Nga hủy hoại 2 thành trì cuối cùng của Ukraine ở Lugansk
Donbass nóng rực khi Nga tấn công ác liệt còn Ukraine chống trả gay gắt. NATO nhất trí không cung cấp cho Ukraine bất kỳ xe bộ binh hoặc xe tăng nào của phương Tây.
Các lực lượng Nga đã nã pháo vào hơn 40 thị trấn ở khu vực Donbas s , miền Đông Ukraine, Quân đội Ukraine cho biết hôm 25/5.
Theo Ukraine, điều này có nguy cơ sẽ chặt đứt tuyến đường thoát hiểm chính cuối cùng cho dân thường bị mắc kẹt trong cuộc xung đột vũ trang giữa 2 bên, hiện đã bước sang tháng thứ tư.
Sau khi rút khỏi khu vực xung quanh Thủ đô Kyiv , và Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine, người Nga đang cố gắng giành toàn quyền kiểm soát Donbass, bao gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk ở miền Đông.
Nga đã đổ hàng nghìn quân vào khu vực, tấn công từ 3 phía trong nỗ lực bao vây các lực lượng Ukraine đang trấn giữ ở Severodonetsk và Lysychansk – 2 thành phố nằm 2 bên bờ sông Siverskiy Donets thuộc tỉnh Lugansk.
Nếu 2 thành phố này thất thủ, toàn bộ tỉnh Luhansk sẽ nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga.
"Địch đã pháo kích vào hơn 40 thị trấn ở Donetsk và Luhansk, phá hủy hoặc làm hư hại 47 địa điểm dân sự, bao gồm 38 ngôi nhà và 1 trường học. Kết quả của đợt pháo kích này là 5 dân thường thiệt mạng và 12 người bị thương", Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp thuộc các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trên Facebook hôm 25/5.
Đơn vị này cũng cho biết, 10 cuộc tấn công của địch đã bị đẩy lùi, 4 xe tăng và 4 máy bay không người lái bị phá hủy, và 62 "binh lính địch" bị tiêu diệt.
Theo Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, Quân đội Nga "đông hơn chúng tôi rất nhiều" ở một số khu vực ở miền Đông.
Reuters không thể xác minh độc lập các tuyên bố về tình hình trên thực địa.
Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai của phía Ukraine cho biết, pháo kích đã khiến ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và 8 người khác bị thương ở Severodonetsk trong 24 giờ qua.
"Quân đội Nga đang hủy hoại hoàn toàn Severodonetsk", ông Haidai nói với DW. "Họ đang pháo kích khắp nơi, và họ không quan tâm liệu có thường dân hay có bệnh viện, trường học ở đó hay không. Họ đang phá hủy tất cả các tòa nhà".
Severodonetsk hiện đang là điểm nóng trong cuộc giao tranh ở Donbass - trung tâm công nghiệp miền Đông Ukraine, nơi các lực lượng Nga đang tiến hành tấn công dữ dội bất chấp sự kháng cự gay gắt của phía Ukraine.
Ông Haidai cáo buộc quân Nga cố tình nhắm vào những nơi thường dân đang ẩn náu.
Các con đường ra khỏi Severodonetsk và Lysychansk cũng đang bị phong tỏa. Cơ hội cho dân thường đi sơ tán đang ngày càng ít đi, ông Haidai nói với DW.
Binh lính Ukraine bị thương được điều trị tại bệnh viện ở Đức
Quân đội Đức đã đưa một số binh sĩ Ukraine bị thương đến Berlin để điều trị, người phát ngôn của Không quân Đức cho biết.
Những binh sĩ này được đón từ thành phố Rzeszow ở Ba Lan. Họ sẽ được điều trị tại một số bệnh viện ở thủ đô nước Đức và các vùng lân cận, vị phát ngôn viên nói với hãng thông tấn Đức DPA.
Đây là lần thứ bảy Không quân Đức thực hiện nhiệm vụ kiểu này.
Vị phát ngôn viên không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng binh sĩ Ukraine đang được điều trị hoặc tính chất thương tích của họ.
Rzeszow là thành phố lớn nhất ở miền Đông Nam Ba Lan, cách biên giới với Ukraine khoảng 100km.
Liên quan đến việc điều trị thương binh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết sau một cuộc hội đàm với Thủ tướng Áo Karl Nehammer hôm 25/5: “Hai bên đã đồng ý rằng Áo sẽ đưa các binh sĩ Ukraine bị thương nặng đi chữa trị”.
Nga sẽ mở “hành lang nhân đạo” cho tàu rời các cảng trên Biển Đen
Bộ Quốc phòng Nga sẽ mở một hành lang an toàn cho phép các tàu nước ngoài rời các cảng trên Biển Đen. Một hành lang khác cũng sẽ được mở để các tàu có di chuyển từ cảng Mariupol trên Biển Azov tới Biển Đen.
Đại tá Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga, cho biết 70 tàu nước ngoài từ 16 quốc gia hiện đang ở 6 cảng trên Biển Đen bao gồm Odessa, Kherson và Mykolaiv.
Các bình luận của ông Mizintsev được đưa ra tại một cuộc họp giao ban ở Moscow hôm 25/5, hãng thông tấn Interfax đưa tin. Theo ông, 2 tuyến hành lang trên sẽ mở cửa hàng ngày.
Hôm 25/5, n gười phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết cảng Mariupol , miền Nam Ukraine, đã hoạt động trở lại sau 3 tháng đóng cửa, sau khi toàn bộ bom mìn còn sót lại ở khu vực cảng và khu vực Biển Azov tiếp giáp với cảng.
"Các biện pháp rà phá bom mìn và phi quân sự hóa cảng Mariupol ở Donetsk đã được hoàn tất và cảng đã trở lại hoạt động bình thường", ông Konashenkov thông báo.
Trước đó, hôm 24/5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các chuyên gia từ Hạm đội Biển Đen và các kỹ sư trên thực địa đã hoàn thành nhiệm vụ rà phá bom mìn trong khu vực cảng biển Mariupol đồng thời dọn dẹp sạch sẽ các kênh tiếp cận cảng, các vùng nội thủy có tàu chìm và các chướng ngại vật hàng hải khác, và khu vực Biển Azov tiếp giáp với cảng, theo đó đã phát hiện và vô hiệu hóa hơn 12.000 thiết bị nổ và vũ khí bị bỏ lại.
Các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát cảng biển chiến lược này sau khi các binh sĩ Ukraine còn lại trong nhà máy thép Azovstal hạ vũ khí đầu hàng.
NATO nhất trí không cung cấp một số loại xe tăng mà Ukraine đang cần
Các thành viên NATO đã đồng ý một cách không chính thức về việc không cung cấp một số loại vũ khí cho Ukraine, các nguồn tin từ liên minh quân sự nói với Hãng thông tấn Đức DPA.
Thông tin trên được đưa ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết nước ông muốn mua xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức và lý tưởng nhất là xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard.
Phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông Kuleba cho biết Ukraine chưa đạt được thỏa thuận nào về vấn đề trên.
“Chúng tôi hiểu rằng Đức khó khăn hơn những nước khác, vì vậy chúng tôi quyết định theo dõi diễn biến này với sự kiên nhẫn chiến lược”, Ngoại trưởng Ukraine nói và cho biết thêm rằng ông vẫn không hiểu tại sao chuyện lại phức tạp như vậy.
"Ủy ban Quốc phòng đã được thông báo đầy đủ về điều này vào giữa tháng 5", người phát ngôn nhóm nghị sĩ Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Đức, Wolfgang Hellmich, nói với DPA hôm 25/5.
Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả các đối tác đều tuân theo thỏa thuận không chính thức, ông nói. "Nếu có ai đó đưa ra bất kỳ tuyên bố nào khác, thì nghĩa là người đó đã không hiểu đúng thỏa thuận hoặc đang cố ý nói những điều không đúng sự thật".
Ông Zelenskyy chấm dứt chế độ miễn thị thực cho người Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ngày 25/5 đã ra lệnh chấm dứt chế độ miễn thị thực đối với công dân Nga khi nhập cảnh Ukraine, với lý do cần cải thiện an ninh biên giới.
Công dân Nga hiện được phép đến thăm nước láng giềng Ukraine mà không cần thị thực. Trong một mệnh lệnh được đăng trên trang web của Tổng thống Ukraine, ông Zelenskyy cho biết, ông ủng hộ kiến nghị của một công dân yêu cầu chấm dứt hoạt động này.
“Trong bối cảnh cuộc tấn công toàn diện của Nga, vấn đề đặt ra là quan trọng và sống còn. Tôi ủng hộ sự cần thiết phải tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh của công dân Nga”, ông nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Ông Zelenskyy cho biết, ông đã gửi thư cho Thủ tướng Denys Shmyhal yêu cầu xử lý vấn đề này. Ông không cho biết thêm chi tiết.
Với việc Nga kiểm soát phần lớn khu vực biên giới, vẫn chưa rõ liệu quyết định của ông Zelenskyy có tác động thực tế trong thời chiến hay không, Al Jazeera cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng trước đã ký một sắc lệnh giới hạn thị thực đối với công dân của các quốc gia mà Moscow cho là "không thân thiện", bao gồm cả Ukraine.
Trong ngày 25/5, ngày thứ 91 của xung đột Nga-Ukraine còn có một số diễn biến đáng chú ý khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết kế hoạch hòa bình cho Ukraine do Ý đề xuất là một "điều ảo tưởng".
Bản kế hoạch này sẽ có sự tham gia của các tổ chức quốc tế như LHQ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE); những tổ chức này sẽ đóng vai trò trung gian trong việc tổ chức các đợt ngừng bắn theo khu vực.
Tại cuộc họp giao ban hàng tuần, bà Zakharova nói: "Các vị không thể một mặt cung cấp vũ khí cho Ukraine và mặt khác lại đưa ra các kế hoạch để giải quyết tình hình một cách hòa bình".
Còn trong một cuộc phỏng vấn với Kênh truyền hình Channel One của Nga hôm 25/5, bà Zakharova cho biết, Nga đang xây dựng một gói các biện pháp để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nữ phát ngôn viên cũng cho biết bà sẽ không công bố các chi tiết của các biện pháp trên cho đến khi chúng được tất cả các bên liên quan đồng ý.
Bộ Quốc phòng Litva hôm 25/5 tuyên bố sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự trị giá lên tới 15,5 triệu Euro (16,5 triệu USD) cho Ukraine, bao gồm 20 xe bọc thép chở quân M113, 10 xe tải quân sự và 10 xe rà phá bom mìn.
Litva, quốc gia Baltic là thành viên của cả EU và NATO, cho biết họ đã cung cấp khoảng 100 triệu Euro viện trợ quân sự cho Kyiv kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Bộ Tài chính Nga cho biết trên Telegram rằng họ sẽ bắt đầu trả nợ nước ngoài bằng đồng rúp sau khi Mỹ chấm dứt quyền miễn trừ cho phép Moscow thanh toán bằng USD.
"Lưu ý rằng việc từ chối gia hạn quyền miễn trừ này khiến Nga không thể tiếp tục trả nợ công nước ngoài bằng đồng USD, các khoản thanh toán sẽ được thực hiện bằng đồng tiền của Nga", Bộ Tài chính Nga nói.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho rằng xung đột Nga-Ukraine và những ảnh hưởng của nó đối với giá lương thực và năng lượng có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ông Malpass phát biểu tại một sự kiện do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức hôm 25/5 rằng Đức, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, đã chứng kiến sự suy thoái kinh tế đáng kể do giá năng lượng cao hơn. Ông cũng cho biết việc tiếp cận hạn chế đối với phân bón có thể khiến tình trạng ở những nơi khác trở nên tồi tệ hơn.
“Khi xét đến GDP toàn cầu… hiện tại rất khó để biết làm cách nào chúng ta có thể tránh khỏi suy thoái kinh tế”, ông Malpass nói .
Minh Đức (Theo Reuters, DW, Al Jazeera)