Nga “đang gặp rất nhiều rắc rối” trong chiến dịch ở Ukraine?

Chia sẻ Facebook
01/08/2022 14:38:19

Xung đột với Ukraine sẽ không đưa Nga tới sự bế tắc mà là sự thất bại, với 80% lực lượng của Moscow đang sa lầy ở miền Đông.


Các lực lượng Nga "rõ ràng đang gặp rất nhiều rắc rối" ở Ukraine khi họ phải đối mặt với những tổn thất ngày càng lớn, theo giáo sư Anthony Glees, một chuyên gia an ninh người Anh.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài GB News (Anh) hôm 31/7, giáo sư Glees đã thảo luận về tình trạng của các lực lượng Nga ở Ukraine và đánh giá rằng Nga có thể sẽ phải đối mặt với một "thất bại đáng kể" ở phía trước.


Giáo sư Glees là một chuyên gia về các vấn đề châu Âu và an ninh , nổi tiếng cả ở trong nước và quốc tế. Ông hiện là giáo sư danh dự tại Đại học Buckingham (Anh), theo Newsweek.

"Chúng tôi và người Mỹ đánh giá rằng 75.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và bị thương", giáo sư Glees nói. "Đó là con số khủng khiếp. Và 80% các lực lượng Nga tham gia chiến dịch hiện đang sa lầy ở miền Đông Ukraine”.

Theo vị chuyên gia người Anh, Tổng thống Nga Putin có thể đã hy vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến này chỉ trong vài ngày, và những gì xảy ra trên thực tế không đưa cuộc chiến tới sự bế tắc mà là tới sự thất bại.

“Có vẻ như nếu trận Kherson kết thúc với phần thắng nghiêng về phía Ukraine thì người Nga sẽ phải nhận một thất bại đáng kể”, giáo sư Glees nhận định.

Binh sĩ Ukraine vận hành lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất tại vị trí của họ ở khu vực Kharkiv, miền Đông Ukraine, ngày 28/7/2022. Ảnh: EPA

Kherson là một tỉnh (oblast) nằm ở miền Nam Ukraine, dọc theo bờ Biển Đen và giáp với bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014. Với vị trí chiến lược của mình, Kherson là một trong những tỉnh đầu tiên của Ukraine mà Nga đã giành được quyền kiểm soát ngay từ khi xung đột mới bùng phát hồi cuối tháng 2.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các lực lượng Ukraine đã nỗ lực gấp nhiều lần để giành lại tỉnh này từ tay Nga. Hôm 28/7, Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh nhận định rằng Ukraine đang tạo được động lực trong cuộc chiến giành lại Kherson và sử dụng các tên lửa do Mỹ cung cấp để hạ gục một số cây cầu mà các lực lượng Nga đã sử dụng để đưa tiếp tế vào khu vực nơi họ đang kiểm soát.

Trong cuộc trò chuyện với Đài GB News, giáo sư Glees cũng đề cập đến một báo cáo gần đây từ ông Richard Moore, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anh (MI6), cho biết rằng người Nga có thể đang "mất nhuệ khí".

"Người đứng đầu MI6 nổi tiếng trong việc dự đoán những gì sắp xảy ra", giáo sư Glees cho biết. "Ông ấy đã nói Nga sẽ tấn công vào Ukraine khi nhiều người nghi ngờ điều đó. Chúng ta cần phải lắng nghe rất kỹ những gì ông ấy nói — và người Nga cần lắng nghe những gì ông ấy đang nói, và tôi hy vọng họ sẽ làm vậy".

Newsweek đã liên hệ với các quan chức Nga để yêu cầu bình luận.

Liên quan đến cuộc phản công ở Kherson, bà Hanna Shelest, giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh tại tổ chức tư vấn an ninh và chính sách đối ngoại Ukraine Prism, từng nói với Newsweek rằng, các lực lượng Ukraine không ưu tiên giải phóng bất kỳ tỉnh cụ thể nào hơn các tỉnh khác, mà chỉ tập trung vào các mục tiêu hợp lý nhất.

"Tất cả các vùng lãnh thổ đều quan trọng", bà Shelest nói. "Chúng tôi không ưu tiên chỗ nào hơn chỗ nào, đây chỉ là vấn đề chúng tôi có thể làm điều này ở đâu ngay bây giờ".

Khói bốc lên bầu trời từ những cánh đồng đang cháy sau trận pháo kích ở Bakhmut, Donetsk, miền Đông Ukraine, ngày 31/7/2022. Ảnh: Getty Images

Tình tiết mới về vụ tấn công vào trụ sở hải quân Nga ở Sevastopol

Tại Sevastopol - thành phố cảng trên bán đảo Crimea, Thống đốc Mikhail Razvozhayev hôm 31/7 nói với truyền thông Nga rằng 5 nhân viên hải quân Nga bị thương do một vụ nổ sau khi một máy bay không người lái (UAV) được cho là bay vào sân của trụ sở hạm đội Biển Đen Nga.

Ông Razvozhayev đổ lỗi cho Ukraine về cuộc tấn công, cho rằng Ukraine đã rắp tâm "làm hỏng Ngày Hải quân cho chúng ta".

Reuters không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường.

Nhưng ông Olga Kovipris, một thành viên của Thượng viện Nga, nói với hãng thông tấn Nga RIA rằng cuộc tấn công "chắc chắn được thực hiện không phải từ bên ngoài, mà là từ lãnh thổ Sevastopol".

"Các hoạt động khẩn cấp đang được tiến hành trong thành phố để truy lùng những kẻ tổ chức hành động khủng bố này. Chúng sẽ được tìm ra vào buổi tối", ông Kovipris nói.

Cảnh sát chặn một con phố sau một cuộc tấn công được cho là thực hiện bằng máy bay không người lái (UAV) vào trụ sở của Hạm đội Biển Đen Nga ở Sevastopol, Crimea, ngày 31/7/2022. Ảnh: NYT

Cuộc tấn công vào Sevastopol diễn ra vào ngày Nga kỷ niệm Ngày Hải quân (31/7). Trước đó, Tổng thống Putin tuyên bố rằng hải quân Nga sẽ được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh Zircon "đáng gờm" trong những tháng tới. Tên lửa này có thể di chuyển với tốc độ nhanh gấp 9 lần tốc độ âm thanh, vượt xa các hệ thống phòng không.

Ông Putin đã không đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine trong bài phát biểu nhân sự kiện Ngày Hải quân sau khi ký ban hành Học thuyết Hải quân mới, trong đó coi Mỹ là đối thủ chính của Nga và đặt ra tham vọng hàng hải toàn cầu của Nga đối với các khu vực quan trọng như Bắc Cực và Biển Đen.

Hải quân Nga sẽ khó cạnh tranh với hạm đội của Mỹ và NATO

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố một Học thuyết Hải quân mới nhằm tăng cường sự hiện diện trên biển của Nga, nhưng hải quân Nga sẽ phải vật lộn để cạnh tranh với các hạm đội của Mỹ và NATO, một nhà phân tích nói với Al Jazeera hôm 31/7.

“Hải quân Nga, ít nhất là hải quân mặt nước, đông hơn gấp 4 lần so với lực lượng của các thành viên NATO ở châu Âu và đông hơn rất nhiều so với hải quân Mỹ - vì vậy về số lượng, hải quân Nga không có đối thủ”, ông Anatol Lieven, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Nga và châu Âu tại Viện nghiên cứu Quincy Institute for Responsible Statecraft (Mỹ), cho biết.


"Nga ngang hàng với Mỹ về vũ khí hạt nhân. Đó là lý do tại sao Tổng thống Putin liên tục nhấn mạnh công nghệ tên lửa của Nga vì đây là lĩnh vực mà Nga vẫn là siêu cường", ông bổ sung.

“Hải quân Nga luôn được coi là có tinh thần chiến đấu tương đối cao và chỉ huy giỏi, nhưng thực tế vẫn không thể chống lại NATO… Khu vực duy nhất mà hải quân Nga thực sự có thể hoạt động là ở Biển Đen, và Nga không thể chỉ tăng cường hải quân ở khu vực Biển Đen".

Tàu hộ tống Aleksin bắn tên lửa trong cuộc duyệt binh đánh dấu Ngày Hải quân ở Baltiysk thuộc vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad của Nga, ngày 31/7/2022. Ảnh: Swissinfo

“Ông trùm” ngũ cốc Ukraine thiệt mạng trong cuộc tấn công tên lửa

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 31/7 của mình, đã lên án vụ pháo kích mới nhất của Nga vào thành phố Mykolayiv, miền Nam nước này, khiến “ông trùm” ngũ cốc Ukraine thiệt mạng.

Ông Zelenskyy mô tả cái chết của ông Vadatursky là "một mất mát to lớn đối với toàn thể Ukraine". Tổng thống Ukraine cho biết, vị doanh nhân - một trong những người giàu nhất Ukraine được Forbes ước tính giá trị tài sản ròng năm 2021 là 430 triệu USD - đã và đang xây dựng một thị trường ngũ cốc hiện đại với mạng lưới các bến trung chuyển và bốc dỡ hàng.

Ông Zelenskyy cũng cho biết, Ukraine có thể chỉ thu hoạch được một nửa lượng ngũ cốc thông thường trong năm nay do xung đột với Nga.

Trước đó, Thống đốc Mykolaiv Vitaliy Kim xác nhận trên Telegram rằng ông Oleksiy Vadatursky, người sáng lập và chủ sở hữu công ty xuất khẩu nông sản Nibulon, và vợ ông là bà Raisa đã thiệt mạng tại nhà riêng.

Có trụ sở chính tại Mykolaiv, một thành phố chiến lược quan trọng giáp với vùng Kherson hiện phần lớn do Nga kiểm soát, công ty Nibulon chuyên sản xuất và xuất khẩu lúa mì, lúa mạch và ngô, đồng thời có đội tàu và nhà máy đóng tàu riêng.

Thị trưởng Mykolaiv, Oleksandr Senkevych, mô tả cuộc tấn công tên lửa gây chết chóc trên là cuộc tấn công dữ dội nhất vào thành phố này trong 5 tháng giao tranh. Nhà ông Vadatursky nằm trong số nhiều khu dân cư bị tấn công, cùng với một khách sạn, một khu liên hợp thể thao, hai trường học và một trạm dịch vụ.

Ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Zelenskyy, đề cập đến cái chết của ông Vadatursky, nhấn mạnh rằng ông đã bị sát hại trong một cuộc tấn công có chủ đích.

Để minh chứng cho phỏng đoán trên, ông Podolyak lập luận rằng một quả tên lửa đã tấn công trực tiếp vào phòng ngủ nơi ông Vadatursky và bà Raisa đang ngủ.

Một bến cảng ở vùng Mykolaiv được công ty Nibulon sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc. Ảnh: NYT

Tổng thống Zelenskyy mô tả cuộc tấn công là "một trong những vụ đánh bom tàn bạo nhất vào Mykolayiv và khu vực".

Ông tuyên bố, không có cuộc tấn công nào của Nga “không được các quan chức tình báo và quân đội của chúng tôi đáp trả”.

Quân đội Nga hiện đang được điều chuyển từ miền Đông đến Kherson và Zaporizhzhya ở miền Nam, Tổng thống Ukraine cho biết. "Nhưng điều đó sẽ không giúp được gì cho họ".

Trước đó, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết quân đội Nga đang được điều động tới các khu vực do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine.

Ở những nơi khác ở Ukraine, các lực lượng Nga đã nã pháo vào vùng Sumy ở khu vực biên giới phía Bắc 7 lần, với hơn 90 cuộc tấn công riêng lẻ, Thống đốc Sumy Dmytro Zhyvjtsky cho biết trên kênh Telegram của mình hôm 31/7.

Một trang trại đã bị hư hại và 25 ha lúa mì đã bị tàn phá, ông cho biết.

Có tới 50 quả rocket Grad đã bắn trúng các khu dân cư ở thành phố miền Nam Nikopol vào sáng 31/7, Thống đốc Dnipropetrovsk Valentyn Reznichenko cho biết trên Telegram. Một người bị thương.

Người dân ở miền Đông Ukraine được yêu cầu sơ tán bắt buộc, ngày 30/7/2022. Ảnh: NYT

Trước đó, hôm 30/7, Tổng thống Zelenskyy cho biết, hàng trăm nghìn người vẫn phải hứng chịu các cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực Donbass, bao gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk mà Nga đang tìm cách kiểm soát hoàn toàn, đồng thời kêu gọi dân thường sơ tán khỏi khu vực Donetsk để thoát khỏi "sự khủng bố của Nga".

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Verechtchuk trước đó đã thông báo về việc sơ tán bắt buộc toàn bộ người dân Donetsk với lý do mạng lưới khí đốt và sưởi ấm trong khu vực đã bị hủy hoại, không thể đảm bảo điều kiện sống cho người dân trong mùa đông tới.

Theo ước tính của chính quyền Ukraine, ít nhất 200.000 dân thường vẫn sống trong các vùng lãnh thổ thuộc khu vực Donetsk không bị Nga kiểm soát.

"Tổng cộng hiện có khoảng 52.000 trẻ em ở vùng Donetsk. Các nhân viên cảnh sát đang giải thích với các bậc phụ huynh rằng việc sơ tán bao gồm việc cung cấp chỗ ở và mọi hỗ trợ cần thiết", lực lượng cảnh sát phụ trách chiến dịch sơ tán cho biết.

ICRC vẫn chờ được tiếp cận tù nhân chiến tranh Ukraine ở

nhà tù Olenivka

Hôm 31/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã mời các chuyên gia từ Liên Hợp Quốc (LHQ) và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) đến điều tra cái chết của hàng chục tù binh Ukraine trong một nhà tù ở khu vực do phe ly khai thân Moscow kiểm soát.

Trong một tuyên bố hôm 31/7, Bộ này cho biết họ đang hành động "vì lợi ích của việc tiến hành một cuộc điều tra khách quan" về cái mà họ gọi là một cuộc tấn công vào nhà tù hôm 29/7.

Phe ly khai đưa ra con số thiệt mạng là 53 người và cáo buộc Kiev đã tấn công nhà tù bằng tên lửa. Các lực lượng vũ trang Ukraine phủ nhận trách nhiệm, nói rằng pháo binh Nga đã nhắm vào nhà tù để che giấu hành vi ngược đãi những người bị giam giữ ở đó.

Nhà tù ở thị trấn miền Đông Olenivka, nằm trong khu vực do phe ly khai thân Nga ở Donetsk kiểm soát, bị phá hủy trong một cuộc tấn công, ngày 29/7/2022. Ảnh: NYT

Ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies thu thập ngày 30/7/2022 cho thấy rõ hơn quang cảnh hiện trường vụ tấn công vào nhà tù ở Olenivka, khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine.

Trong khi đó, ICRC hôm 31/7 cho biết, họ vẫn đang chờ đợi để tiếp cận các tù nhân chiến tranh (POW) bị thương trong một cuộc tấn công vào một nhà tù ở Olenivka, trong khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở Donetsk, miền Đông Ukraine.

"Yêu cầu của chúng tôi về tiếp cận tù binh ở Olenivka ngày hôm qua (30/7) đã không được chấp thuận", phái đoàn ICRC tại Ukraine cho biết trên Twitter.

“Việc trao cho ICRC quyền tiếp cận tù binh chiến tranh là nghĩa vụ của các bên tham gia xung đột theo Công ước Geneva”.


ICRC, một tổ chức trung lập nghiêm ngặt, được phép thăm các tù nhân chiến tranh theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, về mặt hình thức, các đại biểu trước tiên cần có sự đồng ý của bên giữ tù binh trước khi họ có thể đến thăm .


Minh Đức (Theo Reuters, Newsweek, DW, Al Jazeera)

Chia sẻ Facebook