Nga lại cắt giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang các nước châu Âu

Chia sẻ Facebook
20/06/2022 00:57:44

Theo hãng tin AP, hôm thứ Sáu, Nga một lần nữa lại cắt giảm lượng khí đốt tự nhiên đến châu Âu, bao gồm cắt giảm một nửa lưu lượng sang Ý và Slovakia và cắt hoàn toàn tới Pháp.


Embed from Getty Images


Đây là lần cắt giảm đáng kể nhiên liệu cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp và sản xuất điện ở châu Âu, sau khi động thái tương tự đã diễn ra đối với Đức và Áo, và trước đó đối với Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch. Hành động này đã tiếp tục làm tăng giá năng lượng vốn đang ở mức rất cao, dẫn đến lạm phát kỷ lục ở Liên minh châu Âu.


Nga đã đổ lỗi cho một vấn đề kỹ thuật dẫn đến việc cắt đường ống dẫn Nord Stream 1 chính dẫn tới Đức và Pháp, nói rằng các thiết bị đang được tân trang lại ở Canada đã bị mắc kẹt ở đó do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các nhà lãnh đạo ở Đức và Ý gọi việc cắt giảm là một động thái chính trị.


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết hôm thứ Sáu rằng việc cắt giảm là “hành động tống tiền (chống lại) từng quốc gia và cả châu Âu nói chung.”


Cùng ngày, tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga nói với công ty khí đốt Eni của Ý rằng họ sẽ chỉ cung cấp 50% lượng khí đốt được yêu cầu cho ngày thứ Sáu, giảm dòng chảy đến một trong những nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất châu Âu trong ngày thứ ba.


Gazprom đã giảm 15% giao hàng theo yêu cầu của Ý vào thứ Tư. Hãng thông tấn ANSA cho biết công ty Nga đã giảm 35% vào thứ Năm. Ý nhập 40% khí đốt từ Nga nhưng đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn thay thế ở các nước như Algeria.


Trong khi đó, Pháp đã bị cắt hoàn toàn khỏi dòng khí đốt tự nhiên từ Nga. Nhà điều hành mạng lưới khí đốt của Pháp GRTGaz cho biết nguồn cung của Nga qua Đức đã ngừng lại vào thứ Tư, sau khi giảm 60% trong 5 tháng đầu năm.


Nhà điều hành cho biết hôm thứ Sáu rằng mặc dù nguồn cung của Nga bị ngừng lại, nhưng dự kiến ​​sẽ không có gián đoạn nguồn cung khí đốt vào mùa hè này, một phần là nhờ có thêm các chuyến hàng qua Tây Ban Nha. Pháp thường nhận khoảng 17% khí đốt tự nhiên từ Nga, nhưng khí đốt nói chung là một phần tương đối nhỏ trong hỗn hợp năng lượng của Pháp, vào khoảng 16%.


Người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức Stephan Gabriel Haufe cho biết việc cắt giảm nguồn cung cấp cho Pháp là “hệ quả của việc cắt giảm” nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Nord Stream 1. Ông không nói thêm chi tiết về lý do cụ thể của việc cắt giảm.


Nga cho biết các lệnh trừng phạt của Canada đã ngăn cản đối tác Siemens Energy của Đức cung cấp thiết bị đã được gửi đến đó để đại tu. Chính phủ Đức cho biết việc bảo trì lẽ ra không cần làm cho đến mùa thu và quyết định của Nga có nghĩa là muốn gieo rắc sự không chắc chắn và đẩy giá lên.


Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết: “Cả chúng tôi và Đức và những nước khác đều cho rằng đó là một lời nói dối, việc sử dụng khí đốt là ý đồ chính trị của Nga.”


Ở Slovakia, mức cắt giảm đạt 10% vào thứ Tư và 34% vào thứ Năm. Để đa dạng hóa nguồn cung, Slovakia gần đây đã ký một thỏa thuận với Na Uy để nhận khí đốt từ Biển Bắc thông qua Đức và cả khí đốt hóa lỏng từ các nước khác.


Bộ trưởng Kinh tế Richard Sulik cho biết các thỏa thuận mới sẽ giảm 65% sự phụ thuộc của đất nước ông vào khí đốt của Nga. Trước đó, Slovakia đã nhận 85% khí đốt của mình từ Nga.


Công ty dầu khí OMV của Áo hôm thứ Năm cho biết Gazprom đã thông báo về việc giảm nguồn cung nhưng không nói rõ là bao nhiêu.


Liên minh châu Âu đang cố gắng giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay và đã sử dụng khí đốt lỏng nhập khẩu từ Hoa Kỳ để bắt đầu bù đắp khoảng cách đó. Nhưng một vụ nổ và hỏa hoạn tại một cơ sở xuất khẩu quan trọng của Hoa Kỳ ở Freeport, Texas, đã khiến 1/5 năng lực xuất khẩu khí đốt của nước này bị gián đoạn và làm dấy lên mối lo ngại về sự mong manh của nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu.


Giá khí đốt tự nhiên ngắn hạn vẫn tăng vào thứ Sáu, ở mức 126 euro/megawatt cho hợp đồng khí đốt giao sau tháng. Con số này tăng khoảng 50% so với thứ Hai.


Lê Vy (theo AP)

Quan chức Mỹ: Nga thu lợi từ dầu và khí đốt nhiều hơn so với trước chiến tranh

Nga có thể sẽ thu được nhiều tiền hơn từ nhiên liệu hóa thạch so với thời kỳ trước chiến tranh do giá cả trên toàn cầu đang tăng vọt.

Chia sẻ Facebook