Nga không muốn leo thang căng thẳng với phương Tây

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 14:48:15

"Nga không cho rằng" đang có chiến tranh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan đến Ukraine, vì như vậy sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.


Đây là thông tin do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết vào ngày 29/4.


Theo hãng thông tấn RIA, Ngoại trưởng Nga khẳng định, nước này không thể phụ thuộc phương Tây trong các vấn đề quan trọng chiến lược. Nga không thể dựa vào phương Tây trong bất cứ vấn đề gì, đặc biệt là kinh tế, công nghệ, thực phẩm cũng như các nhu cầu hàng ngày mang tính chiến lược.

Ông Lavrov không loại trừ khả năng nối lại quan hệ với phương Tây nhưng nhấn mạnh khả năng tự cung, tự cấp của Nga.

Ngoài ra, ông Lavrov cũng cho biết, hầu hết các đối tác quan trọng đã nhất trí kế hoạch thanh toán khí đốt bằng đồng Ruble do Nga đưa ra.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định trong một tuyên bố ngày 8/4 rằng, NATO đang khiến cuộc xung đột ở Ukraine lan rộng bằng cách tiếp tục vận chuyển nhiều vũ khí hơn cho Kiev.

"Bằng cách tiếp tục cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, liên minh này đang khiến xung đột lan rộng", người phát ngôn Zakharova nhận định, đồng thời cáo buộc "NATO ủng hộ chính quyền Kiev phạm tội chiến tranh mà không bị trừng phạt cũng như việc đối xử dã man với dân thường không chỉ ở Donbass mà còn trên khắp Ukraine".

Một tòa nhà bị hư hại nặng nề sau nhiều đợt oanh tạc của Nga gần chiến tuyến ở Kharkov, Ukraine, ngày 25/4/2022. (Ảnh: AP)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng, mặc dù NATO phủ nhận liên minh này là một phần của cuộc xung đột tại Ukraine nhưng trên thực tế, NATO đang chiến tranh với Nga qua việc sử dụng Ukraine làm lực lượng ủy nhiệm.

"Để kiềm chế Nga, NATO đang tăng cường lực lượng ở sườn Đông cũng như tiếp tục lôi kéo Gruzia, Phần Lan và Thụy Điển cùng các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương vào phạm vi ảnh hưởng của mình", bà Zakharova cho hay.

Không dừng lại ở các biện pháp trừng phạt kinh tế, Mỹ và đồng minh phương Tây còn muốn chấm dứt hoàn toàn hoạt động hợp tác với Nga.

Hai tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden và đồng minh châu Âu bắt đầu lên kế hoạch cho một tương lai không còn tìm cách chung sống hòa bình với Nga, tăng sức ép trên mọi phương diện nhằm cô lập và làm suy yếu quốc gia này.

Chia sẻ Facebook