Nga mở rộng mục tiêu quân sự ở Ukraine, nói đàm phán vô nghĩa
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các "nhiệm vụ" quân sự của Nga ở Ukraine hiện đã vượt ra ngoài khu vực phía đông Donbass.
Ngoại trưởng Nga Lavrov nói với Hãng thông tấn Ria Novosti rằng thực tế đã thay đổi khi hai nước đàm phán tại Istanbul vào tháng 3.
Vào thời điểm đó, trọng tâm là Donetsk và Lugansk. "Bây giờ yếu tố địa lý đã khác, không chỉ là hai vùng nói trên, mà còn Kherson, Zaporizhzhia và một số vùng lãnh thổ khác", bình luận của ông Lavrov được cho là sự thừa nhận rõ ràng nhất rằng các mục tiêu của Nga đã mở rộng sau 5 tháng chiến sự.
Ngoại trưởng Nga cũng cho biết việc tổ chức hòa đàm với Ukraine không có ý nghĩa gì trong tình hình hiện tại. Theo đó, ông Lavrov nhận định các vòng đàm phán đầu tiên với Ukraine chứng tỏ rằng Kiev không có "mong muốn thảo luận bất cứ điều gì một cách nghiêm túc".
Ông Lavrov cũng cho biết thêm các mục tiêu của Nga sẽ còn mở rộng hơn nữa nếu phương Tây tiếp tục cung cấp cho Kiev các loại vũ khí tầm xa như hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất.
Ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết nước này sẽ gửi thêm bốn hệ thống pháo HIMARS tới Ukraine, trong gói quân sự mới nhất để hỗ trợ Kiev.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cảnh báo kịch bản với bán đảo Crimea hồi năm 2014 có thể sẽ lặp lại ở Kherson, Zaporizhzhia và hai tỉnh Lugansk, Donetsk tạo thành vùng Donbass phía đông Ukraine.
"Nga đang bố trí các quan chức của họ ở những nơi họ đang kiểm soát tại Ukraine", ông Kirby nói thêm và cảnh báo Matxcơva sẽ tiến hành sáp nhập sau các cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức vào tháng 9 tới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong khi đó cáo buộc Nga "tống tiền" Liên minh châu Âu (EU) về năng lượng. EU đã phải công bố kế hoạch cắt giảm nhu cầu khí đốt trong khối trước lo ngại Nga cắt giảm nguồn cung khi mùa đông đến gần.
"Nga đang tống tiền chúng tôi. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí", bà Ursula von der Leyen nói, đồng thời mô tả việc cắt toàn bộ dòng khí đốt của Nga là "một kịch bản có thể xảy ra" mà "châu Âu cần phải sẵn sàng".
Các nguồn tin của Hãng tin Reuters cho hay Nord Stream 1, đường ống liên kết lớn nhất cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu, dự kiến sẽ khởi động lại vào ngày 21-7, sau 10 ngày bảo trì.
Liên minh châu Âu (EU) tung kế hoạch khẩn cấp trong ngày 20-7, theo đó yêu cầu các nước thành viên cắt giảm sử dụng khí đốt 15% cho đến tháng 3, nhằm vượt qua mùa đông sắp tới nếu Nga cắt nguồn cung.