Nga đã phớt lờ thông tin tình báo về khủng bố do Mỹ chia sẻ?

Chia sẻ Facebook
05/04/2024 04:46:19

Mỹ đã gửi thông tin cảnh báo về khả năng sẽ có các vụ tấn công vào đám đông ở Moscow, nhưng Tổng thống Vladimir Putin dường như đã không xem xét nghiêm túc.

Nguồn hình ảnh, AFP

Chụp lại hình ảnh,

Người dân đang đứng gần nhà hát Crocus City Hall khi vụ tấn công xảy ra

Tác giả, Gordon Corera Vai trò, Phóng viên An ninh, BBC News 24 tháng 3 2024

Luôn có những câu hỏi xuất hiện sau bất kỳ vụ tấn công nào, chẳng hạn tại sao không thể ngăn chặn hay phát hiện. Vụ tấn công tại Moscow đã đặt ra những vấn đề khó khăn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thời điểm căng thẳng và mất niềm tin với quốc tế. Và mấu chốt là từ lời cảnh báo do Washington đưa ra.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tất cả bốn tay súng thực hiện vụ tấn công đã bị bắt giữ.


Ít nhất 133 người chết và hơn 40 người bị thương khi những kẻ tấn công xông vào nhà hát Crocus City Hall , nổ súng trong một buổi biểu diễn nhạc rock.

Chính quyền Nga cho biết tổng cộng 11 người đã bị bắt giữ và bốn tay súng bị bắt khi trốn chạy về hướng Ukraine. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Phát biểu trên truyền hình, ông Putin lên án vụ tấn công, được xem chết chóc nhất tại Nga trong gần 20 năm qua, gọi đây là một "hành động khủng bố man rợ" và lặp lại lời tuyên bố trước đó của cơ quan an ninh Nga là những tên tấn công đã tìm cách tháo chạy sang Ukraine.

Kyiv bác bỏ cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công này, gọi cáo buộc của ông Putin là chuyện "ngu xuẩn".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Putin "đổ tội" Ukraine cho vụ tấn công.

"Một Putin vô dụng, thay vì giải quyết vấn đề cho công dân Nga, đối diện với họ, thì lại im lặng trong một ngày để nghĩ cách đổ tội cho Urkaine," ông Zelensky nói.

115 người chết trong vụ xả súng ở nhà hát Nga, IS nhận trách nhiệm 23 tháng 3 năm 2024 Chiến tranh Ukraine: Ba kịch bản có thể xảy ra trong năm 2024 2 tháng 1 năm 2024

Cảnh báo ngày 7/3 từ Mỹ được phát đi dành cho công dân của họ là một thông tin cụ thể một cách bất thường. Cảnh báo này đưa ra khả năng "những kẻ cực đoan" đã "có những kế hoạch sát sườn nhằm vào các địa điểm tập trung đông người ở Moscow" và đặc biệt đề cập đến các buổi hòa nhạc.

Cảnh báo này có nội dung khuyến cáo công dân Mỹ ở Moscow tránh xa các sự kiện tập trung đông người trong vòng 48 giờ tới.


Thời điểm có thể không như trong cảnh báo, nhưng các chi tiết khác thì rất trùng khớp với các sự kiện hôm 22/3. Dường như Washington rõ ràng đã có thông tin tình báo và cho thấy sự liên quan của Nhà nước Hồi giáo (IS) - nhóm đã phát đi tuyên bố cho biết mình đứng đằng sau vụ tấn công tại Moscow.

Ngoài việc phát đi cảnh báo công khai cho công dân nước mình, phía Mỹ cũng cho biết đã liên lạc trực tiếp với chính phủ Nga.

"Chính phủ Mỹ cũng đã chia sẻ thông tin này với giới chức Nga theo chính sách 'nghĩa vụ cảnh báo' đã có từ lâu của chúng tôi," một quan chức Mỹ nói trong một thông cáo được đưa ra sau vụ tấn công.

Hiện có những kênh chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước - thậm chí giữa các quốc gia vốn không phải là đồng minh - đặc biệt khi có liên quan đến các vụ tấn công có thể nhằm vào dân thường.

Nhưng vấn đề là Moscow đã bỏ qua những lời cảnh báo đó.

Ba ngày sau vụ tấn công, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trước ban lãnh đạo của Tổng Cục An ninh Liên bang Nga (FSB), cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia.

Ông nói với các lãnh đạo của cơ quan an ninh này rằng ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt - cụm từ chính thức mà ông dùng để chỉ cuộc xâm lược toàn diện nhằm vào Ukraine.

Tổng thống Nga cáo buộc Ukraine đã chuyển sang cái mà ông ta gọi là "những chiến thuật khủng bố". Putin cũng đề cập trực tiếp điều mà ông ta gọi là "những tuyên bố mang tính khiêu khích" từ phương Tây về các vụ tấn công có thể xảy ra bên trong lòng nước Nga.

Putin nói các cảnh báo ấy "giống như lời hăm dọa thẳng thừng và nhằm mục đích làm xã hội của chúng ta lo sợ và bất ổn".

IS là gì và nguy hiểm tới đâu?

Nga đã nghe lén cuộc họp trực tuyến của tướng Không quân Đức như thế nào? 8 tháng 3 năm 2024 Putin: Nga sẵn sàng cho chiến tranh hạt nhân 13 tháng 3 năm 2024

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước người dân Nga sau cuộc tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall ở Moscow

Điều này cho thấy chuyện Mỹ và Nga mất niềm tin đồng nghĩa Moscow có thể đã không muốn lắng nghe và thay vào đó nhận thấy những lời cảnh báo là một phần nỗ lực nhằm đe dọa Nga, liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine.

Chúng ta vẫn chưa biết được chính xác bản chất thông tin mà phía Mỹ có được hoặc đã chuyển đi (cho Nga) hay mức độ rõ ràng của thông tin ấy. Thông tin tình báo có thể không rõ ràng và vì thế khó giúp đưa ra biện pháp đối phó.

Nhưng phía Mỹ cũng có cơ chế thu thập thông tin tình báo rộng lớn và theo dõi IS chặt chẽ.

ISIS-K, một nhánh của IS bị tình nghi thực hiện vụ tấn công tại Moscow, cũng liên quan đến một vụ tấn công khác nhằm vào quân Mỹ và dân thường tại sân bay Kabul ở Afghanistan hồi tháng 8/2021, cũng như các đợt đánh bom chết người gần đây tại Iraq.

Nếu như thông tin tình báo được chia sẻ với phía Nga là đáng tin cậy và cụ thể về IS, thì FSB và Putin khó bề biện minh cho việc đã không xem xét cảnh báo của Mỹ một cách nghiêm túc hơn.

Và nếu câu chuyện là thế thì có lẽ sẽ dễ dàng hơn đối với Moscow khi cho rằng cuộc tấn công có liên quan đến Ukraine theo một cách nào đó, nhằm điều hướng chỉ trích và giúp gia tăng sự ủng hộ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, thay vì thừa nhận việc họ có thể đã phớt lờ thông tin tình báo từ phía Mỹ.

Chia sẻ Facebook