Nga đối mặt hậu quả kinh tế lớn sau xung đột với Ukraine
Hàng trăm nghìn người lao động Nga đã rời khỏi đất nước hoặc được đưa ra tiền tuyến, làm suy yếu nền tảng của một nền kinh tế bị đè nặng bởi các lệnh trừng phạt.
Alexandra Prokopenko, một phụ nữ lớn lên ở Moscow, luôn hứng thú với các chủ đề kinh tế, từ tiền bạc, kinh doanh, đến cách thức hoạt động của các nền kinh tế.
Vài năm trước, cô tìm được công việc mơ ước là cố vấn tại ngân hàng trung ương Nga ở Moscow. Mặc dù rất yêu thích công việc này, nhưng sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, cô đã rời Moscow và làm việc cho Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức.
Prokopenko chỉ là một phần trong làn sóng những thanh niên Nga chạy trốn khỏi quốc gia này. Mặc dù khó có thể thống kê được con số chính xác, nhưng ước tính có hàng trăm nghìn người đã rời khỏi Nga kể từ khi quốc gia này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Điều này khiến lực lượng lao động của Nga giảm đi đáng kể.
Chảy máu chất xám
Theo trang NPR, chỉ riêng năm 2022, hơn 1,3 triệu người Nga dưới 35 tuổi đã rời bỏ lực lượng lao động Nga. Con số này bao gồm những người lao động được đào tạo liên quan đến kỹ thuật hoặc lập trình máy tính. Sự mất mát lớn nhân tài này có vẻ là một trong những hậu quả kinh tế lớn nhất mà Nga phải đối mặt sau cuộc xung đột với Ukraine.
“Tôi không nghĩ chính quyền Nga sẽ thừa nhận điều đó, nhưng chúng tôi đã chứng kiến một sự chảy máu chất xám lớn”, cô Prokopenko nhận định.
Tình trạng thiếu lao động ở Nga đã xảy ra trước cả khi xung đột nổ ra, bởi rất nhiều doanh nghiệp và nhà máy ở quốc gia này phàn nàn rằng họ không thể tìm đủ số lao động cần thiết.
Hai làn sóng di cư vào năm ngoái, cùng với việc huy động khoảng 300.000 nam giới ra chiến trường đã khiến các doanh nghiệp Nga thiếu hụt nguồn lao động cho tất cả các lĩnh vực, từ lập trình viên và kỹ sư đến thợ hàn và thợ khoan dầu, những nghề cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ nỗ lực ở Ukraine.
Theo ông Oleg Itskhoki - một nhà kinh tế tại Đại học California, Los Angeles, đây là một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học toàn diện, đặt ra một vấn đề lớn đối với nền kinh tế Nga: Không có công nhân, nhiều công ty và doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn.
Trong quý I/2023, các công ty Nga báo cáo tình trạng thiếu nhân sự lớn nhất kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1998, theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nga. Số lao động dưới 35 tuổi ở Nga vào cuối năm ngoái đã giảm 1,3 triệu xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990, theo phân tích của công ty tư vấn FinExpertiza. Vào tháng 5, tỉ lệ thất nghiệp của Nga đã chạm mức thấp nhất thời hậu Xô Viết.
Thiếu lao động không phải là vấn đề duy nhất mà nền kinh tế Nga phải đối mặt. Năm 2022, nền kinh tế Nga vẫn phát triển mạnh mẽ, bất chấp các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Quốc gia này, do đó, được gọi với biệt danh là “pháo đài nước Nga”.
Tuy nhiên, năm 2023 là một năm rất khác đối với nền kinh tế Nga. Các biện pháp trừng phạt của châu Âu đã bắt đầu có hiệu lực, vì vậy doanh thu từ dầu mỏ (một trong những nguồn thu chính của Nga) đang giảm sút. Giờ đây, cuộc xung đột đang khiến Nga thiệt hại hàng trăm triệu USD mỗi ngày.
“Vấn đề lớn nhất”
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà nền kinh tế Nga đang phải đối mặt không phải là sản phẩm hay lệnh trừng phạt, mà đó là con người.
Những người lao động lành nghề như cô Prokopenko cho biết, họ vẫn mơ ước được trở về chạy bộ trong những khu rừng ở công viên Meshchersky, nhưng họ không tin họ sẽ có cơ hội này trong một sớm một chiều. “Tôi rất muốn quay trở lại, nhưng tôi cảm thấy không an toàn”, cô nói.
Theo ông Vasily Astrov, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna, cho biết: “Việc mất nguồn nhân lực là một thảm họa đối với nền kinh tế và đó là một trong những biện pháp trừng phạt. Việc mất đi những người có trình độ học vấn, lực lượng lao động lành nghề sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng kinh tế trong nhiều năm tới.”
Để ngăn chặn làn sóng di cư ra nước ngoài, Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 5 đã ra lệnh cho các quan chức xây dựng các biện pháp nhằm đảo ngược dòng người di cư, bao gồm các ưu đãi tài chính và xã hội không xác định. Chính phủ trước đó đã đề nghị giảm thuế, cho vay rẻ hơn và thế chấp ưu đãi để lôi kéo các nhân viên công nghệ ở lại.
Bộ Tài chính Nga đã công bố các đề xuất đánh thuế đối với hàng trăm nghìn người ra nước ngoài khi xung đột bắt đầu, nhưng vẫn giữ công việc ở Nga của họ ở xa những nơi như Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Trung Á. Một số nhà lập pháp Nga cũng đe dọa tịch thu tài sản của những người Nga đã rời khỏi đất nước, mặc dù chưa có luật nào như vậy được thông qua.
Trong khi đó, để có đủ nguồn nhân lực nhằm duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp Nga đã buộc phải tăng lương, làm tổn hại đến lợi nhuận của công ty và gây nguy hiểm cho các kế hoạch đầu tư . Ngược lại, tiền lương cao hơn khiến lạm phát lên cao.
Theo bà Yuliya Korochkina - Giám đốc nhân sự của công ty Trade Systems Technonicol chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, công ty của bà đang thiếu nhân công, cả cấp dưới và cấp chuyên gia.
Công ty đã hạ thấp yêu cầu đối với một số hồ sơ công việc, tăng cường làm việc từ xa và tự động hóa, đồng thời giới thiệu nhiều chương trình tạo động lực hơn cho người lao động. “Chúng tôi đang học cách làm được nhiều nhất với ít nguồn lực nhất", bà Korochkina cho biết.
Cho tới giờ phút này, nền kinh tế Nga đã chống lại những dự báo về một cuộc suy thoái sâu sắc sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhờ có doanh thu khổng lồ từ lĩnh vực dầu khí, những biện pháp kích thích của chính phủ cũng như khả năng xoay xở của quốc gia này.
Tuy nhiên, với doanh thu năng lượng giảm mạnh trong năm nay, tác động ngày càng tăng của các biện pháp trừng phạt công nghệ và việc nhà nước trượt dài theo hướng cô nền lập kinh tế báo hiệu một tương lai đầy khó khăn sắp tới .
Nguyễn Tuyết (Theo WSJ, NPR)