Nga liên tiếp phá hủy các mục tiêu giá trị, khí tài phương Tây có giúp được Ukraine?

Chia sẻ Facebook
07/05/2024 04:29:45

Những hình ảnh được công khai cho thấy, trong tuần qua, một loạt khí tài trị giá triệu đô mà phương Tây cung cấp cho Ukraine đã bị phá hủy.

Khí tài do Mỹ sản xuất bị phá hủy sau đòn tấn công chính xác

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga công khai khoảnh khắc xe tăng Abrams M1 và xe chiến đấu Bradley do Mỹ sản xuất bị hỏa lực Nga phá hủy trong khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công” vào khí tài quân sự mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết khi đăng đoạn video.

Bộ Quốc phòng Nga thông tin, vụ tấn công này được thực hiện bằng máy bay không người lái FPV và pháo binh. Sau khi bị đạn thông minh dẫn đường Krasnopol tấn công, xe tăng Abrams bị hư hỏng bọc thép và sau đó nó bị phá hủy hoàn toàn bằng máy bay không người lái chưa đầy chất nổ.

Hình ảnh này được đăng tải lên kênh Telegram của Bộ Quốc phòng Nga. Trong video công khai cũng có hình ảnh chiếc Bradley bị phá hủy. Một đám khói lớn đã bốc lên sau khi bị lực lượng Nga tấn công. Chiếc xe sau đó cố gắng chạy trốn nhưng tài xế dường như đã mất lái, đâm vào cây.

Bộ Quốc phòng Nga không cung cấp thông tin chi tiết về địa điểm và thời điểm video được quay. Tuy nhiên, một số kênh Telegram trước đó đã tuyên bố rằng khí tài này của Mỹ đã bị tấn công ở gần Avdeevka, thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng). Lực lượng Moscow đã chiếm được thị trấn chiến lược này vào tháng 2 sau một trận chiến kéo dài.

Theo báo cáo, chiếc Bradley đã bị trúng đạn trong nỗ lực hỗ trợ xe tăng Abrams đang bốc cháy nhưng thất bại.

Tại buổi trưng bày các khí tài phương Tây cung cấp cho Ukraine được Nga thu giữ có một chiếc xe tăng Abrams và một xe chiến đấu bộ binh Bradley. Buổi trưng bày đã được khai mạc tại Moscow.

“Không có thiết bị quân sự nào của phương Tây có thể thay đổi được tình hình trên chiến trường. Ukraine sẽ bị đánh bại. Chiến thắng của chúng ta là điều không thể tránh khỏi”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết khi quảng bá cho cuộc triển lãm.

Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân đội Ukraine đã khiến Mỹ cùng những đồng minh trở thành các bên trong cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.

Máy bay không người lái Lancet tấn công 27 mục tiêu


Trong khoảng thời gian từ 28/4 đến 4/5, quân đội Nga đã phá hủy hoặc làm hư hại 27 mục tiêu quân sự của lực lượng Kiev bằng máy bay không người lái Lancet.

Những tổn thất của Ukraine được Lostarmour.info tổng hợp và công bố gồm: 4 xe tăng chiến đấu chủ lực, trong đó có 2 chiếc M1A1 SA Abrams do Mỹ sản xuất; 6 khẩu pháo tự hành, trong đó có một khẩu AS-90 do Anh sản xuất và một khẩu DANA wz 77 do Cộng hòa Séc sản xuất; 5 khẩu pháo kéo, trong đó có một khẩu M777 do Mỹ sản xuất; 2 bệ phóng tên lửa đa năng, một khẩu M142 HIMARS do Mỹ sản xuất và một khẩu BM-21 Grad do Liên Xô sản xuất; một xe chiến đấu bộ binh BTR-4E do Ukraine sản xuất; một xe bọc thép chở quân M113 do Mỹ sản xuất; một xe chiến đấu bọc thép MaxxPro do Mỹ sản xuất; 2 phương tiện có tính cơ động cao, trong đó có một chiếc Humvee do Mỹ sản xuất; 2 xe địa hình Bandvagn 206 đều do Thụy Điển sản xuất; 2 xe tải và một hệ thống radar 79K6 Pelican do Ukraine sản xuất.

Máy bay không người lái Lancet được phát triển bởi Tập đoàn ZALA Aero, một công ty con của tập đoàn quốc phòng khổng lồ Kalashnikov Concern của Nga. Công ty sản xuất hai phiên bản, phiên bản Izdeliye-52 có thời gian hoạt động 30 phút với đầu đạn nặng 1 kg và phiên bản Izdeliye-51 lớn hơn có thời gian hoạt động 40 phút, được trang bị đầu đạn nặng 3 kg.

Máy bay không người lái Lancet được thiết kế để bay về phía khu vực được chỉ định bằng hệ thống dẫn đường quán tính với sự hỗ trợ GLONASS. Sau khi đến khu vực, người điều khiển sử dụng hệ thống quang điện trên máy bay thông qua liên kết dữ liệu hai chiều để phát hiện, theo dõi và khóa mục tiêu. Sau đó, một hệ thống đo khoảng cách bằng laser sẽ điều khiển quá trình phát nổ của đầu đạn.

Tiết diện radar nhỏ và tín hiệu hồng ngoại tối thiểu của máy bay không người lái Lancet khiến nó rất khó bị phát hiện và đánh chặn.

Những nỗ lực của Ukraine nhằm ngăn chặn máy bay không người lái Lancet bằng hỏa lực phòng không, tác chiến điện tử hoặc các biện pháp đối phó khác hầu hết đều không thành công.

Quân đội Nga đang ngày càng sử dụng nhiều máy bay không người lái Lancet để tấn công lực lượng Kiev ở phía sau tiền tuyến. Trong tháng 4, Lostarmour.info đã ghi nhận 160 cuộc không kích.


HÒA AN (Theo SF, AVP)

Chia sẻ Facebook