đe hạt nhân. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch chống lại Nga và đồng minh, khiến sự tồn vong của đất nước bị đe dọa dù chỉ bằng vũ khí quy ước chứ không bao gồm vũ khí hạt nhân", cựu tổng thống Nga cho biết.

Ông nhận định năng lực răn đe hạt nhân của Nga thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước, "nhằm ngăn mọi tư tưởng rằng Nga không sẵn sàng phản ứng nếu có bất kỳ ai xâm phạm đất nước, độc lập và hướng đi của chúng ta".

Tuy nhiên, ông Medvedev nhấn mạnh Moskva vẫn chủ trương đàm phán và ngoại giao là hướng đi đúng đắn nhất để giải quyết các bất đồng, cụ thể là cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Ông tái khẳng định không ai muốn chiến tranh hạt nhân nổ ra nhưng luôn tồn tại nguy cơ xung đột hạt nhân "đe dọa sự tồn tại của nền văn minh nhân loại".

"Từng giữ cương vị tư lệnh tối cao, tôi hiểu rõ mức nghiêm trọng của nguy cơ này. Mọi người dân đều hiểu vũ khí hạt nhân ở các nước NATO có mục tiêu đặt trong lãnh thổ đất nước chúng ta và đầu đạn của ta cũng nhắm vào các mục tiêu ở châu Âu và Mỹ. Đó là thực tế cuộc sống, vì vậy chúng ta phải luôn nhớ và theo đuổi một chính sách có trách nhiệm", ông cho hay.

Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 và giao tranh đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hơn một tháng qua, phương Tây liên tục viện trợ nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống tên lửa chống tăng và phòng không vác vai. Tuy nhiên, các nước NATO vẫn tranh cãi về khả năng viện trợ máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tầm cao như S-300 cho Ukraine.


Các phương án thiết lập vùng cấm bay hay đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến vùng chiến sự cũng không được chấp nhận do Mỹ và phương Tây không muốn trực tiếp đối đầu quân đội Nga, làm tăng rủi ro xung đột hạt nhân.

Đà tiến của quân đội Nga thuận lợi nhất ở vùng duyên hải phía nam Ukraine, khi kiểm soát được thành phố lớn Kherson và một số mục tiêu nhỏ hơn như Melitopol. Tại những mục tiêu quan trọng còn lại như thành phố Kharkov, Mariupol và thủ đô Kiev, lực lượng Nga dường như đã bất ngờ trước sức kháng cự của quân đội Ukraine. Giới chức Kiev và phương Tây hôm 23/3 cho biết các đơn vị Nga đã bị đẩy lùi ở Kiev và phải chuyển sang thế phòng thủ.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Nga đã nối được một phần hành lang từ bán đảo Crimea đến vùng Donbass. Bộ Quốc phòng Nga hôm 25/3 tuyên bố chiến dịch đặc biệt ở Ukraine đã hoàn tất giai đoạn đầu và chuyển hướng tập trung giải phóng vùng Donbass.

Cục diện chiến trường Ukraine sau một tháng giao tranh. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.


Trung Nhân (Theo RIA )

Chia sẻ Facebook