Nga đưa bò bison tới Bắc Cực để thay thế voi ma mút

Chia sẻ Facebook
12/08/2023 14:57:13

Động vật ăn cỏ lớn như bò rừng bison có thể biến đổi hệ sinh thái địa phương thông qua gặm cỏ và tái tuần hoàn dưỡng chất, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Bò rừng bison có thể thay thế voi ma mút đã tuyệt chủng khôi phục lại hệ sinh thái ở thế Canh Tân. (Ảnh: Hoberman Collection/Universal Images Group)


Các nhà khoa học đưa bò rừng bison tới vùng Bắc Cực thuộc Nga để thay thế vai trò của voi ma mút đã tuyệt chủng và giúp khôi phục hệ sinh thái cổ đại. 12 con bò rừng bison đồng bằng ( Bison bison bison ) tới công viên tự nhiên Ingilor, khu vực được bảo vệ có diện tích hơn 900.000 hecta ở phía bắc Khu tự trị Yamal-Nenets. Những con bò di chuyển 8.000km từ khu nuôi dưỡng ở Đan Mạch và kết thúc hành trình dài cách đây 3 tuần. Tuy nhiên, trước khi khám phá ngôi nhà mới, chúng phải trải qua một tháng cách ly, theo Live Science .


"Bò rừng bison có thể dễ dàng thích nghi với Bắc Cực bởi trong lịch sử, đó là môi trường sống tự nhiên của chúng", Cơ quan Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường khu tự trị Yamal-Nenets, cho biết. "Chúng có thể thay thế vai trò của voi ma mút tuyệt chủng cách đây 11.000 năm".


Bò rừng thảo nguyên và voi ma mút từng lang thang ở vùng Bắc Cực thuộc Nga vào cuối thế Canh Tân (2,6 triệu đến 11.700 năm trước). Dù một quần thể nhỏ voi ma mút sống sót trên hòn đảo ngoài khơi Alaska cho tới cách đây 4.000 năm, phần lớn những động vật ăn cỏ này tuyệt chủng vào cuối kỷ băng hà, khi khí hậu trở nên ấm áp hơn, đồng cỏ nhường chỗ cho cây bụi và cây gỗ.


Theo Mary Edwards, giáo sư danh dự ngành địa lý ở Đại học Southampton, Anh, hệ sinh thái cuối thế Canh Tân không có cây cối và lớp đất khá dày. Đất đóng băng vĩnh cửu lưu trữ carbon. Động vật lang thang trên các đồng bằng lạnh giá góp phần định hình cảnh quan thông qua gặm cỏ và tái tuần hoàn dưỡng chất. "Phân động vật khiến đất đai trở nên màu mỡ, cho phép thực vật phát triển. Chúng giúp tạo ra hệ sinh thái" , Edwards cho biết.


Hiện nay, để khôi phục cảnh quan ở thế Canh Tân và khả năng hút carbon, các nhà khoa học đưa động vật ăn cỏ lớn như bò rừng bison đồng bằng tới những khu vực khác nhau ở Bắc Cực. Nikita Zimov, giám đốc dự án cải tạo mang tên Công viên Canh Tân ở Yakutia, đưa bò rừng bison từ Đan Mạch tới đây từ năm 2019. Năm nay, Zimov đưa tới đàn bò rừng bison 24 con, trong đó 12 con được chuyển tới Công viên tự nhiên Ingilor để đổi lấy 14 con bò xạ hương ( Ovibos moschatus ). Bò xạ hương gần như tuyệt chủng vào đầu thập niên 1900, chỉ có vài đàn rải rác ở vùng Bắc Cực thuộc Nga. Với đàn bò xạ hương đang trên đường tới Công viên Canh Tân, Zimov chia sẻ ông hướng tới khôi phục hệ sinh thái đồng cỏ ở Bắc Cực và thông qua nhiều cơ chế sinh thái để giảm thiểu biến đổi khí hậu.


Tuy nhiên, Edwards tỏ ra hoài nghi kế hoạch trên. Động vật có thể biến đổi hệ sinh thái ở quy mô địa phương, nhưng biến đổi khí hậu trong thế Canh Tân có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong định hình cảnh quan. "Khi đó, thời tiết quá lạnh và khô để cây bụi và cây gỗ mọc, vì vậy cỏ và nhiều loại thảo mộc khác bao phủ mặt đất. Khí hậu ngày nay ấm và ẩm ướt hơn nhiều, nghĩa là hệ sinh thái có thể không phù hợp đối với động vật ăn cỏ lớn" , Edwards giải thích. Nhưng thay đổi cảnh quan có thể kéo theo tác động ngoài mong muốn. Đất đóng băng tan chảy có nghĩa trong đất nhiều nước hơn. Nếu loại bỏ tất cả cây bụi, đất sẽ trở nên sũng nước. Nước đọng có thể góp phần làm rã đông đất và tăng cường giải phóng carbon từ đất.

Chia sẻ Facebook