Nga gặp thách thức khi chuyển hướng bán năng lượng cho châu Á?

Chia sẻ Facebook
05/05/2022 21:42:57

Trong bối cảnh châu Âu đang thảo luận cấm vận dầu mỏ của Nga, Matxcơva đang tìm cách chuyển hướng bán dầu nhiều hơn cho châu Á, nơi nhiều nước đang khát năng lượng. Dù vậy, việc chuyển hướng là không đơn giản.

Tàu hàng chở khí đốt hóa lỏng ở đảo Sakhalin ở miền Viễn Đông, Nga - Ảnh: NYT


Các chuyên gia năng lượng cho rằng Nga sẽ tìm được khách mua dầu và than trong bối cảnh thế giới đang rất khát năng lượng. Tại châu Á, bất chấp các trở ngại do cấm vận, Nga có thể bán thêm được nhiều dầu cho Trung Quốc, Ấn Độ nếu giảm giá.


Vào giữa tháng 4-2022, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ "chuyển hướng xuất khẩu dần dần sang các thị trường đang phát triển ở phía đông và nam", rõ ràng ám chỉ 2 thị trường năng lượng khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, việc chuyển xuất khẩu năng lượng từ châu Âu sang châu Á không đơn giản. Trước hết, Nga cần xây dựng thêm hạ tầng và quá trình có thể kéo dài cả năm.

Vận chuyển khí đốt sang châu Á cần các đường ống cực kỳ dài hoặc các cảng chuyên biệt có khả năng làm lạnh khí để khí chuyển thành dạng lỏng rồi vận chuyển bằng tàu.

Vận chuyển dầu sẽ cần các tàu vận tải. Nhưng việc này đang trở nên vô cùng rủi ro do nhiều công ty bảo hiểm đang từ chối dịch vụ cho các tàu hàng Nga do sự trừng phạt của phương Tây. Các ngân hàng cũng không còn chấp nhận cho ứng tiền trong giai đoạn vận chuyển dầu.

Đối với than, được vận chuyển bằng xe tải hoặc tàu lửa, sẽ gặp ít trở ngại hơn. Dù vậy giá trị xuất khẩu than của Nga không cao so với dầu hoặc khí đốt, chưa kể nhiều nước cũng e ngại mua hàng vì sợ trừng phạt.

Các lãnh đạo trong ngành năng lượng cho rằng Nga sẽ xuất khẩu được, ít nhất là dầu và than, vì nhu cầu đang rất cao. Thị trường thế giới hiện đang thiếu hụt năng lượng, đơn cử như Trung Quốc cạn nguồn than và phải cắt điện diện rộng. Giá dầu, khí đốt và than không ngừng tăng kể từ cuối năm ngoái và việc cấm vận năng lượng của Nga sẽ càng đẩy giá lên cao.


"Đây có thể là một cuộc khủng hoảng năng lượng còn lớn hơn khủng hoảng vào những năm 1970, khi đó chỉ có dầu và tình hình đơn giản hơn", báo New York Times dẫn lời nhà sử học năng lượng Daniel Yergin nhận định.

Các bồn chứa dầu và khí đốt tại cảng Châu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Giới phân tích cho rằng nếu Nga giảm giá mạnh đối với các loại năng lượng sẽ giúp các khách hàng vượt qua các lo ngại về rủi ro hay chi phí hậu cần gia tăng.

Nga hiện đang xuất khẩu 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 3 triệu thùng dầu diesel, xăng và các sản phẩm tinh chế khác.

Ông Fatih Birol, giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cho biết Trung Quốc và Ấn Độ lại có các ngành công nghiệp lọc dầu quy mô lớn và đang rất quan tâm đến dầu thô của Nga. Vào tháng 3-2022, quan chức Ấn Độ cũng nói rằng Nga đang chào mời nước này mua dầu với giá giảm rất mạnh.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã từng có "kinh nghiệm" mua dầu từ Iran và Venezuela bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây. "Họ sẽ tìm được đường vòng để mua dầu của Nga", ông Michal Meidan, chuyên gia của Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, nói.

Ấn Độ và Trung Quốc đều kêu gọi hòa bình và từ chối lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Nhưng Mỹ liên tục chỉ trích sự im lặng của Trung Quốc mà bỏ qua cho Ấn Độ.

Chia sẻ Facebook