Nga đang tìm cách chiếm lại thành phố lớn thứ hai của Ukraine?
Khi vũ khí hạng nặng của phương Tây bắt đầu phát huy hiệu quả ở Ukraine, Moscow được cho đang tính toán tiếp cận Kharkiv, nơi quân Nga đã rút lui từ mấy tháng trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã ra lệnh cho các lực lượng Nga chiếm thành phố Kharkiv và phần còn lại của khu vực Kharkiv do Ukraine kiểm soát, mặc dù khả năng thành công là rất khó, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW).
Trong bản đánh giá xung đột Nga-Ukraine hàng ngày của mình, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ cũng cho biết, họ đưa ra quan sát này như một giả thuyết hơn là một đánh giá vì nó dựa trên các chỉ số "hạn chế và hoàn cảnh".
Các lực lượng Nga đã cố gắng chiếm thị trấn Dementiivka, ở phía bắc thành phố Kharkiv, trong những tuần gần đây mặc dù nó có ý nghĩa hạn chế đối với việc bảo vệ lãnh thổ Nga.
Ngoài ra, tình báo Ukraine đã công bố một cuộc trò chuyện bị chặn hôm 16/7, trong đó một binh sĩ Nga được cho là đã nói rằng chỉ huy của anh ta không quan tâm đến tổn thất, chỉ muốn tiếp cận Kharkiv.
Vào năm 2014, khi giao tranh nổ ra ở các vùng lân cận là Luhansk và Donetsk (gọi chung là Donbass), đã xuất hiện những lo ngại rằng Kharkiv có thể là điểm nóng giao tranh tiếp theo.
Thành phố Kharkiv đã hứng rất nhiều các cuộc không kích và pháo kích dữ dội và chứng kiến một số cuộc giao tranh đẫm máu nhất cho đến khi quân đội Nga rút khỏi các khu vực xung quanh thành phố để tập trung cho mặt trận Donbass.
Các cuộc bắn phá trong khu vực này đã được nối lại và diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ trong những ngày gần đây.
Bản đánh giá của ISW cho biết, các lực lượng Nga có thể sẽ tăng cường các nỗ lực tấn công mặt đất ở phía bắc thành phố Kharkiv trong những ngày tới "nhưng không có khả năng thu được các lợi ích lãnh thổ đáng kể".
Trên thực địa, Thống đốc Kharkiv Oleh Synyehubov cho biết, thành phố lớn thứ hai của Ukraine đã bị pháo kích vào đầu giờ sáng ngày 17/7, khiến một tòa nhà 5 tầng bị hư hại và một phụ nữ 59 tuổi bị thương.
“Quân Nga đã một lần nữa tấn công Kharkiv bằng tên lửa. Khoảng 3h sáng giờ địa phương (7h sáng giờ Hà Nội ), do tác động của 2 quả tên lửa, một trong các tầng của tòa nhà công nghiệp 5 tầng đã bốc cháy. Một phụ nữ 59 tuổi bị thương và phải nhập viện”, ông Synyehubov viết trên Telegram.
Vị Thống đốc này cho biết, một số khu dân cư lớn hơn trong khu vực đã bị "pháo kích dữ dội", gây ra một số vụ hỏa hoạn, nhưng không có thương vong.
Xung đột Nga-Ukraine sắp bước sang giai đoạn mới?
Nga đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc tấn công ở Ukraine, một quan chức quân đội Ukraine cho biết, sau khi Moscow cho biết các lực lượng của họ sẽ đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở "tất cả các khu vực hoạt động".
Khi những lô vũ khí tầm xa phương Tây viện trợ cho Ukraine bắt đầu phát huy hiệu quả trên chiến trường, Nga cũng tăng cường dội tên lửa trên nhiều khu vực của nước láng giềng Đông Âu trong những ngày gần đây.
“Đó không chỉ là các cuộc tấn công bằng tên lửa từ trên không và trên biển”, ông Vadym Skibitskyi, phát ngôn viên của tình báo quân đội Ukraine, cho biết vào cuối ngày 16/7. “Có thể thấy các cuộc pháo kích dọc theo toàn bộ đường liên lạc, dọc theo toàn bộ tiền tuyến. Máy bay chiến thuật và trực thăng tấn công được tích cực sử dụng”.
“Rõ ràng đối phương đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc tấn công”, vị phát ngôn viên kết luận.
Quân đội Ukraine hôm 17/7 cho biết, Nga dường như đang tập hợp lại các đơn vị cho một cuộc tấn công nhằm vào Slovyansk, một thành phố quan trọng do Ukraine nắm giữ ở khu vực Donetsk, miền Đông đất nước.
Theo đánh giá hôm 17/7 của Bộ Quốc phòng Anh, Nga có vẻ cũng đang tăng cường phòng thủ trên các khu vực mà nước này giành được ở miền Nam Ukraine sau khi các lực lượng Ukraine gia tăng áp lực và các nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố kế hoạch phản công nhằm đánh bật các lực lượng Nga ra khỏi khu vực.
Moscow gọi cuộc tấn công là một "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm phi quân sự hóa nước láng giềng và loại bỏ những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc, đồng thời tuyên bố rằng họ sử dụng vũ khí chính xác cao để làm suy giảm cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. Nga đã nhiều lần phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 16/7 đã ra lệnh cho các đơn vị quân đội tăng cường hoạt động để ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine vào các khu vực do Nga nắm giữ, theo một tuyên bố từ Bộ này.
Phát biểu của ông Shoigu hôm 16/7 được coi là một phản ứng trực tiếp đối với tuyên bố của Kiev về một chuỗi các cuộc không kích thành công mà quân Ukraine thực hiện vào hơn 30 trung tâm hậu cần và đạn dược của Nga, sử dụng các hệ thống tên lửa phóng loạt do phương Tây cung cấp gần đây.
Các cuộc tấn công đã gây tổn thất đối với các tuyến tiếp tế của Nga và làm giảm đáng kể khả năng tấn công của đối phương, theo Bộ Quốc phòng Ukraine.
Các quan chức Ukraine cho biết, các Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) mới do Mỹ sản xuất mà họ bắt đầu nhận được vào tháng trước cho phép họ tiếp cận các mục tiêu ở Crimea, nơi Nga đã sáp nhập năm 2014 và các khu vực khác do Nga kiểm soát.
"Lời chào buổi sáng từ HIMARS", ông Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, viết trên Telegram hôm 17/7, đồng thời đăng một đoạn video cho thấy một vụ nổ lớn mà theo ông là một kho đạn khác của Nga bị phá hủy ở miền Nam Ukraine.
Cũng trong ngày 17/7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 17/7 cảnh báo, việc Ukraine và các cường quốc NATO từ chối công nhận chủ quyền của Moscow đối với Crimea thể hiện một "mối đe dọa hệ thống" đối với Nga.
Crimea có quân cảng Sevestopol, nơi Hạm đội Biển Đen Nga đồn trú.
Người phát ngôn của chính quyền khu vực Odessa, Serhiy Bratchuk, cho biết trên Telegram vào cuối ngày 17/7 rằng một "số lượng đáng kể" tàu chiến Nga đã di chuyển từ Crimea đến Novorossiyisk, dọc theo bờ Biển Đen của Nga.
T hành phố miền N am Ukraine lại bị dội tên lửa
Thị trưởng thành phố Mykolaiv, miền Nam Ukraine, Oleksandr Senkevych, hôm 17/7 cho biết, tên lửa Nga đã tấn công một trung tâm đóng tàu quan trọng ở cửa sông Southern Bug. Không có thông tin ngay lập tức về thương vong.
Mykolaiv thường xuyên bị tấn công bằng tên lửa trong những tuần gần đây khi người Nga cố gắng làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Quân đội Nga cho biết, họ đặt mục tiêu tiếp quản toàn bộ bờ Biển Đen của Ukraine đến tận biên giới Romania. Nếu nỗ lực này thành công, nó sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế và thương mại Ukraine và tạo cho Moscow một cầu nối trên bộ với khu vực ly khai Transnistria của Moldova, nơi Nga có căn cứ quân sự.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc xung đột, các lực lượng Ukraine đã chống lại các nỗ lực của Nga nhằm chiếm Mykolaiv, một khu vực nằm giữa bán đảo Crimea và cảng Odessa.
Quân đội Nga đã ngừng nỗ lực tiến vào thành phố, nhưng vẫn tiếp tục thường xuyên dội tên lửa vào cả Mykolaiv và Odessa.
Ukraine: Nga không hoàn toàn kiểm soát Lugansk
Thống đốc Luhansk Serhiy Haidai hôm 17/7 một lần nữa bác bỏ tuyên bố rằng khu vực này hoàn toàn nằm trong tay Nga, nói rằng Ukraine vẫn còn giữ quyền kiểm soát 2 ngôi làng.
"Hơn một tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã báo cáo về việc chiếm được hoàn toàn khu vực Luhansk, nhưng từ một số lãnh thổ nhỏ trong khu vực, các lực lượng vũ trang Ukraine vẫn đang gây tổn thất cho người Nga", ông Haidai viết trên Telegram.
Ông Haidai cho rằng ông Shoigu đang che giấu những sự thật này với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga tuyên bố phá hủy thêm vũ khí phương Tây ở Ukraine
Quân đội Nga cho biết họ đã phá hủy nhiều vũ khí do Mỹ và các nước NATO khác cung cấp, bao gồm một hệ thống tên lửa tiên tiến, trong các cuộc tấn công mới vào các vị trí của Ukraine hôm 17/7.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 17/7 cho biết, các cuộc tấn công của Nga đã đánh trúng một kho chứa tên lửa chống hạm Harpoon ở Biển Đen và một hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS ở khu vực Donetsk.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc xác định vị trí và phá hủy hệ thống HIMARS là một nhiệm vụ đầy thách thức, và không thể xác nhận một cách độc lập các tuyên bố của Moscow.
Ông Zelenskyy sa thải 2 quan chức cấp cao
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 17/7 đã ban hành lệnh hành pháp cách chức người đứng đầu cơ quan an ninh nhà nước của nước này (SBU), Ivan Bakanov, và Tổng công tố Iryna Venediktova.
Thông báo được đưa ra thông qua một tuyên bố trên trang web của Văn phòng Tổng thống.
Ông Zelenskyy cho biết trong một bài đăng riêng biệt trên Telegram hôm 17/7 rằng, 2 quan chức cấp cao đã bị sa thải do nhiều thành viên trong cơ quan của 2 quan chức này đã hợp tác với Nga.
Nhà lãnh đạo Ukraine lưu ý, 651 trường hợp bị nghi ngờ phản quốc và tiếp tay cho Nga hiện đang bị điều tra, với 60 trường hợp như vậy đến từ SBU và Văn phòng Tổng công tố ở các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Ông Zelenskyy đã bổ nhiệm ông Oleksiy Symonenko làm Tổng công tố viên mới trong một sắc lệnh hành pháp khác.
Một số diễn biến nổi bật xoay quanh xung đột Nga-Ukraine
Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận về việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga trong ngày 18/7.
Với cuộc xung đột ngày càng gia tăng và ngày càng lan rộng thành các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu, các Bộ trưởng Ngoại giao EU đang cân nhắc việc cấm mua vàng từ Nga, điều này sẽ phù hợp với các lệnh trừng phạt mà các đối tác G7 đã áp đặt. Thêm nhiều cá nhân Nga cũng có thể bị đưa vào danh sách đen của EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: “Moscow phải tiếp tục trả giá đắt cho hành động gây hấn của mình”.
Chính phủ Nga đã tăng hạn ngạch xuất khẩu dầu hướng dương và bột hướng dương, với lý do đủ nguồn cung trong nước.
Moscow đã cấm xuất khẩu hạt hướng dương từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 8 và áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với dầu hướng dương để tránh tình trạng khan hiếm và giảm áp lực lên giá trong nước.
Chính phủ Nga hôm 17/7 cho biết, hạn ngạch xuất khẩu dầu hướng dương đã được tăng thêm 400.000 tấn so với mức trần là 1,5 triệu tấn trước đó, hạn ngạch xuất khẩu bột hướng dương cũng được tăng thêm 150.000 tấn so với mức giới hạn trước đó là 700.000 tấn. Các hạn chế được áp dụng cho đến ngày 31/8 .
Minh Đức (Theo Reuters, DW, Al Jazeera)