Nga dùng tên lửa siêu vượt âm với mục đích gì?

Chia sẻ Facebook
23/03/2022 15:57:02

Việc Nga sử dụng loại vũ khí siêu vượt âm mới như tên lửa Kinzhal trên chiến trường Ukraine đang được giới quan sát cũng như các chuyên gia quân sự hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Mục tiêu của tên lửa siêu vượt âm và tên lửa hành trình Nga Nguồn: Dự án Missile Threat của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), Tass, Ria Novosti. Dữ liệu: BẢO DUY - Đồ họa: T.ĐẠT


Theo thông tin từ Nga, cho tới thời điểm hiện tại, quân đội nước này đã hai lần sử dụng Kinzhal để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Ukraine. Từ đây đã có nhiều cách giải thích cho lý do vì sao Nga triển khai loại vũ khí mới này trong những ngày gần đây.


Tinh hoa công nghiệp quốc phòng Nga

Kinzhal, tiếng Nga có nghĩa là "dao găm", là loại tên lửa đạn đạo lưỡng dụng không đối đất (phóng từ máy bay) được cho là có thể né tránh mọi biện pháp đánh chặn từ đối thủ.

Khi được trang bị trên máy bay tiêm kích chiến lược MiG-31K hay máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3M, Kinzhal có thể tấn công các mục tiêu tầm trung (từ 2.000 tới 3.000km) với tốc độ siêu vượt âm (hypersonic, lớn hơn Mach 5, tối đa là Mach 10, tức gấp 10 lần tốc độ âm thanh), và có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Kinzhal, cùng một số vũ khí chiến lược khác của Nga gần đây được chế tạo để phục vụ các mục đích chiến lược và chiến thuật nhất định. Quân đội Nga, sau khi phân tích năng lực quân sự phương Tây (nhất là Mỹ), đã kết hợp với các tổ hợp công nghiệp quốc phòng nội địa để phát triển những biện pháp "đáp trả" tương ứng.

Thứ nhất, Nga cần duy trì năng lực răn đe chiến lược hiệu quả để đối phó khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây. Thứ hai, Matxcơva mong muốn phát triển khả năng răn đe phi hạt nhân, cũng như cải thiện năng lực tấn công quy ước tầm trung và tầm xa.

Trong bài phát biểu vào tháng 3-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng các loại tên lửa đạn đạo "kiểu mới" như Kinzhal không bay theo quỹ đạo cố định mà có thể thay đổi quỹ đạo bay liên tục. Điều này khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hiện nay khó tính toán được chính xác đường bay, vì thế đánh chặn là chuyện gần như không thể.

Quan điểm thiết kế đằng sau các loại tên lửa siêu vượt âm như Kinzhal hay Tsirkon nhấn mạnh tới yếu tố tấn công phi đối xứng và tính chính xác. Ở cấp độ chiến dịch, quân đội Nga mong muốn sở hữu một loại tên lửa có khả năng tấn công thọc sâu nhắm vào đội hình triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO trên đất liền cũng như trên biển, ví như các hệ thống phòng không Patriot, THAAD hay thậm chí là AEGIS.


Vì sao dùng Kinzhal?

Trong cuộc chiến ở Ukraine, Kinzhal đã hai lần được sử dụng. Lần đầu nhắm vào hầm ngầm chứa vũ khí tại khu vực Ivano-Frankivsk ở phía tây, và lần thứ hai là một cơ sở nhiên liệu của Ukraine tại TP Mykolaiv gần bán đảo Crimea.

Đây rõ ràng là thông điệp Tổng thống Putin muốn chuyển tới phương Tây. Dường như Nga muốn nhắc nhở họ rằng việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine sẽ không ích gì vì Nga có thể dùng các vũ khí vượt trội để triệt hạ mà không cần "bước chân" vào lãnh thổ Ukraine. Điều này xuất phát từ thực tế tên lửa Kinzhal đã hoàn toàn được phóng từ các máy bay MiG-31K triển khai bên trong các lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Một thông điệp nữa là phương Tây không nên tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine vì Nga có thể tấn công trực tiếp vào các tuyến hậu cần do phương Tây xây dựng bằng các loại vũ khí mới hiện đại hơn trong tương lai, hay thậm chí là các vũ khí hạt nhân chiến thuật (mặc dù khả năng này là rất thấp).

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng việc phải dùng đến Kinzhal cho thấy kho dự trữ các vũ khí tấn công chính xác của Nga đang cạn dần sau hơn hai tuần giao tranh.

Kinzhal là một vũ khí mới, và với vai trò quan trọng của nó trong học thuyết răn đe của Nga, loại tên lửa này chỉ nên được dùng trong những trường hợp thật sự cấp bách khi lợi ích của Nga bị đe dọa nghiêm trọng bởi một đối thủ mạnh hơn như Mỹ hay NATO, hay tình thế chiến trường diễn biến hoàn toàn bất lợi cho Nga.

Những người theo quan điểm này cho rằng dưới sức ép cấm vận, ngành công nghiệp quốc phòng Nga hiện tại dường như không có khả năng sản xuất đủ lượng vũ khí tấn công chính xác cần thiết phục vụ chiến trường. Cho đến gần đây quân đội Nga vẫn chủ yếu dựa vào các loại tên lửa như tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander hay tên lửa hành trình Kalibr phóng từ các tàu chiến Nga ở biển Đen và biển Azov. Tuy vậy, theo Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine, sau hơn 20 ngày chiến tranh, kho tên lửa của Nga cũng đang cạn dần.


Thay đổi chiến thuật?

Có góc nhìn cho rằng việc sử dụng Kinzhal có thể đánh dấu thời điểm Nga bắt đầu thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh. Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh thông qua vận dụng sự cơ động của các tiểu đoàn đổ bộ đường không, đặc nhiệm và bộ binh hạng nhẹ đã không thành công khiến Nga dần phải chuyển hướng sang chiến lược chiến tranh tiêu hao.

Các chuyên gia quân sự phương Tây đều nhấn mạnh tới rủi ro Nga sử dụng hỏa lực mạnh và áp đảo thông qua pháo kích và không kích nhằm buộc Ukraine phải chịu thiệt hại lớn cả về người và cơ sở hạ tầng, với mục tiêu ép Kiev phải nhượng bộ trên bàn đàm phán.

Trong tháng trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chuyển giao một lượng lớn các hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot cho Saudi Arabia sau một thời gian dài trì hoãn.

Chia sẻ Facebook