Nga lại cắt giảm khí đốt tới EU, phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế sau thỏa thuận ngũ cốc
Nga sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu một lần nữa, giáng một đòn vào các quốc gia ủng hộ Ukraine cũng như niềm hy vọng rằng áp lực kinh tế có thể giảm bớt trong tuần này với việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, theo Reuters.
Chi phí năng lượng tăng vọt và mối đe dọa về nạn đói mà hàng triệu người ở các quốc gia nghèo hơn phải đối mặt cho thấy cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, hiện đã bước sang tháng thứ sáu, đang có tác động vượt ra ngoài Ukraine như thế nào.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga Gazprom hôm thứ Hai cho biết dòng khí đốt đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm xuống 33 triệu mét khối mỗi ngày kể từ thứ Tư.
Việc cắt giảm này tương đương khoảng một nửa dòng chảy hiện tại, vốn đã chỉ bằng 40% công suất bình thường. Trước chiến tranh, châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 30% dầu từ Nga.
Điện Kremlin nói rằng vụ gián đoạn khí đốt là kết quả của các vấn đề bảo trì và các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi Liên minh châu Âu cáo buộc Nga “tống tiền” năng lượng.
Đức cho biết không có lý do kỹ thuật nào để biện minh cho mức giảm mới nhất.
Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tháng đã cảnh báo phương Tây rằng các lệnh trừng phạt có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng lớn trên toàn cầu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng Điện Kremlin đang tiến hành một “cuộc chiến tranh khí đốt công khai” chống lại châu Âu.
Các chính trị gia ở châu Âu đã nhiều lần nói rằng Nga có thể cắt khí đốt vào mùa đông này, một bước đi có thể đẩy Đức vào suy thoái và làm tổn thương người tiêu dùng vốn đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát tăng cao.
Liên quan tới việc xuất khẩu ngũ cốc, Liên Hợp Quốc cho biết các tàu đầu tiên của Ukraine có thể sẽ ra khơi trong vài ngày tới theo thỏa thuận được thống nhất vào thứ Sáu, bất chấp cuộc không kích của Nga vào cuối tuần nhằm vào cảng Odessa của Ukraine.
Quân đội Ukraine hôm thứ Ba báo cáo về các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga ở phía nam và các lực lượng Ukraine đã đánh trúng mục tiêu của kẻ thù.
Trước cuộc xâm lược và các lệnh trừng phạt sau đó, Nga và Ukraine chiếm gần một phần ba lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu.
Các quan chức từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hợp Quốc hôm thứ Sáu đã nhất trí rằng sẽ không có cuộc tấn công nào nhằm vào các tàu buôn di chuyển qua Biển Đen đến eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ và tới các thị trường.
Moscow đã trấn an các bên về việc thỏa thuận có thể bị trật bánh do một cuộc tấn công của Nga vào Odessa hôm thứ Bảy, nói rằng họ chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự.
Nhà Trắng cho biết cuộc tấn công gây nghi ngờ về uy tín của Nga và đang theo dõi chặt chẽ để xem liệu các cam kết có được thực hiện hay không.
“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tích cực tìm hiểu các lựa chọn khác với cộng đồng quốc tế để tăng xuất khẩu của Ukraine thông qua các tuyến đường bộ”, tuyên bố nói.
Một quan chức chính phủ Ukraine cho biết ông hy vọng chuyến hàng ngũ cốc đầu tiên có thể được thực hiện từ Chornomorsk trong tuần này, cùng với các chuyến hàng từ các cảng khác trong vòng hai tuần.
Trong một diễn biến khác, các nguồn tin cho hay Liên minh châu Âu sẽ thông qua gói trừng phạt mới đối với Nga. Đây sẽ là gói trừng phạt thứ bảy của Liên minh châu Âu đối với Nga. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực sau khi được công bố trên Tạp chí Chính thức của EU.
Theo các nguồn tin, gói mới bao gồm lệnh cấm một phần đối với việc mua vàng của Nga dưới dạng phế liệu và bán thành phẩm. Danh mục hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng không thể cung cấp cho Nga cũng sẽ ngày càng được mở rộng.
Lê Vy (t/h)
EU yêu cầu các nước cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên cho đến 2023 Liên minh châu Âu đã yêu cầu các nước thành viên cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên tối thiểu 15% cho đến mùa xuân năm 2023.