Nga đang chuẩn bị nhân lực cho một cuộc chiến kéo dài và nhiều bất trắc?
Việc Nga huy động thêm khoảng 300.000 lính dự bị cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đang được phân tích dưới nhiều góc độ.
Đây là đợt động viên đầu tiên của Nga kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Như vậy, Moscow đang chuẩn bị nhân lực và vật lực cho một cuộc chiến sẽ kéo dài và nhiều bất trắc. Vậy phía Ukraine với sự hậu thuẫn của các nước phương Tây sẽ có bước đi như thế nào.
Nga đang chiến đấu với các nước phương Tây tại Ukraine
Trong bài phát biểu được phát sóng truyền hình ngày 21/9, Tổng thống Putin khẳng định ông ủng hộ đề xuất của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang tiến hành động viên một phần trong nước. Ông nói: "Tôi nhắc lại, chúng tôi đang nói về việc huy động một phần, tức là chỉ những công dân Nga đang trong diện dự bị mới bắt buộc ra trận, và trên hết, đó là những người đã từng phục vụ trong một lực lượng vũ trang, có chuyên môn quân sự nhất định và có kinh nghiệm liên quan. Những binh lính từng tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ bắt buộc phải trải qua một khóa huấn luyện quân sự bổ sung nữa trước khi đưa tới các đơn vị".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, với sắc lệnh này, Nga có thể huy động khoảng 300.000 lính dự bị, nghĩa là chỉ hơn 1% nguồn lực dự bị hiện có. Ông Shoigu nhấn mạnh, việc huy động là cần thiết để tăng cường cho chiến tuyến kéo dài hơn 1.000km ở Ukraine. Lý giải thêm về lý do của lệnh động viên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, nước này đang chiến đấu với các nước phương Tây tại Ukraine và thực tế phương Tây không muốn có hòa bình giữa Nga và Ukraine. Ngay lập tức, Ukraine và các nước phương Tây đã phản đối động thái và tuyên bố mới nhất của Nga.
Ông Josep Borrell - Cao ủy châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại: "Tôi đang triệu tập một cuộc họp không chính thức bất thường và đột xuất của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu với mục đích để thống nhất một đường lối chung. Chúng ta sẽ tiếp tục ủng hộ hoàn toàn chủ quyền của Ukraine và tiếp tục nỗ lực để cuộc chiến này chấm dứt càng sớm càng tốt".
Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí chuẩn bị các lệnh trừng phạt mới đối với Nga và tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh về động viên một phần quân đội.
Trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga
Một trong các diễn biến đáng chú ý nhất về tình hình Ukraine là từ 23-27/9, bốn tỉnh là Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson đồng loạt loạt tiến hành trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga. Trong số này, Donetsk và Lugansk, gọi chung là vùng Donbass, đã tự tuyên bố tách khỏi Ukraine vào năm 2014. Nga đã công nhận Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng là hai quốc gia độc lập ngay trước khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Kherson và Zaporizhia là hai khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Nga không lâu sau khi chiến dịch quân sự bắt đầu. Các vùng này chiếm khoảng 1/5 diện tích Ukraine.
Có hơn 1000 điểm bỏ phiếu được mở tại Donetsk và Lugansk, gần 600 điểm tại Kherson và Zaporizhia và hơn 400 điểm bỏ phiếu tại Nga dành cho những người tị nạn. Dự kiến có gần 3 triệu người dân sẽ đi bỏ phiếu tại địa phương. Theo truyền thông Nga, các cuộc bỏ phiếu sẽ được giám sát bởi các quan sát viên trong và ngoài nước. Ukraine và phương Tây phản đối các cuộc trưng cầu dân ý, tuyên bố sẽ không công nhận kết quả. Trong khi Tổng thống Nga Putin khẳng định, Moscow sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân các vùng đất này và bảo vệ các cuộc trưng cầu dân ý này.
Răn đe sử dụng vũ khí hạt nhân
Như vậy, hai bên đang chuẩn bị cho những tháng ngày khắc nghiệt sắp tới. Giới quan sát cho rằng, không lâu nữa, mùa đông này sẽ là thời gian đỏ lửa trên chiến trường. Sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngã ngũ, Ucraina sẽ không dễ dàng chấp nhận thực tế. Còn Nga thì sẽ dùng công cụ nào để bảo vệ kết quả vừa đạt được. Khi chiến sự leo thang, thì tới mức nào có thể khiến Moscow sử dụng hết kho vũ khí hiện có, ám chỉ tới vũ khí hạt nhân?
Tháng 2/2022, ngay trước chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Putin đã đặt lực lượng hạt nhân của Nga ở trạng thái "sẵn sàng chiến đấu đặc biệt". 7 tháng sau, ngày 21/9/2022 ông Putin tuyên bố: "Tôi muốn nói về tuyên bố của một số đại diện cấp cao các nước hàng đầu NATO về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt - vũ khí hạt nhân - chống lại Nga".
Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa, thì không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện theo ý chí của mình để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng tôi. Đây không phải là một lời nói suông".
Tuyên bố của ông Putin không khác với những điểm cơ bản được nêu trong "Chính sách quốc gia của Nga về răn đe hạt nhân" ban hành ngày 2/6/2020. Theo đó, Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân hoặc đáp trả một cuộc xâm lược sử dụng vũ khí thông thường nhưng "đe dọa sự tồn tại của nhà nước".
Xét đến khả năng Nga thật sự sử dụng vũ khí hạt nhân, có nhiều ý kiến cho rằng Nga sẽ thận trọng trong quyết định của mình.
Bà Emily Ferris - Viện nghiên cứu RUSI, Anh: "Tôi nghĩ rằng họ nhận thức được mối đe dọa và điều này sẽ rất khó xảy ra, đây là một kịch bản không mong muốn của Điện Kremlin. Nhưng nguy cơ là có và sẽ tăng lên nếu như Nga bị dồn vào đường cùng. Điều đó khá nguy hiểm".
Vấn đề là ở trong trường hợp nào Nga coi sự tồn tại của mình bị đe dọa đến mức phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Thực tế thì chỉ có Tổng thống Putin mới là người quyết định đâu là giới hạn đỏ như vậy.
Ông Christian Lowe - Nhà báo, hãng thông tấn Reuters: "Hãy nhìn vào Crimea. Crimea được Nga sáp nhập vào năm 2014, nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận. Trong cuộc xung đột này, Ukraine đã tổ chức các cuộc tấn công quân sự đáng kể vào Crimea, nhưng vẫn không có phản ứng nào sử dụng vũ khí hạt nhân xảy ra".
Mới đây nhất, ngày 23/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov Nga một lần nữa tuyên bố Nga không đe dọa bất kỳ nước nào bằng vũ khí hạt nhân. Và rằng, "đối đầu công khai" với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có thể dẫn đến đụng độ quân sự, không nằm trong lợi ích của Nga.
Phương Tây thúc đẩy gói trừng phạt mới nhằm vào Nga
Mặc dù phương Tây và Nga vẫn đang răn đe nhau bằng các tuyên bố về sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng đúng là khả năng đó chỉ xảy ra khi cuộc xung đột tại Ukraine leo thang trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và phương Tây. Phương Tây vẫn đang kiềm chế tránh vượt quá giới hạn, trước mắt, họ tuyên bố vẫn sử dụng công cụ trừng phạt và tiếp tục đổ vũ khí vào Ukraine.
Ngày 23/9, Mỹ thông báo sẵn sàng cùng các đồng minh áp đặt trừng phạt kinh tế với Nga. Động thái được đưa ra ngay sau khi 4 khu vực miền Đông Nam Ukraine trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga.
Bà Karine Jean-Pierre - Thư ký báo chí Nhà Trắng: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cùng các đồng minh và đối tác áp đặt thêm biện pháp trừng phạt kinh tế nhanh chóng và nghiêm trọng đối với Nga".
Trước đó, ngày 21/9, Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí chuẩn bị gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào Moscow, dự kiến được thống nhất vào tháng 10 tới, sau khi Tổng thống Nga ban hành lệnh động viên 1 phần quân đội.
Ông Josep Borrell - Cao ủy châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu: "Hội đồng sẽ nghiên cứu một gói trừng phạt mới đối với một nhóm cá nhân mới và sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, nhất là mảng công nghệ của Nga. Hiện tại, các biện pháp trừng phạt đã rất cứng rắn và rất hiệu quả".
Khác với các động thái trừng phạt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi tiến hành các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt xung đột. Theo ông Erdogan, cần phải có nỗ lực chung của các nhà lãnh đạo thế giới trao đổi với Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine để mở đường cho giải pháp ngoại giao; cảnh báo bất kỳ cách tiếp cận tiêu cực nào đều không mang lại kết quả mong đợi.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan: "Xung đột đang vượt ngưỡng tháng thứ bảy và đây là cuộc chiến mà không có bên nào thắng, nhưng một tiến trình hòa bình công bằng sẽ đảm bảo không có người thua cuộc. Đó là lý do chúng tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao, đối thoại trong giải quyết cuộc xung đột này".
Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm này. Ông Vương Nghị - Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc: "Chúng ta phải bám sát phương hướng đối thoại và đàm phán, các bên liên quan cần nối lại đàm phán càng sớm càng tốt, đưa vào đàm phán những quan ngại chính đáng, các phương án khả thi để đạt được kết quả và hòa bình. Chúng ta phải làm việc cùng nhau để giảm leo thang; hạn chế các hành động khiêu khích, đối đầu. Cộng đồng quốc tế cần đóng vai trò xây dựng để hạ nhiệt xung đột".
Những diễn biến mới trong cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraine là một bước ngoặt rất đáng tiếc, nó khiến cho việc toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine muốn trở về nguyên trạng như trước ngày 24/2 là điều rất khó xảy ra. Cả hai bên đều muốn giành chiến thắng và giành lợi thế tuyệt đối, điều này sẽ khiến cơ hội trở lại bàn đàm phán ngày càng xa vời. Và để cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lòng châu Âu này hạ nhiệt, cần bớt đi sự can thiệp từ bên ngoài, tránh thổi bùng ngọn lửa xung đột, để tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Nga ban hành lệnh động viên một phần quân đội Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về động viên một phần quân đội, bắt đầu từ ngày hôm nay.